Phổ biến, truyền bá âm nhạc hàn lâm cho công chúng hiện nayTin khácNgành giáo dục tận dụng thời gian 'vàng' để dạy họcĐảm bảo chất lượng thuốc, đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe Nhân dân
Âm nhạc hàn lâm là kết tinh của lịch sử âm nhạc nhân loại, là tinh hoa của âm nhạc dân tộc, có giá trị tư tưởng triết lý và nghệ thuật cao. Âm nhạc hàn lâm giúp cho thế giới tinh thần nội tâm của con người được nâng cao, hướng tới những giá trị chân-thiện-mỹ.Nền âm nhạc mới Việt Nam đã có bề dày lịch sử hơn 90 năm, kể từ khi xuất hiện ca khúc-hành khúc đầu tiên 'Cùng nhau đi Hồng Binh' của Đinh Nhu (1930). Đến năm 1943, 'Đề cương văn hóa của Đảng' do đồng chí Trường Chinh biên soạn với phương châm 'Dân tộc-Khoa học-Đại chúng' đã làm kim chỉ nam cho hoạt động sáng tác và biểu diễn âm nhạc.Cảnh trong vở nhạc kịch 'Người tạc tượng' của Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam. Ảnh: CHÂU XUYÊN
Đã có hàng nghìn tác phẩm âm nhạc các thể loại từ ca khúc, hợp xướng, kịch hát, kịch múa, nhạc kịch, hòa tấu, đến nhạc giao hưởng, được ra đời trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, đặc biệt là sau khi đất nước thống nhất năm 1975, trong thời kỳ đổi mới đến nay.
Về khái niệm âm nhạc hàn lâm (Academic music) để phân biệt với âm nhạc đại chúng (Pop music) và âm nhạc dân gian (Folk music) là ở chỗ, âm nhạc hàn lâm là một bộ phận của nền âm nhạc mỗi quốc gia, được tiếp thu, chắt lọc và phát triển những thành tựu của truyền thống dân tộc và quốc tế. Nền âm nhạc hàn lâm bao gồm các thành tố hàn lâm, như: Nghệ thuật biểu diễn, sáng tác, lý luận phê bình được đào tạo bài bản qua các hệ thống trường lớp và có tính chuyên nghiệp cao. Việc phân loại các dòng âm nhạc hàn lâm, đại chúng… chỉ dành cho những người làm nghề, còn đối với công chúng thì ít phân biệt rạch ròi những khái niệm này. Họ chỉ nghe theo thói quen hoặc theo sở thích, thậm chí theo phong trào.
Phải thừa nhận là dòng âm nhạc hàn lâm bác học chiếm thị phần không nhiều (có thể nói là ít) so với các dòng nhạc khác nổi lên hiện nay là dòng ca khúc thịnh hành; bên cạnh dòng chính thống thường gọi là nhạc “đỏ”, ta thấy nhạc Jazz, Rock, Rap, Country, Underground… Đây là những thể loại âm nhạc quốc tế được giới trẻ ưa chuộng. Nhạc không lời, hòa tấu giao hưởng, ca khúc nghệ thuật (Bel canto) ít được phổ biến và cũng ít có người nghe. Nguyên nhân thì có nhiều, nhưng xin đề cập đến mấy vấn đề.
