Phó Chủ tịch Dương Anh Đức: Tạo điều kiện để báo chí tác nghiệp, không bị cản trở

Phó Chủ tịch TP.HCM Dương Anh Đức đề nghị Sở TT&TT phải kiểm soát, không để xảy ra tiêu cực nhưng cũng tạo điều kiện tốt để các cơ quan báo chí tác nghiệp, không bị cản trở.

Chiều 10-1, Sở TT&TT TP.HCM tổ chức hội nghị tổng kết năm 2023 và triển khai nhiệm vụ, chương trình công tác năm 2024.

Tham dự và phát biểu chỉ đạo hội nghị, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức khẳng định năm 2023 Sở TT&TT đã cố gắng vượt bậc, đạt nhiều thành tích đáng khích lệ. Nhờ vậy các chỉ số về công tác TT&TT của TP đều đạt kết quả khả quan.

Chuyển đổi số là vấn đề xương sống

Dự báo năm 2024 TP.HCM sẽ đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, Phó Chủ tịch Dương Anh Đức mong ngành TT&TT phát huy vai trò, đóng góp tích cực vào sự phát triển của TP, tạo ra sự tăng trưởng tích cực, bền vững cho TP.

 Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức phát biểu chỉ đạo tại hội nghị. Ảnh: HÀ THƯ

Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức phát biểu chỉ đạo tại hội nghị. Ảnh: HÀ THƯ

Theo ông Đức, từ lâu, TP.HCM phát triển dựa trên ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số, trí tuệ nhân tạo và đạt được nhiều kết quả quan trọng. Nếu không nắm bắt được cơ hội, thành tựu vốn có để đưa vào cuộc sống hàng ngày thì chắc chắn TP sẽ bị tụt hậu.

Ông cho biết không phải ngẫu nhiên chủ đề năm 2024 của TP.HCM là quyết tâm thực hiện chuyển đổi số và Nghị quyết 98. Theo ông, cả hai nhiệm vụ này đều gắn trực tiếp với chức trách, nhiệm vụ của Sở TT&TT.

Phó Chủ tịch Dương Anh Đức đề nghị Sở TT&TT thời gian tới tiếp tục thực hiện các đề án đã đề ra trong nhiệm kỳ, trong đó có đề án đô thị thông minh và chuyển đổi số. “Đây là hai vấn đề xương sống, là nền tảng tạo ra hiệu quả hoạt động cho hệ thống chính quyền TP.HCM” – ông Đức nhấn mạnh.

Riêng về công tác báo chí, ông Dương Anh Đức cho biết TP.HCM đang thực hiện giai đoạn hai của việc sắp xếp các cơ quan báo chí. Qua đó, xây dựng mạng lưới cơ quan báo chí tại TP phù hợp với tình hình thực tiễn, tạo ra thế mạnh, phát huy được chức năng, nhiệm vụ chính trị của mình.

 Chủ tịch Hội Nhà báo TP.HCM Nguyễn Tấn Phong và Giám đốc Sở TT&TT Lâm Đình Thắng trao bằng khen cho các cá nhân. Ảnh: HÀ THƯ

Chủ tịch Hội Nhà báo TP.HCM Nguyễn Tấn Phong và Giám đốc Sở TT&TT Lâm Đình Thắng trao bằng khen cho các cá nhân. Ảnh: HÀ THƯ

Phó Chủ tịch TP.HCM đề nghị các cơ quan, đơn vị phải xây dựng môi trường báo chí, thông tin, tuyên truyền minh bạch, hiệu quả, trong sạch.

“Sở TT&TT cần quan tâm, đấu tranh mạnh mẽ, kiên quyết với các biểu hiện lệch lạc trong thông tin tuyên truyền” – ông nói và dẫn chứng các hành vi báo hóa trang thông tin điện tử, tạp chí cần được xử lý.

Ông Dương Anh Đức cũng đề nghị phải kiểm soát, không để xảy ra tiêu cực nhưng cũng cần tạo điều kiện tốt để các cơ quan báo chí tác nghiệp.

"Những người làm đúng, làm tốt phải được động viên, ủng hộ và tạo điều kiện để báo chí có môi trường tác nghiệp tốt, tránh bị cản trở không đúng quy định” - ông Đức đề nghị và khẳng định báo chí càng mạnh thì chính quyền vững vàng hơn.

