Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam: 'Thiên tai và nghịch cảnh khiến con người càng coi trọng việc học'

Nhân kỷ niệm 16 năm Ngày Khuyến học Việt Nam (2/10/2008-2/10/2024), đồng chí Lê Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Khuyến học Việt Nam đã dành cho Tạp chí Công dân và Khuyến học một cuộc trao đổi về công tác khuyến học khuyến tài, xây dựng xã hội học tập, đặc biệt là Tuần lễ Khuyến học cao điểm tháng 10/2024.

Đồng chí Lê Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Khuyến học Việt Nam. Ảnh: Quốc Thành

Đồng chí Lê Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Khuyến học Việt Nam. Ảnh: Quốc Thành

Tạp chí Công dân và Khuyến học: Thưa đồng chí Lê Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Khuyến học Việt Nam, đồng chí có thể lược sử ngắn gọn ý nghĩa của Ngày thành lập Hội Khuyến học Việt Nam cùng những thành tựu nổi bật của Hội Khuyến học Việt Nam trong những năm qua?

Đồng chí Lê Mạnh Hùng: Dân tộc ta có truyền thống hiếu học. Tư tưởng Hồ Chí Minh về học tập, học suốt đời, học không bao giờ cùng được thấm nhuần trong quần chúng nhân dân. Hơn nữa, công tác khuyến học, giáo dục và đào tạo được Đảng, Nhà nước ta luôn chú trọng, quan tâm.

Có thể nói rằng sau năm 1975, đất nước ta hoàn thành sứ mệnh giải phóng dân tộc. Bao công việc bộn bề, ngổn ngang về xây dựng kinh tế - xã hội, nhưng vấn đề lớn nhất vẫn là phải đẩy mạnh học tập và giáo dục để nhanh chóng xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao tái thiết đất nước.

Năm 1996, theo sáng kiến của Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp và các nhà lãnh đạo, lão thành cách mạng đề xuất thành lập một tổ chức góp phần hỗ trợ học tập, chấn hưng giáo dục, Hội Khuyến khích và hỗ trợ giáo dục Việt Nam gọi tắt là Hội Khuyến học Việt Nam ra đời ngày 2/10/1996 theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

28 năm qua, Hội Khuyến học Việt Nam đã có đóng góp lớn trong sự nghiệp giáo dục và đào tạo, động viên mọi người dân, tầng lớp xã hội học tập. Hội đã phát triển lớn mạnh cả số lượng chất lượng, cả vùng sâu, vùng xa, xã phường thị trấn, cơ quan đoàn thể, các trường đại học cao đẳng, trung học phổ thông, lực lượng vũ trang.

Hội Khuyến học Việt Nam đã có những đóng góp tích cực trong sự nghiệp khuyến học, bồi dưỡng nguồn nhân lực, cả lý luận và thực tiễn về xây dựng xã hội học tập giai đoạn hội nhập quốc tế, thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước bằng tri thức.

Đồng chí Lê Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Khuyến học Việt Nam tham dự các cuộc hội thảo về khuyến học khuyến tài thời kỳ mới. Ảnh: CDKH

Đồng chí Lê Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Khuyến học Việt Nam tham dự các cuộc hội thảo về khuyến học khuyến tài thời kỳ mới. Ảnh: CDKH

28 năm qua, sự nghiệp giáo dục, khuyến học của đất nước có đóng góp rất lớn của Hội Khuyến học Việt Nam

Tạp chí Công dân và Khuyến học: Chính phủ quyết định lấy ngày 2/10 là Ngày Khuyến học Việt Nam và ngày này rất có ý nghĩa đối với công tác khuyến học - khuyến tài, xây dựng xã hội học tập. Xin đồng chí nêu bật một số đóng góp của các cấp Hội khuyến học cho phong trào này?

Đồng chí Lê Mạnh Hùng: Ngày 2/10 hằng năm là “Ngày Khuyến học Việt Nam” là ngày ghi dấu ấn lịch sử không chỉ với toàn thể cán bộ, hội viên Hội Khuyến học mà còn có ý nghĩa rất quan trọng đối với nhân dân Việt Nam.

Về đóng góp của Hội Khuyến học Việt Nam, nổi bật là việc tăng cường tuyên truyền phổ biến, nâng cao nhận thức cho mọi người dân về học tập suốt đời.

Hội đã tham mưu thành công cho Bộ Chính trị tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị số 11-CT/TW về Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập. Từ Chỉ thị này, Hội đã đưa được vào nhiều nội dung về công tác khuyến tài, khuyến học để Đảng đưa ra những chủ trương, chính sách, hướng đi cho Hội.