Về biểu diễn, chủ yếu là nhạc không lời nước ngoài, từ cổ điển-lãng mạn đến hiện đại (Mozart, Beethoven, Schubert, Chopin, Tchaikovsky, Grieg, Bizet, Shostakovich, Grevin…) và một số tác giả Việt Nam. Nghệ sĩ biểu diễn tuy được đào tạo bài bản trong và ngoài nước nhưng ít có điều kiện trình diễn trước công chúng vì không có người tổ chức, ít địa điểm hòa nhạc đủ tiêu chuẩn, chế độ thù lao bồi dưỡng không tương xứng… Ở nước ta chưa hình thành một tầng lớp khán giả đủ trình độ hiểu biết và có nhu cầu thưởng thức loại hình âm nhạc cao cấp này. Khác với việc nghe một bài hát, ở đó có lời ca, nội dung (về tình yêu lứa đôi, quê hương, đất nước, sinh hoạt tuổi trẻ…) kết hợp với giai điệu, giọng ca, tiết tấu… bắt tai, bắt mắt nên dễ hấp dẫn (nhất là giới trẻ). Còn muốn thưởng thức một tác phẩm hàn lâm (cho dù là có lời hay không lời) thì trước hết, người nghe cần phải trang bị một số kiến thức tối thiểu về thể loại này. Biết phân biệt các dòng âm nhạc, có gu thưởng thức và có nhu cầu nghe dòng nhạc hàn lâm bác học. Đối tượng khán giả, thính giả này ngày càng đông đảo, thì việc phổ biến, lan tỏa loại hình âm nhạc hàn lâm ngày càng thuận lợi. Tôi được biết, sau Chiến tranh thế giới lần thứ hai, Chính phủ Nhật Bản bên cạnh việc khôi phục lại đất nước đã cho xây dựng nhiều nhà hát và buộc mọi tầng lớp nhân dân phải nghe nhạc cổ điển. Kết quả là qua nhiều thập kỷ đã hình thành nên một thế hệ công chúng biết thưởng thức và yêu nhạc hàn lâm ở đất nước này.
Về lực lượng sáng tác, muốn có tác phẩm mới, chương trình biểu diễn mới, thì trước tiên phải có sự lao động sáng tạo của nhạc sĩ (Composer) là chủ thể đầu tiên của tác phẩm. Hằng năm, một số lượng không nhiều các nhạc sĩ trẻ được nhận bằng chuyên ngành sáng tác, mà đa số khi ra trường không tiếp tục con đường sáng tác Academic. Vì những lý do khách quan, buộc nhạc sĩ trẻ phải chuyển hướng sáng tác ca khúc nhạc Pop, hoặc làm những dịch vụ phòng thu, hòa âm phối khí trên đàn điện tử để sinh sống, nên số tác phẩm mới (giao hưởng, hợp xướng, hòa tấu nhạc cụ) khá thiếu vắng trong đời sống âm nhạc.
Về gu thưởng thức của công chúng nghe nhạc. Trong đời sống âm nhạc hiện nay, bên cạnh nhu cầu thưởng thức dòng âm nhạc chính thống lành mạnh, xuất hiện một bộ phận công chúng chỉ chú ý vào các ca khúc thị trường với ca từ sáo rỗng, âm nhạc lai căng, thậm chí “lấy cắp” từ nhạc nước ngoài; hâm mộ quá đáng-hay còn được gọi là “fan cuồng”-các “diva”, các “ông hoàng” nhờ công nghệ lăng xê mà nổi lên rồi biến mất. Công chúng, đặc biệt là giới trẻ quên đi hoặc không biết tới dòng âm nhạc chính thống, kinh điển hàn lâm và dòng âm nhạc dân gian, cổ truyền. Trong nền kinh tế thị trường, âm nhạc trở thành hàng hóa nên mọi hoạt động của guồng quay showbiz bao trùm lên đời sống âm nhạc. Tình trạng bát nháo trong thị trường âm nhạc tác động đến tất cả đối tượng, từ nhạc sĩ, ca sĩ, đến công chúng và dần hạ thấp gu thẩm mỹ âm nhạc dẫn đến sự lệch chuẩn trong sáng tác, biểu diễn và thưởng thức âm nhạc.
