Phổ cập trẻ 3-5 tuổi, cần quan tâm đến chế độ để GVMN gắn bó với nghề

Theo chuyên gia, phổ cập giáo dục mầm non không chỉ là chiến lược quốc gia mà còn là nhiệm vụ cấp bách để thay đổi năng lực, tư duy thế hệ trẻ Việt Nam.

Bộ Giáo dục và Đào tạo lấy ý kiến cho dự thảo Nghị quyết Quốc hội về phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em mẫu giáo từ 3 đến 5 tuổi.

Theo đó, Nghị quyết được Bộ đề xuất với mục đích đảm bảo cho trẻ em 3-5 tuổi được tiếp cận giáo dục mầm non có chất lượng; được chuẩn bị tốt về thể chất, trí tuệ, tình cảm, thẩm mỹ, ngôn ngữ và tâm lý sẵn sàng đi học, bảo đảm chất lượng để vào lớp một, góp phần thực hiện quyền của trẻ em.

Sẵn sàng triển khai khi có Nghị quyết chính thức

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, bà Nghiêm Thị Kim Huê - Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Lai Châu cho biết, việc ban hành Nghị quyết phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 3-5 tuổi phù hợp với quan điểm của Đảng về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế.

Đối với các tỉnh/thành trên toàn quốc nói chung và với tỉnh Lai Châu nói riêng, Nghị quyết chính là cơ sở pháp lý để các tỉnh được thực hiện và đẩy mạnh hơn nữa các hoạt động liên quan phổ cập giáo dục trên địa bàn, tạo thêm nhiều điều kiện và cơ hội cho trẻ em được đến trường, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục quốc gia.

“Phổ cập giáo dục mầm non chính là một nhiệm vụ cấp bách cần được ưu tiên và chú trọng vì trên hết, chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ ở mầm non có tác động, ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng giáo dục ở các cấp học phía sau.

Trong suốt thời gian qua, dù điều kiện thực tế còn nhiều khó khăn nhưng Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Lai Châu đã rất cố gắng chú trọng phát triển mạng lưới cơ sở giáo dục mầm non, đáp ứng nhu cầu đưa trẻ đến trường của nhân dân trên địa bàn. Trên cơ sở đó, hệ thống trường, lớp học đều được đầu tư bài bản, đáp ứng tốt nhu cầu thực tế cũng như đảm bảo chất lượng giáo dục.

Bên cạnh đó, Sở cũng rất chú trọng đến công tác bồi dưỡng năng lực đội ngũ cán bộ quản lý để có thể đáp ứng yêu cầu công việc. Nhờ vậy mà số lượng giáo viên trên địa bàn tỉnh đang ngày càng ổn định, đảm bảo trình độ chuyên môn nghiệp vụ vững vàng để đáp ứng yêu cầu, mục tiêu đã đề ra”, bà Nghiêm Thị Kim Huê chia sẻ.

 Sở Giáo dục và Đào tạo Lai Châu rất chú trọng công tác bồi dưỡng năng lực cán bộ làm việc trong lĩnh vực giáo dục mầm non. Ảnh: NVCC

Sở Giáo dục và Đào tạo Lai Châu rất chú trọng công tác bồi dưỡng năng lực cán bộ làm việc trong lĩnh vực giáo dục mầm non. Ảnh: NVCC

Tính đến thời điểm hiện tại, dù Nghị quyết mới chỉ là dự thảo nhưng đối với Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Lai Châu, đây chính là một tín hiệu khả quan cho những hoạt động liên quan đến giáo dục trong tương lai.

Do đó, Sở đã chủ động xây dựng kế hoạch triển khai công tác phổ cập giáo dục mầm non, sẵn sàng thực hiện sau khi có Nghị quyết chính thức.

Theo chia sẻ từ bà Nghiêm Thị Kim Huê , Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Lai Châu sẽ phối hợp cùng với các ban, ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố để xây dựng giải pháp triển khai đồng bộ và hiệu quả. Song song với đó là tiếp tục thực hiện tốt công tác truyền thông về các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về giáo dục và đào tạo, chú trọng đến công tác truyền thông về mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp thực hiện phổ cập giáo dục cho trẻ 3-5 tuổi.

