Phó Chủ tịch Phạm S: Chìa khóa giúp ngành dâu tằm tơ vượt Covid-19, tham gia chuỗi giá trị toàn cầu là nguồn giống và công nghệ

Covid-19 đã khiến ngành dâu tằm tơ Lâm Đồng nói riêng và cả nước nói chung đang gặp rất nhiều khó khăn, Doanh nghiệp Việt Nam đã có cuộc trao đổi với TS. Phạm S, Phó Chủ tịch tỉnh Lâm Đồng tìm hiểu giải pháp để ngành dâu tằm tơ vượt bão Covid-19, tham gia chuỗi giá trị toàn cầu.

TS. Phạm S, Phó Chủ tịch tỉnh Lâm Đồng đã dành riêng cho Doanh nghiệp Việt Nam cuộc phỏng vấn về những định hướng, giải pháp để ngành dâu tằm tơ vượt bão Covid-19, tham gia chuỗi giá trị toàn cầu.

Thưa ông, ông có thể khái quát tình hình phát triển ngành dâu tằm tơ của tình Lâm Đồng hiện nay?

Tiến sĩ Phạm S: Lâm Đồng là tỉnh có diện tích trồng dâu lớn nhất cả nước với 8.500 ha, có khoảng 15.000 hộ trồng dâu, nuôi tằm, sản lượng kén tằm đạt gần 11.000 tấn/năm, sản lượng tơ đạt trên 1.500 tấn. Toàn tỉnh hiện có khoảng 40 cơ sở ươm tơ, dệt lụa, với trên 100 dãy ươm tơ tự động với dây chuyền sản xuất hiện đại, công suất cao, chất lượng tơ Lâm Đồng đã được nâng cao; cùng với sự sáng tạo, cần cù của người dân và doanh nghiệp đã tạo nên thương hiệu sản phẩm tơ lụa Bảo Lộc nổi tiếng trong và ngoài nước.

Sản phẩm tơ lụa Bảo Lộc có chất liệu vải mát, mềm, mịn, mẫu mã phong phú và đa dạng. Các sản phẩm lụa Bảo Lộc đều được người tiêu dùng ưa chuộng: chăn, drap, nệm, khăn, carvat, vest, đầm, váy... đặc biệt là may áo dài cho nữ giới, màu sắc sang trọng quý phái và ấn tượng.

TS. Phạm S, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng phát biểu tại Hội nghị phát triển chăn nuôi tằm bền vững, do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức tại TP. Đà Lạt.

TS. Phạm S, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng phát biểu tại Hội nghị phát triển chăn nuôi tằm bền vững, do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức tại TP. Đà Lạt.

Bên cạnh đó, Lâm Đồng có khoảng 150 cơ sở thu mua kén tằm. Hầu hết các cơ sở thu mua kén là đơn vị trung gian, không trực tiếp ươm tơ mà bán kén lại cho các cơ sở ươm tơ, dệt lụa. Cùng đó, hiện có khoảng 32 cơ sở ươm tơ (công suất chế biến bình quân khoảng 1 tấn kén/cơ sở/ngày), trong đó có 3 doanh nghiệp của Trung Quốc và khoảng 10 cơ sở dệt lụa tơ tằm, trong đó có 2 cơ sở của Nhật Bản.

Công nghệ sản xuất chế biến tơ lụa của Lâm Đồng đã được đầu tư rất cơ bản, dây chuyền sản xuất hiện đại, công suất cao với trên 100 dãy ươm tơ tự động, 400 mối/dãy, chất lượng tơ Lâm Đồng đã được nâng lên, trong đó có 80% sản lượng tơ đạt cấp cao và 20% tơ thủ công; máy móc thiết bị ươm tơ cơ bản đáp ứng yêu cầu chất lượng thị trường trong nước và xuất khẩu.

Công nghiệp dệt sản xuất trên 5 triệu mét lụa mộc/năm; công nghiệp may từ lụa tơ tằm mới được đầu tư quy mô còn nhỏ, máy móc chưa đồng bộ, có năng lực may khoảng 200.000 sản phẩm/năm; sản phẩm lụa của Lâm Đồng được người tiêu dùng trong và ngoài nước ưa chuộng.

