Phó Chủ tịch EC: Lạc quan với cam kết của Việt Nam tại COP26

Phó Chủ tịch EC Frans Timmermans đã có chuyến thăm Việt Nam thành công từ ngày 17-19/2.

Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp Phó Chủ tịch EC Frans Timmermans. (Nguồn: TTXVN)

Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp Phó Chủ tịch EC Frans Timmermans. (Nguồn: TTXVN)

Trong khuôn khổ chuyến thăm Việt Nam, Phó Chủ tịch điều hành Ủy ban châu Âu (EC) đã chào xã giao Thủ tướng Phạm Minh Chính, hội đàm với Phó Thủ tướng Lê Văn Thành và làm việc với các Bộ Tài nguyên và Môi trường, Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), cùng trải nghiệm tàu điện metro,…

EVFTA, IUU - những tín hiệu tích cực

Những điểm nhấn nổi bật trong quan hệ Việt Nam-EU hiện nay là gì? Chắc chắn không thể bỏ qua Hiệp định Thương mại tự do (EVFTA), Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam-EU (EVIPA) hay những nỗ lực đưa hàng hóa Việt Nam “bước chân” vào thị trường đầy tiềm năng như EU,… Đây cũng là những trọng tâm thảo luận của Phó Chủ tịch EC với các nhà lãnh đạo Việt Nam với mong muốn thúc đẩy động lực hợp tác kinh tế giữa hai bên.

EU hiện là đối tác kinh tế - phát triển quan trọng của Việt Nam, đặc biệt đang là nhà tài trợ không hoàn lại lớn nhất, thị trường xuất khẩu lớn thứ 3, thị trường nhập khẩu lớn thứ 5 và nhà đầu tư lớn thứ 6 của Việt Nam.

Bất chấp ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, kim ngạch thương mại hai chiều Việt Nam-EU đã thu được kết quả tích cực, đạt 57 tỷ USD sau 18 tháng triển khai EVFTA.

Bên cạnh đó, thủy sản cũng là lĩnh vực được đề cập sôi nổi trong các cuộc gặp của ông Frans Timmermans. Thời gian qua, Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả tích cực trong việc thực hiện các khuyến nghị của EC về hoạt động khai thác bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU).

Do vậy, Việt Nam đề nghị EU sớm gỡ bỏ thẻ vàng IUU, đồng thời hỗ trợ Việt Nam tăng cường năng lực quản lý nghề cá, hỗ trợ kỹ thuật, thực hiện các giải pháp chống khai thác trái phép IUU, góp phần bảo đảm sinh kế cho ngư dân cũng như nguồn cung ứng thủy sản cho thị trường EU.

Về vấn đề này, ông Frans Timmermans cho biết EU đánh thẻ vàng lên Việt Nam vì không xác minh được có đánh bắt bất hợp pháp hay không, hoặc việc đánh bắt trách nhiệm có được thực hiện nghiêm túc hay không. Chính phủ Việt Nam đã thực hiện một số cam kết rất mạnh mẽ để cải thiện, EU cũng đang làm việc để giải quyết vấn đề đó.

“Xanh hóa” nền kinh tế

Phó Chủ tịch Frans Timmermans là lãnh đạo phụ trách vấn đề năng lượng xanh của EC, do vậy, một phần quan trọng trong chuyến thăm của ông tới Việt Nam xoay quanh vấn đề này.

Việt Nam đã nghiêm túc và nhanh chóng triển khai những cam kết của mình thông qua việc thành lập Ban Chỉ đạo Quốc gia cuối tháng 12/2021 để triển khai thực hiện cam kết tại Hội nghị COP26, với nguyên tắc không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng kinh tế đơn thuần.

Để hiện thực hóa những mục tiêu đề ra, Việt Nam đề nghị EU hỗ trợ, hợp tác với Việt Nam trong việc triển khai các cam kết tại COP26, đặc biệt là thực hiện mục tiêu đạt phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050; hỗ trợ Việt Nam thành lập thị trường carbon trong nước; hợp tác, thực hiện các dự án trong các lĩnh vực chuyển đổi năng lượng, giao thông sạch, bảo tồn, trồng rừng thích ứng với biến đổi khí hậu, chuyển giao công nghệ cũng như kết nối Việt Nam với các nguồn lực tài chính, công nghệ, năng lực quản lý song phương và đa phương nhằm giúp Việt Nam thực hiện các cam kết, sáng kiến về giảm phát thải, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Nhà lãnh đạo EC đánh giá cao vai trò của Việt Nam trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu toàn cầu, “không ai nghĩ một quốc gia đang phát triển sẽ có bước đi tiến bộ và tham vọng đến vậy”. Ông Frans Timmermans ấn tượng với các doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam, về cả tư duy kinh doanh lẫn cam kết “xanh hóa” nền kinh tế, vì vậy, ông hoàn toàn lạc quan với cam kết của Việt Nam tại hội nghị COP26.

Theo ông Frans Timmermans, Việt Nam có lợi thế và tiềm năng rất lớn trong việc phát triển năng lượng sạch, tái tạo. Ông khẳng định EU ủng hộ và sẽ thúc đẩy khả năng hợp tác với Việt Nam thông qua các nguồn vốn đầu tư tư nhân, các nguồn lực của EU cũng như từ các nguồn tài chính quốc tế.

Nhân dịp đến với Hà Nội, ông Frans Timmermans đã trả nghiệm tàu điện metro. Với ông, tuyến Metro tại Việt Nam cũng giống như bất cứ tuyến tàu điện ngầm ở mọi thành phố nào khác, cho dù nó là ở Paris hay Brussels. Điều khác biệt mà ông cảm nhận thấy là khung cảnh xung quanh, tòa nhà, khung cảnh “xanh” của thành phố, những điều khiến ông thực sự ấn tượng và thích thú.

Phương Hà

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/pho-chu-tich-ec-lac-quan-voi-cam-ket-cua-viet-nam-tai-cop26-174713.html