PHÓ CHỦ TỊCH QUỐC HỘI NGUYỄN ĐỨC HẢI: CHUẨN BỊ KỸ LƯỠNG, BẢO ĐẢM YÊU CẦU CAO VỀ TÍNH CHUYÊN NGHIỆP, CHẤT LƯỢNG, HIỆU QUẢ CỦA DIỄN ĐÀN KINH TẾ - XÃ HỘI VIỆT NAM 2023
Phát biểu kết luận phiên họp của Ban Tổ chức Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam năm 2023, chiều 23/8, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị các cơ quan khẩn trương triển khai các nhiệm vụ được giao, bám sát tiến độ, yêu cầu đề ra, chuẩn bị kỹ lưỡng, chu đáo bảo đảm cho Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam năm nay diễn ra thành công; nhấn mạnh yêu cầu cao về tính chuyên nghiệp, chất lượng, hiệu quả và sức lan tỏa với tính chất là sự kiện thường niên, quan trọng của Quốc hội, để lại dấu ấn của Quốc hội.
Cùng dự phiên họp có Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Minh Sơn; Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Mạnh Hùng cùng các Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội; đại diện lãnh đạo Ban Kinh tế Trung ương, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam, lãnh đạo các Cục, Vụ, đơn vị thuộc Văn phòng Quốc hội.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nêu rõ Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam là hoạt động thường niên của Quốc hội do Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Ban Kinh tế Trung ương và Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam đồng chủ trì tổ chức. Đây là dịp để huy động, lắng nghe và phát huy rộng rãi trí tuệ, tâm huyết, trách nhiệm của các đại biểu Quốc hội, Nhân dân, cử tri, các chuyên gia, nhà khoa học, đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân trong và ngoài nước đóng góp vào các quyết sách phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Để chuẩn bị tổ chức Diễn đàn, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về Đề án Tổ chức Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam 2023. Tại phiên họp, các đại biểu nghe đại diện Thường trực Ủy ban Kinh tế, lãnh đạo Văn phòng Quốc hội và đại diện lãnh đạo các cơ quan hữu quan báo cáo về công tác chuẩn bị tổ chức Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam năm 2023 và thảo luận về các nội dung liên quan.
Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam năm 2023 với chủ đề “Tăng cường năng lực nội sinh, kiến tạo động lực cho tăng trưởng và phát triển bền vững” được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến. Báo cáo về việc tổ chức Diễn đàn năm nay, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Minh Sơn cho biết vừa qua, Ủy ban Kinh tế đã ban hành Đề án tổ chức Diễn đàn, trong đó phân công nhiệm vụ cụ thể các cơ quan hữu quan; đồng thời xây dựng dự kiến chương trình, dự kiến các khung kịch bản điều hành các chuyên đề, phiên thảo luận toàn thể, dự kiến danh sách khách mời, đại biểu tham dự diễn đàn; tiến hành đặt bài tham luận và các bài viết liên quan đến nội dung của Diễn đàn...
Theo dự kiến Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam năm 2023 sẽ được tổ chức vào ngày 19/9. Chương trình của Diễn đàn được thiết kế gồm chuyên đề 1 về “Tăng cường nội lực khơi thông nguồn lực, hỗ trợ doanh nghiệp vượt khó”; chuyên đề 2 về “Nâng cao năng suất lao động bảo đảm an sinh xã hội trong bối cảnh mới” và phiên toàn thể, tọa đàm cấp cao. Tại mỗi chuyên đề sẽ có trình bày các tham luận và thảo luận bàn tròn. Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ sẽ có bài phát biểu khai mạc, chỉ đạo Diễn đàn và phát biểu bế mạc, kết luận Diễn đàn. Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện chính trị quốc gia Hồ Chí Minh Nguyễn Xuân Thắng sẽ có phát biểu đề dẫn trong phiên khai mạc.
Thảo luận tại phiên họp, các ý kiến nhấn mạnh tính chuyên nghiệp, chu đáo, thận trọng, đồng bộ, hiệu quả trong tổ chức để lại dấu ấn của Quốc hội, thể hiện được sự trang trọng, quy mô của sự kiện. Các nội dung trình bày, trao đổi, thảo luận tại Diễn đàn phải bảo đảm đi đúng trọng tâm, trọng điềm, hấp dẫn và sôi nổi, có sự tương tác giữa các điểm cầu. Đồng thời, đề nghị quan tâm hơn nữa đến công tác thông tin tuyên truyền, tạo sự lan tỏa về các hoạt động trong khuôn khổ của Diễn đàn và những kết quả đạt được; chủ động từ sớm từ xa, lấy ý kiến của cử tri, chuyên gia về các nội dung của Diễn đàn.