Ngành công nghiệp chế biến sản phẩm tơ, lụa hàng năm giải quyết khoảng trên 2.000 lao động (bình quân 60-80 lao động/cơ sở). Sản lượng tơ xuất khẩu năm 2019 đạt 1.110 tấn, kim ngạch xuất khẩu khoảng 59,4 triệu USD (nông sản đứng thứ 2 sau ngành hàng cà phê).

Vậy theo ông, phải chăng ngành dâu tằm tơ Lâm Đồng nói riêng và Việt Nam nói chung đang phục hồi sau một thời gian dài “ngủ quên” trong ánh hào quang của thời “hoàng kim”?

Ngành dâu tằm tơ là một trong những ngành hàng chịu biến động thị trường rất lớn, trải qua nhiều bước thăng trầm nhưng cũng gặt hái được nhiều thành tựu đáng ghi nhận.

Có lẽ, thời kỳ “hoàng kim” vào những năm 1985 – 1995, khi Liên hiệp Các xí nghiệp Dâu tằm tơ Việt Nam ra đời đã tạo nên sự phát triển vượt bậc, lan tỏa ra phạm vi cả nước, đặc biệt là Bảo Lộc (Lâm Đồng). Song thời kỳ “hoàng kim” không bền vững mà chỉ khoảng 10 năm sau đó gặp khó khăn kéo dài từ năm 1995 – 2010.

Diện tích, sản lượng lá dâu tỉnh Lâm Đồng từ 2010-2019.

Diện tích, sản lượng lá dâu tỉnh Lâm Đồng từ 2010-2019.

Đến giai đoạn 2010 - 2019 ngành Dâu tằm tơ bắt đầu khôi phục và phát triển trở lại nhờ kinh tế tư nhân. Qua nghiên cứu thực tế, chúng tôi nhận thấy trong 10 năm qua, ngành Dâu tằm tơ là một trong những ngành hàng mà liên tục nhiều năm giá bán bao giờ cũng cao gấp đôi giá thành, đặc biệt năm 2017 giá kén cao kỷ lục chưa từng có trong lịch sử, từ 217.000 - 230.000 đồng/kg, giúp phát triển kinh tế gia đình, góp phần xây dựng nông thôn mới địa phương, làm giàu cho quê hương, đất nước.

Xu thế hiện nay của người tiêu dùng trong nước và thế giới là ưa thích sử dụng các sản phẩm truyền thống, các sản phẩm có nguồn gốc tự nhiên, đặc biệt là các sản phẩm làm bằng chất liệu tơ tằm.

Hội Tơ tằm quốc tế và các quốc gia sản xuất tơ tằm đều cho rằng, hiện nay sản xuất chưa đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng và xu hướng sử dụng tơ tằm trên thế giới ngày càng tăng.

Tại thị trường tiêu thụ nội địa, nhu cầu tiêu dùng cũng tăng lên rất nhiều do đời sống Nhân dân ngày càng được cải thiện. Do vậy, có thể xác định tiềm năng phát triển của ngành tơ tằm Việt Nam trong thời gian tới là rất lớn.

Đại dịch Covid-19 bùng phát đã tác động tiêu cực lên quy mô toàn cầu, vậy ngành dâu tằm tơ đã bị ảnh hưởng như thế nào, thưa ông?

Kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát trên quy mô toàn cầu, ngành dâu tằm tơ Lâm Đồng nói riêng và cả nước nói chung gặp rất nhiều khó khăn, trong đó lớn nhất là thị trường và con giống.

Trong những năm gần đây, thị trường tiêu thụ tơ lụa của nước ta là Nhật Bản, Ý, Pháp, Ấn độ, Trung Quốc, Hàn Quốc, Pakistan, Thái Lan... nhưng chủ yếu là Ấn Độ. Thế nhưng hiện nay Ấn Độ là một trong 3 quốc gia có số ca nhiễm Covid-19 nhiều nhất trên thế giới, do đó thị trường tiêu thụ tơ lụa gặp quá nhiều khó khăn; gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống và việc làm cho hàng ngàn lao động không chỉ ở tỉnh Lâm Đồng mà còn phạm vi cả nước liên quan sản xuất tơ lụa.

Sản lượng, giá trị tơ tằm xuất khẩu tỉnh Lâm Đồng từ 2010-2019.

