Phó Chủ tịch Quốc hội: Nghi chập điện gây vụ cháy 14 người chết và hướng ngăn ngừa
Thông tin mới nhất về vụ cháy ở Trung Kính đến từ phiên thảo luận tổ của Quốc hội, với những chia sẻ của Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương, người vừa đi thực địa hiện trường vụ cháy hồi sáng.
“Các vụ trước đây, tỷ lệ chết ngạt nhiều hơn chết cháy. Nhưng riêng vụ này chết cháy nhiều hơn" - Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương chia sẻ tại phiên họp tổ của các ĐBQH, chiều nay, 24-5.
Đây là những gì ông nhận được từ báo cáo của các cơ quan chức năng, cũng như cảm nhận trực tiếp lúc sáng, khi đi thực địa vụ cháy ở Trung Kính, phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội.
Theo mô tả của ông Phương, khu nhà trong vụ cháy ở Trung Kính gồm hai khối, đều rất cũ. Khối ngoài 2 tầng, gia chủ 7 người sinh sống. Khối trong 3 tầng được chủ nhà cải tạo, thành các phòng cho thuê. Mỗi một phòng khoảng 16m2. Hành lang bên ngoài các tầng rộng khoảng 60cm dẫn ra cầu thang bộ chật hẹp, dẫn xuống khoảng sân bên dưới ngăn cách hai khối nhà.
Cánh cửa các phòng trọ bằng gỗ, nan chớp có khe hở. Vì vậy khi đám cháy bên dưới bùng lên thì lửa, khí nóng xộc thẳng vào từng phòng trọ. Vì vậy, các nạn nhân trong vụ việc phần nhiều bị chết cháy. Trong số sống sót, có một trường hợp chui vào phòng vệ sinh kiên cố, may mắn thoát nạn.
Về nguyên nhân vụ cháy, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho hay, đánh giá ban đầu có thể do chập điện. Trong quá trình cháy lại nổ bình gas, bình khí của xưởng sửa chữa của con trai chủ nhà. Xe máy, xe điện của người ở trọ, và cả của người con trai sửa chữa bắt lửa nên nhiệt lượng bốc lên rất lớn.
Điều đó vừa làm biến dạng, sập toàn bộ khung sắt, mái tôn che khoảng sân, vừa gây cháy, gây ngạt cho các nạn nhân trong các phòng trọ bên trên. Đồ đạc, xe cộ để ngổn ngang, bốc cháy còn chặn lối thoát duy nhất của 24 người bao gồm cả gia chủ và thuê trọ trong khu nhà.
Đám cháy ở Trung Kính xảy ra giữa ngôi làng vốn là vùng ven Hà Nội, điều đó phản ánh những bất cập về phòng cháy, chữa cháy ở những nơi làng lên phố.
“Bà con ở nhà cũ cơi nới thêm để cho thuê. Điều này phá vỡ toàn bộ quy hoạch làng xưa. Từ trục đường chính vào đến nhà có tới 5 khúc cua, càng vào sâu trong hẻm thì càng chật. Có đoạn, một chiếc xe máy đi thì được nhưng nếu có thêm một người sẽ tránh không được” - Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương mô tả.
Thông tin thêm với các Đại biểu Quốc hội cùng tổ thảo luận, ông Trần Quang Phương cho biết tổng số thiệt hại về người trong vụ cháy ở Trung Kính là 14 người. Thêm 3 người bị thương, có 7 người thoát được, trong đó có một bạn nữ đi chơi tối không về.
Bà cụ 84 tuổi nằm ở tầng 1 là mẹ của chủ gia đình có khu nhà này. Hàng xóm và lực lượng cứu hộ đưa ra được nhưng bị bỏng và ngạt khí. “Khi tôi vào thăm, anh em y tế đang cố gắng chữa" - ông Phương cho biết.
Phó Chủ tịch Trần Quang Phương cho rằng tới đây khi Quốc hội xem xét, thông qua Luật Phòng cháy, chữa cháy cần phải quy định chặt chẽ hơn điều kiện kinh doanh trong các kiốt, các hàng sửa xe; những nơi vừa là nhà ở, vừa kinh doanh…
Bởi kết quả nhiều cuộc khảo sát, giám sát của Quốc hội, Ủy ban Quốc phòng An ninh cho thấy hầu như Hà Nội và các thành phố lớn, tình trạng tương tự không ít. “Đây là câu chuyện làng lên phố và sự bất cập của quy hoạch. Chúng ta chia buồn sâu sắc với bà con” - ông Trần Quang Phương nói thêm.
Phó Chủ tịch Quốc hội cũng nhận định những khu vực tương tự như nơi vừa xảy ra vụ cháy sẽ rất khó giải tỏa, vì người dân đã sinh sống lâu đời, nhà rất cũ, xây dựng từ rất lâu.
“Bây giờ chỉ có phát triển các khu đô thị mới và từng bước đưa các khu đó thành đô thị cổ, để tham quan… còn ở thì không an toàn. Khi có tình huống xảy ra thì không chữa được” - ông Trần Quang Phương kết luận.
NHÓM PHÓNG VIÊN