Cần có chỉ thị của UBND TP về người phát ngôn báo chí

Tiếp thu ý kiến chỉ đạo, Giám đốc Sở TT&TT TP Lâm Đình Thắng khẳng định năm 2024, Sở sẽ hành động quyết liệt, tạo kết quả cụ thể, rõ rệt, nhất là công tác chuyển đổi số.

Ông đề nghị các phòng, ban chuyên môn hoàn thiện ngay chương trình công tác năm 2024 của sở, gắn với chương trình năm của UBND TP.

Theo ông Thắng, vai trò của Sở TT&TT phải gắn với các hội nghề nghiệp nhiều hơn, tập hợp lực lượng, xây dựng công trình lớn cho TP. Đặc biệt thể hiện vai trò thường trực của sở trong thực hiện nhiệm vụ chung của TP.

 Lãnh đạo Sở TT&TT TP.HCM nhận danh hiệu chiến sĩ thi đua. Ảnh: HÀ THƯ

Lãnh đạo Sở TT&TT TP.HCM nhận danh hiệu chiến sĩ thi đua. Ảnh: HÀ THƯ

Ông cho biết Sở TT&TT sẽ làm việc ngay với các sở, ngành, địa phương để “ra” sản phẩm ngay; chọn trí tuệ nhân tạo làm điểm đột phá, có trợ lý ảo hỗ trợ cho công chức TP để tăng năng suất lao động, giảm tải công việc chính quyền phường, xã, thị trấn.

Riêng lĩnh vực báo chí, ông Lâm Đình Thắng thông tin có bốn nội dung sở phải thực hiện. Trong đó, khẳng định năm 2024, báo chí TP.HCM phải có chính sách phát triển.

Cũng theo ông Thắng, từ năm 2025 trở đi TP.HCM còn bao nhiêu cơ quan báo chí, tổ chức như thế nào, quản lý ra sao, kinh tế, nhân sự thế nào... là việc rất quan trọng mà sở sẽ cùng Ban Tuyên giáo Thành ủy tham mưu.

Đồng thời, truyền thông chính sách của TP phải được tổ chức bài bản, hiệu quả, nâng chất. “Cần có chỉ thị của UBND TP để tổ chức lại toàn bộ hệ thống truyền thông chính sách, người phát ngôn của TP” – ông Thắng nói.

Giám đốc Sở TT&TT cũng nhấn mạnh thông qua cơ chế thanh tra, kiểm tra, phối hợp cơ quan công an xử lý vi phạm, Sở TT&TT sẽ xây dựng môi trường báo chí trong sạch, lành mạnh, hiệu quả.

“Chúng tôi sẽ quyết liệt tạo môi trường cho cơ quan báo chí chính thống phát triển” – ông Thắng khẳng định.

Tỉ lệ xử lý trễ hạn còn 0,71%

Tại hội nghị, Phó Giám đốc Sở TT&TT TP.HCM Võ Thị Trung Trinh cho biết công tác chuyển đổi số và xây dựng TP trở thành đô thị thông minh đã đạt nhiều thành quả đáng khích lệ trong năm 2023.

TP.HCM là đơn vị duy nhất trong cả nước được Hội đồng Giải thưởng ASOCIO thống nhất lựa chọn và trao Giải thưởng ASOCIO 2023 cho hạng mục Chính quyền số xuất sắc năm 2023 tại Hàn Quốc.

Chuyển đổi số của TP liên tục nằm trong top năm tỉnh, thành và năm 2022 đã đạt hạng thứ hai. Riêng về Cổng Dịch vụ công, TP.HCM đạt thứ tư trên toàn quốc.

Trong năm 2023, Sở TT&TT đã tham mưu cho UBND TP ban hành nhiều chính sách quan trọng. Nổi bật là đã triển khai Chiến lược Dữ liệu TP, Hệ thống quản trị thực thi TP trên nền tảng số; bước đầu góp phần thay đổi phương thức chỉ đạo điều hành từ truyền thống sang hiện đại của chính quyền TP.

Đáng chú ý, Cổng 1022 đã giúp giảm tỉ lệ xử lý trễ hạn của các đơn vị quận, huyện xuống còn 0,71%.

LÊ THOA

Nguồn PLO: https://plo.vn/pho-chu-tich-duong-anh-duc-tao-dieu-kien-de-bao-chi-tac-nghiep-khong-bi-can-tro-post771172.html