Sản lượng, giá trị tơ tằm xuất khẩu tỉnh Lâm Đồng từ 2010-2019.

Bên cạnh đó, hiện nay, các cơ sở trong nước chưa sản xuất đủ trứng tằm, việc sản xuất chỉ đáp ứng nhu khoảng 10% nhu cầu cả nước. Loại trứng kén trắng, loại đang sử dụng tại Lâm Đồng hoàn toàn phụ thuộc vào nhập khẩu từ Trung Quốc bằng đường tiểu ngạch.

Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, việc giao thương giữa Việt Nam và Trung Quốc bị “đóng băng” trong một thời gian dài, vì vậy không nhập khẩu được trứng tằm từ Trung Quốc về Việt Nam.

Là một nhà quản lý, đồng thời là một nhà khoa học giàu tâm huyết với ngành nông nghiệp, theo ông đâu là giải pháp giúp ngành dâu tằm tơ vượt bão Covid-19, để vươn xa tham gia chuỗi giá trị toàn cầu?

Trên cơ sở khó khăn, thách thức, chúng tôi đề xuất một số giải pháp phát triển ngành dâu tằm tơ Lâm Đồng trong tình hình dịch Covid-19 và định hướng phát triển đến năm 2030, nhằm đưa ngành dâu tằm tơ Lâm Đồng phát triển bền vững, chủ động tham gia chuỗi giá trị toàn cầu.

Đầu tiên là cần nắm chắc dự báo thị trường tơ lụa toàn cầu. Việt Nam hiện có sản lượng tơ tằm đứng thứ 5 trên thế giới, sau các nước Trung Quốc, Ấn Độ, Uzbekistan, Thái Lan. Sản xuất tơ tằm tại các cường quốc sản xuất trong khu vực và trên thế giới đang có sự dịch chuyển rõ rệt khi sản lượng tơ tằm của Trung Quốc giảm nhanh; sản lượng tơ tằm của Ấn Độ và Việt Nam tăng đều theo từng năm và ngày càng có nhiều ưu thế do giá thành sản xuất có sức cạnh tranh cao. Về thị trường tiêu thụ, có thể thấy những thị trường tiêu thụ tơ lụa lớn nhất trên thế giới là Ý, Ấn Độ, Nhật Bản, Việt Nam, Mỹ, Pháp, Trung Quốc, Hàn Quốc và Canada..., với giá trị tơ tằm giao dịch trên thị trường toàn cầu hàng năm là trên 20 tỷ USD.

Tơ lụa Bảo Lộc (Lâm Đồng) luôn được người tiêu dùng trong nước và quốc tế tin dùng (Ảnh: Phơi lụa - Võ Đình Quýt).

Tơ lụa Bảo Lộc (Lâm Đồng) luôn được người tiêu dùng trong nước và quốc tế tin dùng (Ảnh: Phơi lụa - Võ Đình Quýt).

Thứ hai, là cần tập trung giải quyết nút thắt cơ bản là khó khăn về nguồn trứng giống tằm phù hợp với tập quán nuôi tằm và vùng sinh thái. Théo dự báo, tổng nhu cầu trứng giống tằm nhập khẩu đến năm 2023 trên 1.000.000 hộp; năm 2040 khoảng 1.300.000 hộp, bình quân mỗi năm nhập khẩu trứng giống tằm trên 200.000 hộp/năm (từ các nước Trung Quốc, Nhật Bản,..). Trứng giống tằm là nút thắt cơ bản nhất cần có giải pháp tháo gỡ trong những năm tới.

Trước mắt đề nghị Bộ NN&PTNT giao các cơ quan chuyên môn làm việc với cơ quan chức năng có thẩm quyền của Trung Quốc để tháo gỡ khó khăn và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp được nhập khẩu trứng tằm theo đường chính ngạch từ Trung Quốc phục vụ sản xuất.

Về lâu về dài cần hỗ trợ các doanh nghiệp nhập khẩu trứng giống tằm tìm các nguồn cung cấp giống từ các nước khác ngoài Trung Quốc để tránh phụ thuộc vào một thị trường như hiện nay. Đồng thời, tập trung các nguồn lực nghiên cứu khoa học chọn tạo và phát triển giống dâu, giống tằm thích hợp cho vùng miền Trung và Tây Nguyên. Qua đó chọn tạo được giống tằm lưỡng hệ năng suất cao, chất lượng tốt thích hợp cho vùng có khí hậu nóng ẩm.