Ngày 10/5/2019, Ban Bí thư ra Kết luận số 49-KL/TW về Tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 11-CT/TW của Bộ Chính trị khóa X về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập, đây chính là một sự chuyển biến về chất đối với sự lãnh đạo của Đảng và đối với công tác của Hội trong việc xây dựng xã hội học tập.

Hội Khuyến học Việt Nam phối hợp với giáo dục đào tạo có nhiều nghị quyết, quyết sách của địa phương huy động mọi lực lượng mọi ngành mọi cấp tham gia công tác khuyến học.

Hội đã đổi mới căn bản về nhận thức, tư duy, phương pháp điều hành, triển khai khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập. Điều đó được thể hiện qua việc làm thế nào để nâng cao nhận thức cho các tổ chức Đảng, đảng viên và toàn bộ người dân trong xã hội.

Số lượng hội viên của Hội Khuyến học Việt Nam bây giờ là 26 triệu người, chiếm 1/4 dân số, là lực lượng nòng cốt ở cơ sở phối hợp với các ngành trong công tác khuyến học.

Hội đã chú trọng tham mưu phát triển các loại hình quỹ hỗ trợ học sinh tài năng, học tập người lớn, tư vấn và xây dựng chính sách liên quan đến giáo dục và đào tạo, tham gia đóng góp chủ trương giáo dục, xây dựng Luật Nhà giáo, Luật học tập suốt đời, kiến nghị chính sách giáo viên, hỗ trợ học sinh vùng sâu, vùng xa, khó khăn; phối hợp với các lực lượng, với mặt trận tổ quốc các cấp trong xây dựng xã hội học tập.

Trung ương Hội tiếp tục chỉ đạo thực hiện 2 chương trình 387/QĐ-TTg và Chương trình 677/QĐ-TTg về xây dựng các mô hình học tập. Các chương trình được thực hiện bài bản, ngày càng có sức lan tỏa, thiết thực, đi vào thực tiễn của nhân dân.

Tạp chí Công dân và Khuyến học: Năm 2024, dịp cao điểm truyền thông cho tháng khuyến học đúng vào dịp cơn bão số 3 Yagi tàn phá và để lại hậu quả nặng nề ở các địa phương, trong đó có việc trường học bị hủy hoại, giáo viên và học sinh bị gián đoạn việc học. Hội Khuyến học các cấp đã tham gia khắc phục hậu quả cơn bão như thế nào?

Đồng chí Lê Mạnh Hùng: Dân tộc ta có truyền thống đùm bọc, thương người như thể thương thân.

Khi thiên tai bất ngờ xảy ra, Đảng và nhân dân ta quyết tâm cao khắc phục khó khăn. Trung ương Hội Khuyến học đã phát động trong toàn cấp Hội tham gia khắc phục hậu quả cơn bão số 3. Các cấp Hội tích cực hưởng ứng, tập trung vào 2 đối tượng chính là giáo viên và học sinh bị ảnh hưởng thiên tai, lũ lụt.

Càng trong khó khăn, càng phải học tập. Phải có kiến thức để thích ứng với thiên tai, học tập để tái thiết lại cuộc sống. Địa phương nào cũng có Hội Khuyến học hỗ trợ, hoặc hỗ trợ phần nào cho các vùng bị thiên tai sớm trở lại cuộc sống bình thường.

Đặc biệt là cán bộ Hội vận động mọi nguồn lực xã hội, đóng góp công sức nhỏ bé của mình khắc phục hậu quả cơn bão gây ra.

Đặc biệt là Tạp chí công dân và khuyến học đã đề xuất với Trung ương Hội để cùng tham gia tổ chức vận động các lực lượng xã hội hỗ trợ giáo viên học sinh khó khăn lũ. Bạn đọc của tạp chí cũng như công chúng đã đóng góp cho cuộc vận động, thể hiện sự chia sẻ đồng cảm của xã hội đối với người dân và học sinh có hoàn cảnh khó khăn.

Tôi đánh giá hành động của Tạp chí Công dân và Khuyến học rất kịp thời, thể hiện trách nhiệm, ý thức rất cao trong thực hiện hiện chỉ đạo của Chính phủ bằng truyền thông cũng như là việc làm cụ thể, lay động công chúng, để dù có gặp thiên tai, không có ai phải rời xa việc học, bị bỏ lại phía sau"

Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Khuyến học Việt Nam Lê Mạnh Hùng

Tiếp tục xây dựng mô hình học tập cốt lõi là mô hình Công dân học tập

Tạp chí Công dân và Khuyến học: Hội Khuyến học Việt Nam có nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm cho công tác khuyến học trong thời gian tới, thưa đồng chí?

