Phó chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân hội kiến Tổng thống Uganda Yoweri Museveni
Nhân dịp tham dự Hội nghị Cấp cao Phong trào Không liên kết lần thứ 19 tại Kampala, Uganda, ngày 20-1, Phó chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân đã có các cuộc hội kiến với Tổng thống Uganda Yoweri Museveni.
Tại cuộc gặp, Phó chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân và Tổng thống Uganda đã trao đổi và thống nhất về các định hướng cụ thể để đưa hợp tác song phương trên tất cả các lĩnh vực đi vào chiều sâu và hiệu quả.
Về chính trị - ngoại giao, hai bên khẳng định tầm quan trọng của việc tăng cường trao đổi đoàn để gia tăng hiểu biết, tin cậy chính trị, tạo động lực cho hợp tác kinh tế; nhất trí tiếp tục phối hợp chặt chẽ, ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn đa phương, nhất là Liên hợp quốc, Phong trào Không liên kết cũng như tại các tổ chức quan trọng ở hai khu vực như Liên minh châu Phi (AU), ASEAN. Nhân dịp này, Phó chủ tịch nước đề nghị Uganda ủng hộ lập trường chung của ASEAN về giải quyết các tranh chấp trong vấn đề Biển Đông bằng các biện pháp hòa bình, tôn trọng luật pháp quốc tế.
Về hợp tác kinh tế, hai bên nhất trí tích cực triển khai kết quả chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Yoweri Museveni, tăng cường trao đổi các đoàn doanh nghiệp, phối hợp tổ chức các sự kiện xúc tiến đầu tư, thương mại, nâng cao hiệu quả hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp. Tổng thống Yoweri Museveni đánh giá cao năng lực của Việt Nam về công nghệ thông tin và bày tỏ mong muốn Việt Nam hỗ trợ Uganda về chuyển đổi số, đào tạo nhân lực chất lượng cao về công nghệ, tự động hóa, trí tuệ nhân tạo… Trong lĩnh vực viễn thông, Phó chủ tịch nước đề nghị Uganda tạo điều kiện cho các Tập đoàn lớn của Việt Nam như Viettel tìm kiếm cơ hội đầu tư tại Uganda.
Hai bên nhất trí thúc đẩy đàm phán và ký kết các văn kiện hợp tác song phương quan trọng Hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư, Hiệp định tránh đánh thuế hai lần, qua đó hoàn thiện khuôn khổ pháp lý để thúc đẩy hợp tác song phương, đặc biệt là về kinh tế.
* Nhân dịp tham dự Hội nghị Cấp cao Phong trào Không liên kết lần thứ 19 tại Kampala, Uganda, ngày 20-1, Phó chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân đã có các cuộc tiếp xúc song phương với Tổng thư ký Liên hợp quốc (LHQ) António Guterres và Phó tổng thống thứ nhất nước Cộng hòa hồi giáo Iran Mohammad Mokhber.
Trong cuộc gặp Tổng thư ký LHQ António Guterres, Phó chủ tịch nước nhấn mạnh Việt Nam luôn quyết tâm đóng góp tích cực, trách nhiệm vào công việc chung của LHQ, trong đó có việc thực hiện các Mục tiêu Phát triển bền vững đến năm 2030 và phấn đấu đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Trong tiến trình này, Việt Nam mong muốn tiếp tục nhận được sự hợp tác, hỗ trợ hiệu quả của LHQ, nhất là tiếp cận tài chính, công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực. Phó chủ tịch nước đề nghị Tổng thư ký LHQ quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi để các nước đang phát triển phát huy vai trò, tiếng nói trong tham gia giải quyết các vấn đề toàn cầu.
Tổng thư ký LHQ Guterres khẳng định, Việt Nam là hình mẫu của một quốc gia đã trải qua nhiều đau thương, mất mát của chiến tranh, nay đang vươn lên trở thành một trụ cột để thúc đẩy nền hòa bình thế giới. Tổng thư ký Guterres nhấn mạnh, LHQ sẵn sàng phát triển quan hệ hợp tác nhiều mặt với Việt Nam và mong muốn Việt Nam tiếp tục có những đóng góp hiệu quả vào các tiến trình lớn của LHQ trong thời gian tới, bao gồm Hội nghị Thượng đỉnh Tương lai năm 2024, hướng tới một trật tự thế giới hòa bình, phát triển bền vững và công bằng hơn.
Hai nhà lãnh đạo chia sẻ những nhận định, đánh giá chung về vai trò của chủ nghĩa đa phương, nhu cầu cải tổ các thể chế tài chính quốc tế và tăng cường hợp tác ASEAN-Liên hợp quốc vì hòa bình, ổn định ở Đông Nam Á, trong đó có vấn đề Biển Đông.
Tại cuộc gặp với Phó tổng thống Iran Mohammad Mokhber, Phó chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân đề xuất các Bộ, ngành hữu quan hai nước tiếp tục rà soát, cập nhật các cơ chế hợp tác, sớm tổ chức kỳ họp lần thứ 10 Ủy ban liên chính phủ Việt Nam-Iran để tháo gỡ các vướng mắc, tạo thuận lợi cho hợp tác kinh tế, thương mại-đầu tư.
Phó tổng thống Mokhber hoàn toàn nhất trí với đề xuất của Phó chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân về thúc đẩy quan hệ kinh tế-thương mại tương xứng với tiềm năng hai nước, đồng thời mở rộng hợp tác trong các lĩnh vực cùng quan tâm khác như khoa học-công nghệ, giáo dục-đào tạo, giao lưu nhân dân, hợp tác địa phương.
THANH HẢI
*Mời bạn đọc vào chuyên mục Chính trị xem các tin, bài liên quan.