Kết luận nội dung làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nhấn mạnh ý nghĩa quan trọng của sự kiện này. Do đó cần bảo đảm yêu cầu cao về tính chuyên nghiệp, chất lượng, hiệu quả và sức lan tỏa của Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam với tính chất là sự kiện thường niên của Quốc hội, mang những điểm nhấn, dấu ấn và sự khác biệt của Quốc hội so với các diễn đàn kinh tế khác.
Phó Chủ tịch Quốc hội đánh giá cao công tác chuẩn bị của Ủy ban Kinh tế, Văn phòng Quốc hội và sự phối hợp trách nhiệm của các cơ quan đồng chủ trì Diễn đàn, đề nghị các cơ quan trong thời gian tới tiếp tục chủ động, phối hợp chặt chẽ thực hiện triển khai hiệu quả các nhiệm vụ được giao để tổ chức thành công Diễn đàn. Bên cạnh đó, qua báo cáo của Thường trực Ủy ban Kinh tế và các cơ quan, đơn vị hữu quan và thảo luận tại phiên họp cho thấy còn nhiều công việc cần triển khai. Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị Thường trực Ủy ban Kinh tế, Ban Kinh tế Trung ương, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam và Văn phòng Quốc hội khẩn trương hoàn thành các công việc.
Phó Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, Ủy ban Kinh tế chịu trách nhiệm chính trong phiên toàn thể tại Diễn đàn, tiếp tục lấy ý kiến bằng văn bản và làm việc với các cơ quan để khẩn trương hoàn thiện chương trình tổng thể, liên hệ với các chuyên gia, diễn giả phân công trình bày tham luận cũng như trao đổi thảo luận; hoàn thiện kịch bản điều hành các phiên toàn thể, phiên thảo luận bàn tròn…và các nội dung liên quan; sớm tập hợp đầy đủ và rà soát các bài viết, bài tham luận gửi đến Diễn đàn để bảo đảm chất lượng tốt nhất; lên danh sách khách mời, đại biểu tham dự bảo đảm tính đại diện các cơ quan, tổ chức, địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp…Giao Thường trực Ủy ban Kinh tế, ngay sau phiên họp, khẩn trương hoàn thiện báo cáo của Ban Tổ chức Diễn đàn về tổng hợp về tiến độ chuẩn bị tổ chức để báo cáo lãnh đạo Quốc hội.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cũng đề nghị Ban Kinh tế Trung ương, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam theo nhiệm vụ được giao phụ trách, phân công cán bộ, chuyên gia tham gia điều phối tại các phiên thảo luận bàn tròn, chủ động xây dựng các kịch bản điều hành, bài viết liên quan, phối hợp với Ủy ban Kinh tế để bảo đảm chất lượng nội dung chương trình.
Lưu ý Văn phòng Quốc hội chủ trì phối hợp với các cơ quan hữu quan khẩn trương lựa chọn cách thức tổ chức Diễn đàn bảo đảm hiểu quả; khẩn trương xây dựng các Đề án về công tác lễ tân, hậu cần, kỹ thuật, truyền thông cho Diễn đàn; cũng như quan tâm đến công tác phiên dịch, tín hiệu đường truyền trực tuyến, lên sơ đồ thiết kế, khánh tiết, thiết kế không gian trưng bày các tư liệu, hình ảnh, tài liệu nghiên cứu tham khảo trong khu vực tổ chức Diễn đàn; bảo đảm an ninh trật tự, y tế, an toàn tuyệt đối cho lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các đại biểu tham dự Diễn đàn. Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị quan tâm thực hiện tốt công tác thông tin tuyên truyền trước trong và sau Diễn đàn, bám sát các nội dung của Diễn đàn, thu hút sự quan tâm của người dân, dư luận, tạo sự lan tỏa.
Bày tỏ với kinh nghiệm đã có, kế thừa và phát huy kết quả tích cực của các lần tổ chức trước đây, các cơ quan tiếp tục phối hợp hiệu quả, tăng cường trách nhiệm tổ chức thực hiện, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải tin tưởng Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam năm 2023 sẽ thành công trở thành sự kiện có nghĩa trong năm của Quốc hội, đạt mục tiêu yêu cầu đề ra như nội dung có trọng tâm, trọng điểm, có thông điệp, nâng cao tính chuyên nghiệp, chất lượng, hiệu quả, đảm bảo an ninh, an toàn tuyệt đối, khoa học, tiết kiệm, thể hiện tinh thần trọng thị, chu đáo, truyền thông toàn diện và có sức lan tỏa.
Một số hình ảnh tại phiên họp:
Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn//cacvilanhdao/pages/hoat-dong.aspx?itemid=79222