Phổ biến, giáo dục pháp luật cho đồng bào dân tộc thiểu số: Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực
Chiều 30/3, Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL), Bộ Tư pháp đã phối hợp với Trường Đại học luật Hà Nội tổ chức Tọa đàm Giải pháp thu hút và phát huy vai trò của sinh viên Luật là người dân tộc thiểu số trong công tác PBGDPL tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS).
Tham dự Tọa đàm có vụ trưởng Vụ PBGDPL Lê Vệ Quốc, Hiệu trưởng Đại học Luật Hà Nội Đoàn Trung Kiên...
Phát biểu khai mạc Tọa đàm, Vụ trưởng Vụ PBGDPL Lê Vệ Quốc nhấn mạnh việc PBGDPL cho đồng bào DTTS là một trong những yêu cầu có tính khách quan, cấp thiết, là một hoạt động có ý nghĩa xã hội đặc biệt quan trọng, hướng tới cung cấp, trang bị cho đồng bào những kiến thức, hiểu biết nhất định về pháp luật. Đặc biệt là Đảng và Nhà nước đã có nhiều chính sách ưu tiên phát triển hoạt động PBGDPL cho đồng bào DTTS giúp bảo đảm quyền tiếp cận thông tin pháp luật và tính đồng đều về hiểu biết pháp luật giữa các dân tộc.
Tuy nhiên, công tác PBGDPL dành cho đồng bào DTTS đang đứng trước nhiều khó khăn, thách thức, nhất là vấn đề về nguồn lực. Do đó, đồng chí Lê Vệ Quốc bày tỏ mong muốn các đại biểu, các em học sinh Đại học Luật Hà Nội tích cực trao đổi, chia sẻ những giải pháp, cơ chế, chính sách nhằm thu hút, phát huy vai trò, đồng thời nâng cao năng lực cho sinh viên Luật là người DTTS trong công tác PBGDPL.
Báo cáo tại Tọa đàm, Phó Vụ trưởng Vụ PBGDPL Ngô Quỳnh Hoa cho biết, thể chế, chính sách pháp luật về công tác PBGDPL cho người DTTS được quy định khá đầy đủ, toàn diện từ Luật PBGDPL, các văn bản hướng dẫn thi hành luật cho tới các chương trình, đề án, dự án PBGDPL trực tiếp cho người dân nông thôn và đồng bào DTTS theo từng giai đoạn. Theo đó, các bộ, ngành, đoàn thể, địa phương vùng biên giới, hải đảo… đã có sự phối hợp chặt chẽ, tham gia tích cực trong tổ chức PBGDPL cho cán bộ, nhân dân ở vùng đồng bào DTTS, biên giới, hải đảo… để triển khai dưới nhiều hình thức đa dạng.
Những kết quả đạt được trong thời gian qua cho thấy, công tác PBGDPL đã được triển khai thực hiện có hệ thống, có trọng tâm, trọng điểm, ưu tiên vùng đặc biệt khó khăn, vùng sâu, vùng xa, biên giới; phù hợp với nhu cầu, đặc điểm, phong tục, tập quán, văn hóa truyền thống của từng dân tộc, vùng miền; nội dung thiết thực, hiệu quả, ngày càng nâng cao nhận thức pháp luật cho đồng bào, củng cố khối đại đoàn kết dân tộc, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chính trị và nhu cầu xã hội.
Bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động PBGDPL cho đối tượng đồng bào DTTS còn tồn tại một số khó khăn. Như: nhận thức của một số cấp ủy, chính quyền vẫn còn hạn chế, chưa thực sự quan tâm tới công tác PBGDPL cho đồng bào DTTS; công tác PBGDPL ở một số nơi chưa sâu rộng, toàn diện, chưa thường xuyên, liên tục; nội dung PBGDPL ở một số địa bàn chưa được lựa chọn trên cơ sở bám sát nhu cầu và thực tiễn của người dân sinh sống ở địa bàn đó…
Để phát triển nguồn nhân lực thực hiện PBGDPL cho người DTTS tại địa bàn cơ sở trong thời gian tới, cần đổi mới nội dung, hình thức, cách thức triển khai phù hợp với đồng bào DTTS; củng cố, kiện toàn, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; đầu tư nguồn lực trọng tâm, trọng điểm, ưu tiên tối đa về kinh phí từ ngân sách nhà nước và các điều kiện đảm bảo cho công tác PBGDPL tới đồng bào DTTS. Các cơ quan quản lý nhà nước thực hiện nhiệm vụ PBGDPL phải tăng cường kiểm tra, sơ kết, tổng kết, đánh giá việc thực hiện công tác PBGDPL cho đồng bào DTTS và miền núi…
Tại Tọa đàm, đồng chí Vừ Bá Thông, đại diện Vụ Pháp chế, Ủy ban Dân tộc đã đưa ra một số giải pháp huy động các chủ thể tham gia thực hiện hoạt động PBGDPL. Như: có cơ chế, chính sách hỗ trợ đội ngũ báo cáo viên pháp luật, đội ngũ cán bộ là người DTTS ở địa phương; huy động, xây dựng đội ngũ tuyên truyền viên pháp luật là sinh viên người DTTS để tham gia PBGDPL; xây dựng chuyên trang, chuyên mục, ứng dụng, fanpage tuyên truyền pháp luật bằng ngôn ngữ DTTS; hỗ trợ kinh phí cho đội ngũ sinh viên nghiên cứu, tìm hiểu về tập quán của dân tộc minh để tuyên truyền, phổ biến cho phù hợp, hiệu quả.
Đồng chí Nguyễn Nhất Linh, đại diện Ban Thanh niên trường học – TW Đoàn TNCS Hồ Chí Minh cũng đề xuất và chia sẻ một số giải pháp về xây dựng, nâng cao hiệu quả hoạt động của đội ngũ sinh viên tình nguyện thực hiện PBGDPL cho đồng bào DTTS. Cụ thể, các cấp cán bộ Đoàn, Hội tiếp tục kết hợp hoạt động tuyên truyền, PBGDPL với hoạt động phong trào; tăng cường tuyên truyền Luật PBGDPL năm 2012 trong đội ngũ cán bộ Đoàn, Hội, thanh niên, sinh viên tại các trường đại học; đa dạng các hình thức PBGDPL phù hợp với nhu cầu, lứa tuổi, trình độ của đối tượng được PBGDPL và truyền thống, phong tục, tập quán tốt đẹp của các DTTS…