Tại tỉnh Đắk Nông, nhìn chung, công tác phổ cập giáo dục mầm non vẫn đang được triển khai và thực hiện nghiêm túc, đạt được nhiều kết quả tích cực, song vẫn còn nhiều khó khăn và hạn chế.

Chia sẻ với phóng viên, ông Lê Đại Thành, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Đắk Glong, tỉnh Đắk Nông cho hay, căn cứ vào tình hình thực tế của địa phương hiện nay, việc ban hành Nghị quyết phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 3-5 tuổi từ nay đến 2030 là việc làm rất cần thiết và quan trọng, phù hợp với thực tiễn của Đắk Glong nói riêng, tỉnh Đắk Nông nói chung.

Trong thời gian vừa qua, công tác phổ cập giáo dục mầm non tại địa bàn huyện Đắk Glong đang được triển khai và thực hiện rất nghiêm túc, chính xác cho từng độ tuổi và được đánh giá, công nhận theo các giai đoạn một cách khoa học, đảm bảo các mức độ, tỷ lệ phần trăm cho trẻ 3-5 tuổi. Đối với cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên tại các cơ sở giáo dục mầm non trực tiếp thực hiện nhiệm vụ phổ cập giáo dục mầm non sẽ được hỗ trợ phụ cấptrách nhiệm tính theo mức lương cơ sở nhân với là 0.2%.

Cuối tháng 5 vừa qua, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Đắk Glong đã chỉ đạo các đơn vị giáo dục mầm non đề xuất, xây dựng kế hoạch tuyển sinh, qua đó phân công giáo viên thống kê số liệu trẻ từ 0-5 tuổi để tổng hợp và dự kiến lớp học, chia học sinh theo độ tuổi, tu sửa và chuẩn bị điều kiện cơ sở vật chất trước khi bước vào năm học mới.

Qua kết quả thống kê từ thực tế cho thấy, tại huyện Đắk Glong hiện vẫn còn một số lượng khá lớn trẻ em mẫu giáo từ 3 - 4 tuổi chưa được tiếp cận với giáo dục mầm non, các điều kiện đảm bảo chất lượng giáo dục nhìn chung vẫn còn nhiều hạn chế.

Mặc dù hiện nay các cơ sở giáo dục mầm non đã bố trí đảm bảo phòng học, lớp học nhưng tỷ lệ phòng học kiên cố chưa cao, các phòng học bán kiên cố và phòng học mượn tạm, đồ chơi ngoài trời, thiết bị dạy học tối thiểu trong lớp ở các trường mầm non cũng trong tình trạng xuống cấp, hỏng hóc, thiếu hụt phải bổ sung thường xuyên.

Đội ngũ giáo viên được phân chia và ưu tiên cho trẻ 5 tuổi là 2 cô giáo/lớp. Tuy nhiên, vì tình trạng thiếu giáo viên nên các lớp chồi, lớp mầm có thể chỉ có 1 giáo viên/ lớp học. Đây chính là một trong số những nguyên nhân dẫn đến việc thực hiện phổ cập giáo dục mầm non còn nhiều bất cập.

 Công tác phổ cập giáo dục mầm non tại địa bàn huyện Đắk Glong đang được triển khai và thực hiện rất nghiêm chỉnh, chính xác theo từng độ tuổi. Ảnh: NVCC

Công tác phổ cập giáo dục mầm non tại địa bàn huyện Đắk Glong đang được triển khai và thực hiện rất nghiêm chỉnh, chính xác theo từng độ tuổi. Ảnh: NVCC

Mong muốn có chính sách hỗ trợ để phổ cập giáo dục mầm non hiệu quả và toàn diện

Đánh giá điều kiện thực tế tại tỉnh Lai Châu khi 84% là đồng bào dân tộc thiểu số, toàn tỉnh có 04 huyện nghèo, 54 xã đặc biệt khó khăn và 22 xã biên giới, bà Nghiêm Thị Kim Huê cho hay, việc triển khai công tác phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ từ 3-5 tuổi tại tỉnh Lai Châu trong thời gian tới sẽ gặp một số khó khăn và hạn chế nhất định.

Đầu tiên chính là việc số lượng giáo viên mầm non trên toàn tỉnh chưa thể đáp ứng đủ nhu cầu thực tế. Theo thống kê, tỷ lệ giáo viên/lớp toàn tỉnh Lai Châu là 1,7%, trong khi đó tỷ lệ giáo viên/lớp nhà trẻ theo quy định là 2,5%; tỷ lệ giáo viên/lớp mẫu giáo theo quy định là 2,2%.

Bên cạnh đó, cơ sở vật chất, thiết bị dạy học dù đã được tập trung đầu tư nhưng vẫn chưa hoàn toàn đồng bộ. Đa số các đơn vị thiếu nhà công vụ cho giáo viên, số điểm trường lẻ và tỷ lệ lớp ghép còn cao. Tính đến ngày 31/05/2024, toàn tỉnh Lai Châu còn 620 điểm trường lẻ, 777 lớp học ghép trong các trường công lập.

Do đó, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Lai Châu bày tỏ mong muốn nếu Nghị quyết phổ cập giáo dục mầm non được ban hành thì hy vọng thời gian tới sẽ được Nhà nước quan tâm, xây dựng những chính sách hỗ trợ để tăng tỷ lệ trẻ mẫu giáo toàn tỉnh được tiếp cận với giáo dục mầm non có chất lượng, đặc biệt là nhóm trẻ em vùng dân tộc thiểu số và miền núi sẽ có nhiều điều kiện, cơ hội học tập trong tương lai.

Trong khi đó, ông Lê Đại Thành đã tham mưu với các cấp có thẩm quyền đề xuất xây dựng chính sách hỗ trợ cán bộ trong công tác điều tra số liệu, điều tra dân số; chính sách chăm lo và hỗ trợ cho trẻ em vùng khó khăn và dân tộc thiểu số. Cuối cùng là chế độ cho giáo viên mầm non để có thêm cơ sở đồng hành và gắn bó với nghề.

Ông Thành hy vọng rằng khi Nghị quyết phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ từ 3-5 tuổi được ban hành chính thức sẽ đi kèm các chính sách chăm lo và hỗ trợ đến trẻ em, đặc biệt là trẻ em vùng khó khăn, dân tộc thiểu số. Nếu được hỗ trợ tăng thêm tiền ăn trưa, chi phí học tập được đồng bộ đến tất cả các hộ gia đình, đặc biệt các bạn có hoàn cảnh khó khăn sẽ được hỗ trợ và tạo nhiều điều kiện để có thể đến trường thì việc phổ cập giáo dục mầm non sẽ diễn ra toàn diện và hiệu quả.

Đối với đội ngũ cán bộ điều tra, vì giáo viên mầm non có công việc đặc thù là phải đến lớp 2 buổi/ngày nên việc sắp xếp thời gian để điều tra, khảo sát và thống kê từng hộ dân là việc cần nhiều thời gian, công sức. Do đó, ông Thành cũng mong muốn sẽ có thêm chế độ hỗ trợ cho nhóm cán bộ này.

Mặt khác, vì chế độ phụ cấp, chính sách tiền lương cho đội ngũ giáo viên mầm non không cao nên ít nhiều đã ảnh hưởng đến tâm lý, nhiệt huyết gắn bó với nghề. Thế nên, Nhà nước cần có sự quan tâm hơn nữa đến đội ngũ này, đặc biệt là chính sách tiền lương, chế độ ưu đãi, thêm giờ để đội ngũ có thêm tâm huyết, giữ vững lửa nghề và tận tâm phục vụ công việc.

 Ông Lê Đại Thành - Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Đắk Glong, tỉnh Đắk Nông. Ảnh: NVCC

Ông Lê Đại Thành - Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Đắk Glong, tỉnh Đắk Nông. Ảnh: NVCC

Phổ cập giáo dục mầm non là nhiệm vụ, chiến lược quốc gia

Theo chuyên gia giáo dục Tô Thụy Diễm Quyên, giáo dục mầm non là nền tảng quan trọng cho sự phát triển toàn diện của trẻ em, góp phần định hình tương lai của một quốc gia.

Để đạt được mục tiêu này, cần có một chính sách toàn diện để phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ từ 3-5 tuổi. Đây chính là chiến lược quốc gia, là nhiệm vụ cấp bách đặc biệt quan trọng trong bối cảnh hiện nay.

“Đầu tư vào giáo dục mầm non là đầu tư cho tương lai của đất nước, giúp trẻ em phát triển toàn diện và sẵn sàng cho các bậc học tiếp theo.

Nghiên cứu của Đại học Harvard năm 2017 đã chỉ ra rằng, trẻ em trong độ tuổi từ 0-6 phát triển đến 95% não bộ và sự can thiệp giáo dục chất lượng cao trong giai đoạn này có thể tạo ra sự khác biệt lớn về năng lực và trí tuệ của trẻ.

Do đó, ở giai đoạn này, nếu trẻ em được tiếp cận với giáo dục mầm non chất lượng sẽ có xu hướng đạt thành tích cao hơn trong học tập và có kỹ năng xã hội tốt hơn khi trưởng thành.

Ngược lại, đối với những bạn không được đến trường sẽ đánh mất cơ hội học hỏi, phát triển thể chất và tư duy, đây sẽ là một sự thiệt thòi vô cùng lớn”, cô Quyên bày tỏ.

 Cô Tô Thụy Diễm Quyên cho rằng: Đầu tư giáo dục mầm non là đầu tư cho tương lai của đất nước, giúp trẻ em phát triển toàn diện và sẵn sàng cho các bậc học tiếp theo. Ảnh: NVCC

Cô Tô Thụy Diễm Quyên cho rằng: Đầu tư giáo dục mầm non là đầu tư cho tương lai của đất nước, giúp trẻ em phát triển toàn diện và sẵn sàng cho các bậc học tiếp theo. Ảnh: NVCC

Nhìn nhận và đánh giá điều kiện Việt Nam trong bối cảnh hiện tại, cô Quyên cho rằng cần phải xác định công tác phổ cập giáo dục mầm non từ 3-5 tuổi chính là chiến lược quốc gia để có sự đầu tư nghiêm túc và triển khai hiệu quả. Muốn vậy, bên cạnh việc ban hành Nghị quyết, Chính phủ cần ban hành các chính sách toàn diện và hỗ trợ cụ thể để đảm bảo mục tiêu phổ cập giáo dục mầm non đạt được hiệu quả cao nhất.

Thứ nhất, khi có Nghị quyết sẽ cần nguồn lực rất lớn từ đội ngũ giáo viên mầm non để có thể đáp ứng nhu cầu thực tiễn. Do vậy, Nhà nước cần đầu tư xây dựng và cải thiện cơ sở vật chất tại các cơ sở giáo dục mầm non, đồng thời thu hút và đào tạo đội ngũ giáo viên chất lượng, đảm bảo đáp ứng nhu cầu thực tiễn.

Thực tế hiện nay đã phản ánh hiện trạng nhiều giáo viên bỏ nghề, bỏ việc vì một số quyền lợi, chế độ của người lao động trong lĩnh vực giáo dục mầm non vẫn chưa được đáp ứng. Thế nên việc tuyển dụng, giữ chân đội ngũ này vẫn còn nhiều khó khăn và hạn chế. Do đó, cần phải có giải pháp thiết thực để giải quyết trước khi có Nghị quyết chính thức.

Thứ hai là việc cải cách chương trình giảng dạy và tạo môi trường học tập thân thiện, sáng tạo để trẻ em có thể phát huy toàn bộ năng lực, phẩm chất và tư duy. Theo đó, cần thiết kế chương trình giáo dục mầm non tập trung vào phát triển toàn diện, chú trọng vào thể lực, trí tuệ và phẩm chất của trẻ thay vì chỉ tập trung vào nhận thức.

Bên cạnh đó, cô Quyên khuyến khích và đề xuất phương pháp giảng dạy sáng tạo, giúp trẻ phát triển kỹ năng quan sát, phát hiện và giải quyết vấn đề thông qua các hoạt động nghiên cứu và học tập thực tiễn.

Mặt khác, tăng cường sự tham gia của gia đình và cộng đồng trong quá trình giáo dục trẻ để tạo sự liên kết chặt chẽ giữa nhà trường và nhà đình.

Cuối cùng, theo cô Quyên, Nhà nước cần phối hợp với các ban, ngành để có sự giám sát thường xuyên, đánh giá hiệu quả các chính sách. Qua đó có sự điều chỉnh kịp thời nhằm đảm bảo mục tiêu phổ cập giáo dục mầm non đạt được hiệu quả cao nhất.

Đào Hiền

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/pho-cap-tre-3-5-tuoi-can-quan-tam-den-che-do-de-gvmn-gan-bo-voi-nghe-post243811.gd