Phó Chủ tịch Quốc hội Lê Minh Hoan khảo sát các khu xử lý rác tại TP.HCM
Phó Chủ tịch Quốc hội Lê Minh Hoan dẫn đầu đoàn công tác đến giám sát tại khu liên hợp xử lý chất thải Nam Bình Dương, Nhà máy xử lý nước thải đô thị Thuận An, Khu liên hợp xử lý chất thải Đa Phước.
Ngày 24-7, Đoàn giám sát của Quốc hội do Phó Chủ tịch Quốc hội Lê Minh Hoan làm trưởng đoàn đến giám sát tại TP.HCM về việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường kể từ khi Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 có hiệu lực thi hành.

Phó Chủ tịch Quốc hội Lê Minh Hoan giám sát các khu xử lý rác tại TP.HCM. Ảnh: LA
Theo đó, Phó Chủ tịch Quốc hội Lê Minh Hoan dẫn đầu đoàn đến giám sát tại khu liên hợp xử lý chất thải Nam Bình Dương; Nhà máy xử lý nước thải đô thị Thuận An; Khu liên hợp xử lý chất thải Đa Phước.
Báo cáo tại buổi giám sát, bà Huỳnh Lan Phương, Phó Tổng giám đốc Công ty TNHH xử lý chất thải Việt Nam, cho biết hiện nay mỗi ngày Khu liên hợp xử lý chất thải Đa Phước tiếp nhận, xử lý trung bình 5.000 tấn/ngày.

Đoàn giám sát tại khu xử lý nước thải tại Khu liên hợp xử lý chất thải Đa Phước. Ảnh: NC
Theo bà Phương, hiện nay công ty đang gặp một số khó khăn. Cụ thể, công tác phân loại rác tại nguồn vẫn chưa được TP thực hiện, trong khi hệ thống phân loại tái chế và rác hữu cơ sạch, sản xuất phân compost đã được công ty hoàn tất xây dựng cuối năm 2010. Do vậy, việc vận hành hai hệ thống này chưa được thực hiện theo kế hoạch đã ảnh hưởng đến tài chính công ty.
Một trong những khó khăn nữa là quy trình thẩm định, phê duyệt dự án chuyển đổi công nghệ đốt rác phát điện thực hiện theo mô hình công nghệ xanh phù hợp với định hướng chung của TP và cả nước còn phức tạp. Dự án phải thông qua nhiều cơ quan Bộ ngành, thủ tục pháp lý chồng chéo. Do đó, bà Phương đề nghị Chính phủ cần có cơ chế giám sát và chính sách hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện các dự án đốt rác phát điện.

Lãnh đạo Công ty TNHH xử lý chất thải Việt Nam trình bày các dự án của công ty với Đoàn giám sát. Ảnh: NC
Tương tự, đại diện Tổng công ty BIWASE (Công ty cổ phần - Tổng công ty nước - Môi trường Bình Dương) cũng cho rằng công ty hiện gặp một số khó khăn nhất định.
Cụ thể, các phương pháp xử lý rác sinh hoạt nhất là xử lý bậc cao, tái chế sâu đang gặp nhiều vướng mắc. Vướng mắc lớn nhất mà doanh nghiệp đang gặp phải là việc cơ quan chịu trách nhiệm chưa đưa ra được định mức tiêu hao chi phí cụ thể cho các công đoạn xử lý và hoạt động dịch vụ vận hành bảo trì. Việc này dẫn đến việc không thể xây dựng được đơn giá xử lý tái chế một cách chính xác.
Trong khi đó, chi phí thực tế để sản xuất các sản phẩm tái chế lại cao hơn nhiều so với chi phí sản xuất cùng loại sản phẩm bằng cách khai thác nguyên liệu tự nhiên. Điều này làm cho doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn cho hoạt động xử lý chất thải khép kín. Do vậy, hoạt động tái chế mặc dù mang lại giá trị lớn cho môi trường, cho cộng đồng nhưng lại đang trở thành gánh nặng kinh tế cho doanh nghiệp...
Ghi nhận ý kiến của các doanh nghiệp, ông Lê Quang Huy, Chủ nhiệm Ủy ban KH-CN&MT, Phó Trưởng đoàn giám sát cho biết đoàn đã lắng nghe và sẽ có buổi làm việc với UBND TP.HCM, các đơn vị liên quan để tháo gỡ những khó khăn vướng mắc của các doanh nghiệp.