Tuy dòng âm nhạc hàn lâm bác học còn gặp nhiều khó khăn, trở ngại trên quá trình phát triển và quảng bá xây dựng công chúng, nhưng dòng nhạc này cũng đạt được những thành tích đáng kể, đi từ những bước đầu tiên với sự kiện thành lập Trường Âm nhạc Việt Nam (1956), nay là Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam; sự ra đời của Hội Nhạc sĩ Việt Nam (1957), là nơi đã đào tạo và tập hợp một đội ngũ đông đảo những nghệ sĩ sáng tác và biểu diễn ngày càng lớn mạnh. Chúng ta có quyền tự hào về Nghệ sĩ Nhân dân Đặng Thái Sơn-người châu Á đầu tiên đoạt giải nhất Cuộc thi piano quốc tế mang tên Chopin (1980). Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam đã biểu diễn tại các nước Mỹ, Nhật, Ý, Đức, Trung Quốc, Nga… Thế hệ nghệ sĩ trẻ Việt Nam đã có vị trí trên các sân khấu âm nhạc thế giới, như: Đỗ Phượng Như, Bùi Công Duy (violon); Lưu Đức Anh (piano); Lê Phi Phi, Đồng Quang Vinh (chỉ huy). Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam đã dàn dựng các vở opera nổi tiếng, như: “Eugene Onegin” (Tchaikovsky); “Madame Butterfly” (Puccini); “Cô Sao”, “Người tạc tượng” (Đỗ Nhuận); “Lá đỏ” (Đỗ Hồng Quân). Việt Nam đã tổ chức nhiều festival âm nhạc quốc tế như Festival âm nhạc mới Á-Âu (2014, 2016, 2018); 4 lần tổ chức cuộc thi piano quốc tế tại Hà Nội…
Tương lai và triển vọng của dòng âm nhạc hàn lâm bác học rộng mở trong điều kiện đất nước đã có những hoạt động giao lưu về âm nhạc với các nước trong khu vực và thế giới. Muốn cho âm nhạc hàn lâm phát triển và ngày càng đi sâu vào cuộc sống, đáp ứng nhu cầu thưởng thức của công chúng, những việc cần làm, đó là: Đầu tư cho tài năng (cá nhân và tập thể) để có được nhiều nghệ sĩ như Đặng Thái Sơn, Lê Dung trong tương lai; có nhiều nhà hát và dàn nhạc chất lượng cao trong khu vực và quốc tế. Chú trọng đào tạo nhạc sĩ sáng tác trẻ bởi họ là những người sẽ tạo ra các tác phẩm có giá trị về nội dung và tư tưởng ở các thể loại lớn như opera, giao hưởng, hợp xướng, để một phần của lịch sử dân tộc được ghi lại qua thể loại âm nhạc hàn lâm. Nâng cao trình độ thưởng thức âm nhạc cho công chúng, đưa việc giáo dục thẩm mỹ âm nhạc trở thành một nội dung trong việc giáo dục và bồi đắp tâm hồn của con người. Có những hình thức tuyên truyền và giáo dục về âm nhạc hàn lâm bác học, như ta đã làm trước đây trên Đài Tiếng nói Việt Nam vào những năm 1970-1980. Đưa giáo dục âm nhạc vào nhà trường từ cấp mẫu giáo, phổ thông các cấp cho đến cao đẳng, đại học. Mở rộng giao lưu quốc tế, mời gọi các nghệ sĩ nổi tiếng thế giới đến Việt Nam biểu diễn…
Âm nhạc hàn lâm là kết tinh của lịch sử âm nhạc nhân loại, là tinh hoa của âm nhạc dân tộc, có giá trị tư tưởng triết lý và nghệ thuật cao. Âm nhạc hàn lâm giúp cho thế giới tinh thần nội tâm của con người được nâng cao, hướng tới những giá trị chân-thiện-mỹ. Đánh giá vị trí và vai trò của dòng âm nhạc hàn lâm bác học trong dòng chảy của nền âm nhạc cách mạng Việt Nam qua những hoạt động gần đây để thấy rằng, hoạt động của Hội Nhạc sĩ Việt Nam luôn bám sát đường lối văn hóa, văn nghệ của Đảng, đặc biệt là thực hiện một cách hiệu quả Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, trong đó có nội dung quan trọng về phát triển con người toàn diện và xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, để văn hóa thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc.