Phó chủ nhiệm Thường trực Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Bùi Sỹ Lợi làm việc về thực trạng triển khai sản phẩm bảo hiểm vi mô
Nhằm lấy ý kiến cho Dự thảo Nghị định quy định việc triển khai bảo hiểm vi mô của các tổ chức chính trị xã hội, chiều 4-6, tại huyện Quảng Xương, đồng chí Bùi Sỹ Lợi, Phó chủ nhiệm Thường trực Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội đã có buổi làm việc với Hội LHPN Việt Nam, Hội LHPN tỉnh về thực trạng triển khai sản phẩm bảo hiểm vi mô.
Đồng chí Bùi Sỹ Lợi, Phó chủ nhiệm Thường trực Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội phát biểu tại buổi làm việc
Dự hội nghị có các đồng chí: Phạm Bá Oai, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh, đại diện Đoàn ĐBQH tỉnh, lãnh đạo huyện Quảng Xương.
Bảo hiểm vi mô là hình thức bảo hiểm dành cho người có thu nhập thấp. Theo đó, người nghèo đóng phí cho tổ chức cung cấp bảo hiểm để nhận được khoản hỗ trợ tài chính khi rủi ro không may xảy ra. Hoạt động cung cấp bảo hiểm vi mô thông qua các tổ chức thường hướng tới người được bảo hiểm là hội viên của các tổ chức này. Hiện nay, Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam đã cung cấp sản phẩm bảo hiểm vốn vay cho thành viên của Tổ chức tài chính vi mô (TYM) tại 12 tỉnh, thành phố trên cả nước.
Tại Thanh Hóa, hoạt động bảo hiểm vốn vay của Trung ương Hội hiện đã được triển khai tại 7 huyện, thị và thành phố, thu hút 22.000 lượt hội viên, phụ nữ thuộc các hộ nghèo, cận nghèo, thu nhập thấp tham gia, với số phí bảo hiểm tương đương 40.000 đồng/ năm cho số vốn 10 triệu đồng. Trong 4 năm, bảo hiểm vi mô chi trả quyền lợi cho 42 hội viên phụ nữ không may gặp rủi ro tử vong.
Tại hội nghị, các đại biểu đã tham gia thảo luận, phân tích những khó khăn, vướng mắc và những thuận lợi khi triển khai sản phẩm bảo hiểm vi mô; khẳng định bảo hiểm vi mô giữ vai trò quan trọng trong đảm bảo an sinh xã hội, góp phần xóa đói giảm nghèo. Do vậy, các đại biểu đề nghị Trung ương Hội LHPN Việt Nam tiếp tục mở rộng cung cấp các gói sản phẩm bảo hiểm vi mô; tăng cường nâng cao nhận thức về bảo hiểm vi mô thông qua các khóa tập huấn, hội thảo, truyền thông, chia sẻ thông tin về quyền lợi bảo hiểm. Đồng thời, đề nghị Ủy ban các vấn đề Xã hội của Quốc hội, xem xét, cho ý kiến ban hành Nghị định về triển khai bảo hiểm vi mô của tổ chức chính trị xã hội theo hướng đặc thù, nhằm tạo điều kiện hoạt động bảo hiểm vi mô của các tổ chức chính trị xã hội hoạt động không vì mục đích lợi nhuận được đáp ứng, phù hợp với nhu cầu của hội viên trong thực tiễn cuộc sống.