Phó Chủ tịch Quốc hội Lê Minh Hoan làm việc với UBND TP. Đà Nẵng về thực hiện pháp luật bảo vệ môi trường
Chiều 25/7, Đoàn giám sát chuyên đề của Quốc hội 'Việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường kể từ khi Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 có hiệu lực thi hành' đã có cuộc làm việc với UBND TP. Đà Nẵng. Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội Lê Minh Hoan - Trưởng Đoàn giám sát của Quốc hội, chủ trì cuộc làm việc.
Cùng chủ trì có Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy - Phó trưởng Đoàn Thường trực Đoàn giám sát.

Phó Chủ tịch Quốc hội Lê Minh Hoan chủ trì cuộc làm việc với UBND TP. Đà Nẵng
Tham dự có: Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng Lương Nguyễn Minh Triết; Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Tạ Đình Thi - Tổ trưởng Tổ giúp việc của Đoàn giám sát; Phó Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng Trần Chí Cường; các thành viên Đoàn giám sát; đại diện lãnh đạo sở, ngành của địa phương.
Nhiều vướng mắc kéo dài trong đầu tư hạ tầng và quản lý môi trường
Theo báo cáo của UBND TP. Đà Nẵng, thời gian qua, thành phố đã triển khai nhiều chính sách, đề án lớn trong lĩnh vực môi trường, đạt được một số kết quả tích cực như: nâng tỷ lệ xử lý nước thải, phân loại rác tại nguồn, bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ rừng... Tuy nhiên, vẫn còn không ít khó khăn, thách thức.
Tỷ lệ thu gom, xử lý nước thải tại các đô thị thuộc địa bàn Quảng Nam (cũ) chỉ đạt khoảng 10,09%, nhiều khu, cụm công nghiệp chưa có hệ thống xử lý nước thải tập trung. Đầu tư hạ tầng cấp nước sạch cho khu vực nông thôn, làng nghề còn hạn chế.
Việc xử lý chất thải rắn còn nhiều bất cập; các khu xử lý chất thải sinh hoạt tập trung triển khai chậm, cơ sở xử lý chất thải nguy hại tại chỗ chưa có, công nghệ xử lý chủ yếu là chôn lấp, trong khi các dự án đầu tư nhà máy xử lý rác công nghệ cao gặp khó khăn do chi phí lớn và vướng thủ tục theo hình thức PPP.

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy phát biểu
Ngoài ra, nguồn nhân lực môi trường còn thiếu, năng lực quản lý chưa đồng đều; công tác quy hoạch, ứng dụng công nghệ và chuyển đổi số trong giám sát, dự báo môi trường còn hạn chế.
Từ thực tiễn nêu trên, Đà Nẵng đề nghị sớm tháo gỡ các “điểm nghẽn” pháp lý, đặc biệt là vướng mắc trong thủ tục đầu tư các dự án môi trường, trong đó có xử lý chất thải rắn; ban hành cơ chế khuyến khích xã hội hóa mạnh mẽ hơn; xây dựng chính sách ưu đãi cho các mô hình đấu thầu dịch vụ công ích và đầu tư xử lý rác thải, nước thải bằng PPP.
Thành phố cũng kiến nghị Trung ương sớm ban hành cơ chế về thu hồi, tái chế pin xe điện và tấm pin mặt trời, hoàn thiện cơ sở pháp lý cho hoạt động của Quỹ bảo vệ môi trường cấp tỉnh, đồng thời chuyển giao hệ thống cơ sở dữ liệu môi trường, tăng cường đào tạo nhân lực và ứng dụng các công cụ mô hình dự báo tác động môi trường vào quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội.
Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng Lương Nguyễn Minh Triết ghi nhận những ý kiến, kiến nghị đóng góp của các thành viên Đoàn giám sát; đồng thời cũng thẳng thắn nhìn nhận những khó khăn, thách thức của thành phố trong việc xử lý các vấn đề liên quan đến môi trường.
Đổi mới tư duy, tiếp cận bảo vệ môi trường theo hướng kinh tế tuần hoàn
Phát biểu kết luận cuộc làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Lê Minh Hoan nhấn mạnh, nội dung giám sát chuyên đề lần này là vấn đề vừa mang tính cấp bách trước mắt, vừa có ý nghĩa chiến lược lâu dài trong định hướng phát triển bền vững quốc gia.

Quang cảnh cuộc làm việc
Ghi nhận những nỗ lực, cách làm bài bản, đồng bộ của Đà Nẵng trong thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường, Phó Chủ tịch Quốc hội đánh giá cao sự chuẩn bị nghiêm túc của địa phương, trong đó báo cáo đã phản ánh đầy đủ kết quả đạt được, nêu rõ tồn tại, kiến nghị cụ thể, sát thực tiễn.
Tuy nhiên, Đoàn giám sát cũng ghi nhận một số tồn tại, hạn chế như: việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật theo thẩm quyền để triển khai thực hiện Luật Bảo vệ môi trường còn chậm; hệ thống quan trắc môi trường chưa hoàn thiện; công tác nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số trong lĩnh vực môi trường còn chưa đáp ứng yêu cầu; vẫn còn tồn tại bãi rác chôn lấp không hợp vệ sinh, công nghệ xử lý chủ yếu vẫn là chôn lấp trong khi khối lượng rác thải ngày càng tăng; hệ thống thu gom, xử lý nước thải tập trung chưa bao phủ toàn bộ khu vực đô thị; việc sáp nhập tỉnh tạo ra những không gian phát triển mới, nhưng cũng đặt ra những đòi hỏi mới về bảo vệ môi trường.
Trước yêu cầu đổi mới tư duy, tiếp cận bảo vệ môi trường theo hướng kinh tế tuần hoàn, phát triển bền vững, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị Đà Nẵng tiếp tục thực hiện tốt 5 định hướng lớn gồm: Hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, quy hoạch, chiến lược, kế hoạch về bảo vệ môi trường, mạnh dạn kiến nghị sửa đổi các điểm bất cập; đầu tư hạ tầng kỹ thuật phục vụ môi trường, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số trong quan trắc, giám sát; phát huy mô hình phân loại rác tại nguồn, đầu tư công nghệ tiên tiến, thúc đẩy xã hội hóa và kinh tế tuần hoàn, tăng cường giám sát cộng đồng; bổ sung nguồn lực tài chính, nhân lực và tổ chức bộ máy quản lý môi trường các cấp; tận dụng hiệu quả các cơ chế, chính sách đặc thù từ Nghị quyết số 136/2024/QH15 của Quốc hội, trong đó chú trọng lĩnh vực môi trường.
Căn cứ vào những kết luận, gợi mở của Phó Chủ tịch Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy đề nghị UBND TP. Đà Nẵng hoàn thiện báo cáo gửi lại Đoàn giám sát.