Phổ biến giáo dục pháp luật tại Sóc Trăng: Hiệu quả từ mô hình hay, cách làm mới

Những năm qua, công tác Phổ biến giáo dục pháp luật (PBGDPL) trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng được quan tâm triển khai theo hướng đổi mới, gắn với xây dựng, thi hành, bảo vệ pháp luật và nhiệm vụ chính trị của đơn vị. Qua đó, tạo chuyển biến căn bản trong ý thức tuân thủ, chấp hành pháp luật của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và nhân dân trên địa bàn tỉnh.

Đó là thông tin từ Phó Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Sóc Trăng Phạm Thị Minh Huệ tại buổi tiếp và làm việc với Đoàn Kiểm tra Hội đồng phối hợp PBGDPL trung ương do Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội đồng Trương Thị Ngọc Ánh làm trưởng đoàn.

Báo cáo trước đoàn kiểm tra, bà Phạm Thị Minh Huệ cho biết, địa phương đã kịp thời đưa chủ trương, đường lối, chính sách của đảng, pháp luật của nhà nước đi vào đời sống. Công tác xây dựng, bồi dưỡng và nâng cao năng lực chuyên môn cho đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác PBGDPL được quan tâm. Bộ máy tổ chức, cán bộ làm công tác PBGDPL ngày càng được củng cố, kiện toàn. Nhiều cán bộ làm công tác PBGDPL được bồi dưỡng về chính trị, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, chất lượng hoạt động ngày càng được nâng lên.

 Toàn cảnh buổi làm việc. Ảnh: ITN

Toàn cảnh buổi làm việc. Ảnh: ITN

Hội đồng phối hợp PBGDPL các cấp ngày càng được củng cố, kiện toàn hơn về số lượng và chất lượng, bảo đảm vai trò giúp UBND cùng cấp thực hiện ngày càng hiệu quả công tác PBGDPL. Nhận thức của cấp ủy, tổ chức Đảng về vai trò của công tác PBGDPL được nâng lên. Qua đó góp phần quan trọng vào công cuộc phát triển kinh tế - xã hội; giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tại địa phương.

Bên cạnh đó, công tác PBGDPL cho các đối tượng đặc thù được tỉnh đặc biệt quan tâm. Đẩy mạnh tuyên truyền PBGDPL cho cán bộ nhân dân vùng biên giới, hải đảo, trong đồng bào dân tộc thiểu số. Đồng thời, tập trung tuyên truyền cho người lao động và người sử dụng lao động trong các loại hình doanh nghiệp. Quan tâm tuyên truyền pháp luật cho người đang chấp hành hình phạt tù; người bị áp dụng các biện pháp tư pháp hoặc các biện pháp xử lý hành chính, người mới ra tù tái hòa nhập cộng đồng, thanh thiếu niên vi phạm pháp luật, lang thang cơ nhỡ.

Đặc biệt, tỉnh Sóc Trăng đã thực hiện nhiều mô hình hay, cách làm hiệu quả trong công tác PBGDPL. Tỉnh đã xây dựng, thiết kế các mẫu Infographic, video PBGDPL; tổ chức thành công Cuộc thi trực tuyến “Tìm hiểu pháp luật”. Điển hình như mô hình “Tiếng loa Biên phòng”, “Nông dân với pháp luật”, “mô hình chuyển hóa địa bàn trọng điểm phức tạp về trật tự an toàn xã hội”, “Mỗi đoàn viên là một tuyên truyền viên tích cực”, “tuyên truyền phòng, chống tội phạm qua Zalo, Facebook”, “thư viện di động và thư viện xanh”... đang được thực hiện và đạt kết quả cao.

Bên cạnh đó, công tác PBGDPL trên địa bàn tỉnh cũng còn những hạn chế nhất định. Một số thành viên của Hội đồng chưa chủ động trong công tác phối hợp. Một số đơn vị, địa phương xem công tác tuyên truyền, PBGDPL trên các lĩnh vực là trách nhiệm của ngành Tư pháp. Do đó, việc triển khai các hoạt động chưa kịp thời, mang tính hình thức.

Dưới góc độ địa phương, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Chủ tịch Hội đồng phối hợp PBGDPL tỉnh Sóc Trăng Lâm Hoàng Nghiệp cho biết, công tác PBGDPL đóng vai trò vô cùng quan trọng, là cầu nối để đưa các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước đến với người dân. Để giúp địa phương tiếp tục duy trì, phát huy những kết quả đạt được, tỉnh Sóc Trăng cũng kiến nghị, cần có sự đồng bộ trong hệ thống VBQPPL thống nhất để tạo sự thuận lợi trong công tác PBGDPL.

Phó Chủ tịch tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội đồng phối hợp PBGDPL trung ương Trương Thị Ngọc Ánh đánh giá cao những kết quả, nỗ lực của tỉnh Sóc Trăng đã đạt được trong công tác PBGDPL. Đoàn kiểm tra đánh giá cao hệ thống văn bản của UBND tỉnh chỉ đạo triển khai công tác PBGDPL xuống huyện rất kịp thời. Đồng thời, tỉnh cũng đặc biệt quan tâm đến công tác kiện toàn tổ chức Hội đồng phối hợp, nâng cao hiệu quả và trách nhiệm của từng ngành, từng thành viên.

Đặc biệt, đoàn kiểm tra ấn tượng với các hình thức PBGDPL của Sóc Trăng. Nhiều mô hình hay, các làm hiệu quả đã được triển khai sâu sát ở cơ sở. Đề nghị tỉnh, tiếp tục phát huy kết quả đạt được để công tác PBGDPL trong thời gian tới đạt được kết quả cao hơn.

Bên cạnh những kết quả đạt được, cũng cần thẳng thắn nhìn nhận công tác PBGDPL của tỉnh vẫn còn một số tồn tại, hạn chế. Trong thời gian tới, đề nghị địa phương tiếp tục phát huy vị trí, vai trò, trách nhiệm của Hội đồng phối hợp PBGDPL các cấp nói chung, trách nhiệm của các cơ quan thành viên Hội đồng nói riêng trong triển khai thực hiện nhiệm vụ. Chủ động nắm bắt, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc thực tiễn trong công tác PBGDPL trên địa bàn tỉnh, bà Ánh nhấn mạnh.

Song song với đó, cần chú trọng lồng ghép hoạt động PBGDPL và tích hợp với các hoạt động chuyên môn của các sở, ban, ngành, đoàn thể trên địa bàn tỉnh. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và hoạt động của Hội đồng. Tăng cường huy động nguồn lực xã hội, trong đó phát huy vai trò của đội ngũ luật sư, luật gia tham gia công tác PBGDPL, hòa giải ở cơ sở.

Hoàng Yến

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/pho-bien-giao-duc-phap-luat-tai-soc-trang-hieu-qua-tu-mo-hinh-hay-cach-lam-moi-post390094.html