Phó Chủ tịch nước: Bình Thuận cần tập trung cải cách hành chính
Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh đề nghị thời gian tới, tỉnh Bình Thuận cần tập trung hơn nữa cải cách thủ tục hành chính, nâng cao chỉ số PCI, PAPI tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi.
Sáng 25/8, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh cùng đoàn công tác Trung ương đã đến thăm và làm việc tại tỉnh Bình Thuận.
Tại buổi làm việc với Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh biểu dương những kết quả phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh Bình Thuận trong thời gian qua.
Nổi bật, trong 6 tháng đầu năm, Bình Thuận thực hiện tốt mục tiêu “kép” vừa phòng, chống, kiểm soát được dịch COVID-19 vừa thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, bảo đảm đời sống nhân dân, trật tự an toàn xã hội.
Cùng với việc thực hiện tốt việc giải quyết chế độ, chính sách cho người có công, Bình Thuận cũng đạt được một số kết quả như: Thu ngân sách; tỷ lệ giảm nghèo bền vững; công tác xây dựng Đảng; lan tỏa các phong trào thi đua yêu nước.
Phó Chủ tịch nước đề nghị trong thời gian tới, tỉnh Bình Thuận cần tập trung hơn nữa cải cách thủ tục hành chính, nâng cao các chỉ số PCI, PAPI… đồng thời tạo môi trường thuận lợi thu hút đầu tư kinh doanh.
Tỉnh cần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ có chuyên môn cao, năng lực thực tiễn...
Phó Chủ tịch nước lưu ý, mặc dù địa phương đã bước qua đỉnh dịch ở đợt 1 nhưng trước tình hình diễn biến phức tạp, Bình Thuận không chủ quan trong công tác phòng, chống dịch COVID-19, nhất là khi Hàm Tiến-Mũi Né là điểm đến du lịch hấp dẫn.
Bên cạnh đó, Bình Thuận chuẩn bị tốt cho Đại hội Đảng bộ tỉnh và Đại hội thi đua yêu nước sắp tới.
Báo cáo tại buổi làm việc, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Thuận Nguyễn Ngọc Hai cho biết trong 6 tháng đầu năm 2020, mặc dù ảnh hưởng của tình hình dịch COVID-19 và nắng hạn kéo dài nhưng tổng giá trị sản phẩm nội tỉnh (GRDP) tăng 3,81% và cả năm 2020 ước tăng 4,5%.
Để bảo đảm mục tiêu “kép” nêu trên, Bình Thuận đề ra 5 nhiệm vụ trọng tâm và 3 khâu đột phá. Theo đó, 5 nhiệm vụ trọng tâm gồm tăng cường sắp xếp tổ chức bộ máy và cán bộ của hệ thống chính trị, bảo đảm tinh gọn, hoạt động hiệu quả; đẩy mạnh tái cơ cấu nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao năng suất, ưu tiên phát triển 3 trụ cột: công nghiệp, du lịch và nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân, tăng cường quốc phòng-an ninh, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; tăng cường công tác quản lý nhà nước về đất đai, khoáng sản, rừng, môi trường, phòng, chống dịch bệnh và ứng phó, thích nghi với biến đổi khí hậu; xây dựng và triển khai thực hiện hiệu quả Quy hoạch tỉnh Bình Thuận thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Bình Thuận sẽ tập trung 3 khâu đột phá gồm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ có chuyên môn cao, có trách nhiệm; tăng cường đầu tư công và thu hút nguồn lực xã hội đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính; tạo môi trường thuận lợi thu hút đầu tư kinh doanh, liên kết, hợp tác, phát triển.
Về thực hiện kế hoạch kinh tế-xã hội 5 năm (giai đoạn 2015-2020) gắn với thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIII, tỉnh Bình Thuận đã đạt được những kết quả nổi bật.
Theo đó, 24/31 chỉ tiêu chủ yếu đạt và vượt kế hoạch đề ra. Nổi bật, thực hiện đổi mới mô hình tăng trưởng gắn với cơ cấu lại nền kinh tế đạt nhiều kết quả tích cực, từng bước chuyển dần từ tăng trưởng chiều rộng sang tăng trưởng chiều sâu; kinh tế tăng trưởng khá và có sự bứt phá trong giai đoạn 2018-2019.
Quy mô tổng giá trị sản phẩm nội tỉnh (GRDP) liên tục tăng qua các năm (từ 47.155 tỷ đồng năm 2015 tăng lên 81.800 tỷ đồng năm 2020).
Du lịch tiếp tục giữ vững thương hiệu và uy tín, Bình Thuận trở thành địa bàn trọng điểm về du lịch, hướng đến phát triển trung tâm du lịch - t-hể thao biển mang tầm quốc gia.
Nhiệm kỳ 2020-2025, Bình Thuận xác định mục tiêu tiếp tục tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong sạch, vững mạnh; phát huy sức mạnh của hệ thống chính trị và khối đại đoàn kết toàn dân; bảo đảm quốc phòng-an ninh; đẩy mạnh ứng dụng khoa học-công nghệ, tích cực đổi mới, sáng tạo, chủ động liên kết, hợp tác và hội nhập; nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy hành chính nhà nước; huy động và sử dụng hợp lý, có hiệu quả các nguồn lực; phát triển toàn diện, trọng tâm là phát triển 3 trụ cột: Công nghiệp (năng lượng, chế biến); Du lịch biển (giải trí, thể thao) và Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Nhân chuyến thăm và làm việc, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh đã trao tặng 1,3 tỷ đồng cho Quỹ bảo trợ trẻ em tỉnh Bình Thuận./.