Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải làm việc với UBND tỉnh Cà Mau về giám sát năng lượng
Ngày 7.8, tại Cà Mau, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải - Trưởng đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội 'Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016-2021' và Đoàn giám sát đã làm việc với UBND tỉnh Cà Mau.
Tham dự có: Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Cà Mau Nguyễn Tiến Hải; Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Huỳnh Quốc Việt; các thành viên Đoàn giám sát; đại diện lãnh đạo Bộ Công thương, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN)…
Theo Báo cáo của UBND tỉnh Cà Mau, do Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Văn Bi trình bày, trên địa bàn hiện phát triển nhiều dự án điện tái tạo, trong đó Cà Mau được quy hoạch 60MW điện mặt trời tại huyện Ngọc Hiển, hiện đã có nhà đầu tư đề xuất dự án, UBND tỉnh Cà Mau đang xem xét về chủ trương đầu tư dự án và lựa chọn nhà đầu tư theo quy định.
“Từ đầu năm 2022 đến nay, nhiều nhà đầu tư đến tỉnh đề xuất tiếp cận, nghiên cứu để phát triển các dự án sản xuất khí Hydro từ điện năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời, điện sinh khối), với tổng quy mô 3.000 MW, dùng để sản xuất 86.248 tấn khí Hydro/năm. Bên cạnh đó, nhiều nước trong khu có nhu cầu lớn nhập khẩu điện, trong đó Singapore đã phát hành hồ sơ yêu cầu nhập khẩu điện”, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau cho biết.
Bên cạnh những kết quả đạt được, UBND tỉnh Cà Mau cũng phản ánh một số khó khăn, vướng mắc, trong đó do chưa có cơ chế, chính sách cụ thể phát triển thêm các loại hình điện mặt trời, nên đã gây khó cho nhà đầu tư đang triển khai thực hiện dự án cũng như thu hút thêm nhà đầu tư mới thực hiện các dự án theo quy hoạch được phê duyệt.
Cũng theo báo cáo của UBND tỉnh Cà Mau, việc điều chỉnh kê khai, nộp thuế đối với hoạt động kinh doanh khí trên địa bàn theo quy định của Luật Quản lý thuế và các văn bản hướng dẫn (kê khai, nộp thuế tại TP. Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh) đã làm giảm số thu, quy mô thu ngân sách hàng năm của Cà Mau khoảng 20%; từ đó kéo giảm trần nợ vay của chính quyền địa phương, làm giảm quy mô, khả năng đầu tư phát triển của tỉnh, nhất là đầu tư hạ tầng. Một số thông tư chậm được ban hành đã tác động đến quá trình triển khai thực hiện chính sách, pháp luật trên địa bàn.
Các thành viên Đoàn giám sát đã trao đổi về tình hình cung cầu năng lượng trên địa bàn; đầu tư, kinh doanh phát triển thị trường năng lượng cạnh tranh, giá cả thị trường năng lượng, cơ chế dự trữ, dự phòng năng lượng; việc tích hợp phương án phát triển điện lực vào Quy hoạch chung của tỉnh; chuyển dịch năng lượng; tình hình thực hiện quy định của pháp luật về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; các dự án năng lượng chậm tiến độ trên địa bàn; khó khăn, vướng mắc trong xử lý dự án chậm tiến độ; công tác thanh tra, kiểm tra với các công trình năng lượng...
Bí thư Tỉnh ủy Cà Mau Nguyễn Tiến Hải cùng lãnh đạo UBND tỉnh, Sở Công thương, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Cà Mau đã giải trình, làm rõ những vấn đề Đoàn giám sát quan tâm.
Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Tiến Hải khẳng định, Tỉnh ủy Cà Mau đã chỉ đạo UBND tỉnh, các sở, ngành quyết liệt tổ chức rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, để phát hiện, xác định cụ thể những quy định có mâu thuẫn, chồng chéo, sơ hở, bất cập, những vướng mắc trong các luật và văn bản dưới luật có liên quan, trong đó có vướng mắc liên quan đến thực hiện dự án năng lượng - một trong những nội dung Đoàn giám sát quan tâm.
Phát biểu kết luận cuộc làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải ghi nhận, thời gian qua, Cà Mau đã ban hành các chương trình, kế hoạch, chỉ thị nhằm triển khai hính sách, pháp luật, tổ chức thực hiện các quy hoạch liên quan; chuyển dịch năng lượng, ứng phó với biến đổi khí hậu; thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra một số hoạt động năng lượng... đồng bộ, thống nhất và phù hợp các văn bản pháp luật của Trung ương, góp phần bảo đảm an ninh năng lượng, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, nhu cầu sinh hoạt, sản xuất của nhân dân, bảo đảm vững chắc quốc phòng - an ninh.
Đặc biệt, trong giai đoạn giám sát, UBND tỉnh đã chủ động ứng vốn trước cho EVN hoàn thiện hệ thống truyền tải điện, qua đó giúp đưa điện đến 99,6% tổng số hộ dân trên địa bàn, giúp người dân được thụ hưởng trực tiếp và nhanh chóng việc đầu tư xây dựng các nhà máy điện tại Cà Mau - một trung tâm điện lực của quốc gia.
Ghi nhận những đề xuất, kiến nghị của Cà Mau và các cơ quan liên quan về sửa đổi, hoàn thiện chính sách, pháp luật liên quan về phát triển năng lượng, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị, Cà Mau chú ý triển khai các giải pháp đồng bộ để xử lý các dự án năng lượng chậm tiến độ, gặp khó khăn, vướng mắc cũng như nguồn kinh phí của địa phương còn hạn chế và xây dựng kế hoạch sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả chưa đa dạng... Phó Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý, UBND tỉnh Cà Mau cần tiếp thu ý kiến của các thành viên Đoàn giám sát và các cơ quan liên quan, hoàn chỉnh Báo cáo kết quả giám sát và gửi lại trước ngày 15.8 tới.
+ Cùng ngày, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải và Đoàn giám sát đã khảo sát, làm việc tại Công ty Điện lực Dầu khí Cà Mau.