Bên cạnh đó, cần rà soát sản xuất nông nghiệp để chuyển đổi cơ cấu cây trồng nhằm phát triển vùng nguyên liệu và nuôi tằm phù hợp theo định hướng của tỉnh. Năm 2019, UBND tỉnh Lâm Đồng đã ban hành Quyết định về việc Phê duyệt Đề án phát triển bền vững ngành dâu tằm tơ tỉnh Lâm Đồng giai đoạn 2019-2023.

Theo đó, phát triển ngành dâu tằm tơ Lâm Đồng theo hướng sản xuất hiệu quả, bền vững; hình thành vùng nguyên liệu dâu tằm ổn định, gắn nghề trồng dâu nuôi tằm với ươm tơ dệt lụa và bảo vệ môi trường; nâng cao giá trị gia tăng và năng lực cạnh tranh cho sản phẩm dâu tằm tơ; góp phần nâng cao đời sống của người dân nông thôn.

Phấn đấu xây dựng Lâm Đồng trở thành trung tâm sản xuất dâu tằm tơ của cả nước. Các địa phương chỉ đạo ngành nông nghiệp tập trung thực hiện tái cơ cấu ngành, chuyển đổi các cây trồng kém hiệu quả sang trồng dâu nuôi tằm; tiếp tục hỗ trợ khuyến công phát triển công nghiệp chế biến, phát triển thương hiệu, nhằm phát triển thương hiệu tơ lụa Lâm Đồng ra thị trường quốc tế.

Nâng cao vai trò, trách nhiệm của Hiệp hội Dâu tằm tơ Việt Nam cũng là một trong những giải pháp quan trọng. Hiệp hội cần tiếp tục vận động các doanh nghiệp hội viên có nhà máy ươm tơ xây dựng các chuỗi liên kết sản xuất gắn với chế biến, tiêu thụ sản phẩm một cách bền vững.

Chủ động liên hệ với đối tác cung ứng trứng tằm nước ngoài (Trung Quốc hoặc nước khác có nguồn trứng phù hợp với điều kiện ở Việt Nam) để đáp ứng đầy đủ các thủ tục, điều kiện cần thiết theo quy định trong nhập khẩu chính ngạch trứng tằm.

Theo dõi bám sát tình hình sản xuất của các hội viên để có hướng hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn trong tình hình đại dịch Covid-19, để họ an tâm có hình thức sản xuất phù hợp, hạn chế rủi ro thấp nhất.

Một giải pháp hết sức quan trọng nữa, đó là, cần thu hút đầu tư, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư công nghệ để thích ứng với yêu cầu sản xuất. Tiếp tục quảng bá tiềm năng, lợi thế so sánh ngành dâu tằm tơ Lâm Đồng, để thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước về trồng dâu, nuôi tằm, ươm tơ và dệt lụa. Tiếp tục thực hiện tốt liên kết 4 nhà để phát triển ngành dâu tằm tơ bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu và hội nhập quốc tế.

Các doanh nghiệp ươm tơ, dệt lụa cần đầu tư công nghệ ươm tơ dệt lụa, tiến hành đổi mới công nghệ ươm tơ dệt lụa công nghiệp hiện đại hơn, có giải pháp bảo quản hàng hóa, quản trị kho bãi. Tăng cường xúc tiến thương mại quảng bá sản phẩm để mở rộng thị trường trong và ngoài nước, mở rộng nhiều hình thức bán hàng; có chính sách khuyến mại phù hợp, với quyết tâm cao nhất khắc phục khó khăn vượt qua đại dịch Covid-19, đưa ngành tơ lụa Lâm Đồng nói riêng và cả nước nói chung vươn xa tham gia chuỗi giá trị toàn cầu.

Xin cảm ơn ông!

Viên Hữu (thực hiện)

Nguồn Doanh Nghiệp: http://doanhnghiepvn.vn/kinh-te/kinh-doanh/pho-chu-tich-pham-s-chia-khoa-giup-nganh-dau-tam-to-vuot-covid-19-tham-gia-chuoi-gia-tri-toan-cau-la-nguon-giong-va-cong-nghe/20200820064148091