Đồng chí Lê Mạnh Hùng: Trong thời kỳ chuyển đổi số xây dựng xã hội số công dân số phát triển nhanh và bền vững và phát triển trên nền tảng trí tuệ thì công tác khuyến học khuyến tài xây dựng xã hội học tập để Việt Nam trở thành một xã hội học tập mỗi công dân Việt Nam trở thành công dân học tập là của điều kiện rất quan trọng để có 1 nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu sự phát triển bền vững.

Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam đã xác định rõ nội dung này và cũng như nhận thức rõ nhiệm vụ của mình trong thời gian tới cần có cách làm mới sáng tạo kế thừa những truyền thống của những cách kinh nghiệm trước đồng thời phải phát triển phù hợp với hiệu trình hiện nay để đáp ứng nhu cầu về công tác khuyến học.

Phải tiếp tục quán triệt tuyên truyền các nghị quyết của Đảng, chủ trương chính sách pháp luật của nhà nước, nhất quán chỉ đạo của Ban Bí thư, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác khuyến học khuyến tài xây dựng xã hội tập, thực hiện tốt quyết định của Chính phủ để xây dựng các mô hình học tập gia đình học tập dòng họ học tập cộng đồng học tập đơn vị học tập và công dân học tập.

Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Khuyến học Việt Nam Lê Mạnh Hùng phát biểu trong dịp kỷ niệm 15 năm Ngày Khuyến học Việt Nam.

Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Khuyến học Việt Nam Lê Mạnh Hùng phát biểu trong dịp kỷ niệm 15 năm Ngày Khuyến học Việt Nam.

Chỉ đạo hội khuyến học các địa phương, đơn vị đẩy mạnh công tác phát triển tổ chức hội và hội viên trong các trường cao đẳng, đại học, các doanh nghiệp, các tổ chức chính trị - xã hội, lực lượng vũ trang, cán bộ đảng viên...

Chỉ đạo triển khai đến tất cả các cấp hội và hội viên thực hiện phong trào "Cả nước thi đua xây dựng xã hội học tập và đẩy mạnh học tập suốt đời giai đoạn 2023-2030" do Thủ tướng phát động.

Chỉ đạo và hướng dẫn các địa phương, đa dạng hóa các loại hình quỹ, tạo nhiều suất học bổng cho học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, có nhiều phần thưởng dành cho học sinh và người lớn có thành tích học tập tốt, hỗ trợ giáo viên có hoàn cảnh khó khăn, hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Trao học bổng "Học không bao giờ cùng" trong phạm vi hệ thống hội; tham gia tích cực các hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Hội quần chúng và các tổ chức liên quan đến lĩnh vực khuyến học - khuyến tài, xây dựng xã hội học tập.

Tăng cường công tác đối ngoại nhân dân, phối hợp các tổ chức phi Chính phủ vận động ủng hộ chương trình khuyến học, khuyến tài.

Tuyên truyền cho mọi người dân hiểu rằng muốn có đời sống văn minh tiến bộ thì phải tự học, tìm đến tri thức, có kỹ năng lao động.

Quan tâm đào tạo đội ngũ làm công tác khuyến học có trình độ, có phương pháp, tận tụy và sáng tạo, đổi mới hoạt động, gắn liền với đời sống nhân dân, tạo ra không khí thi đua cả nước xây dựng xã hội học tập.

Có chính sách hỗ trợ động viên người dân học tập, đa dạng quỹ, hỗ trợ trẻ em, giáo viên có hoàn cảnh khó khăn, khuyến khích hỗ trợ tài năng trẻ, nâng cao dân trí, bồi dưỡng nhân lực, đào tạo nhân tài.

Tổng kết kiểm tra kịp thời rút kinh nghiệm việc làm tốt, tháo gỡ khó khăn hỗ trợ giáo dục, để cả xã hội tham gia khuyến học, phát triển đất nước trên cơ sở nguồn nhân lực chất lượng cao.

Tạp chí Công dân và Khuyến học: Cảm ơn đồng chí dành thời gian cho cuộc trò chuyện này!

Hà Phong

Nguồn Công dân & Khuyến học: https://congdankhuyenhoc.vn/pho-chu-tich-hoi-khuyen-hoc-viet-nam-thien-tai-va-nghich-canh-khien-con-nguoi-cang-coi-trong-viec-hoc-17924093015372839.htm