PHÓ CHỦ TỊCH QUỐC HỘI NGUYỄN KHẮC ĐỊNH CHỦ TRÌ PHIÊN HỌP THỨ 10 HỘI ĐỒNG KHOA HỌC CỦA ỦY BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI
Sáng 24/7, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Khoa học của UBTVQH Nguyễn Khắc Định, Hội đồng Khoa học (HĐKH) của UBTVQH tổ chức Phiên họp thứ 10 góp ý vào Dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi) và cho ý kiến về kết quả triển khai Đề tài khoa học cấp bộ đặc biệt 'Quốc hội Việt Nam - 80 năm xây dựng, đổi mới và phát triển' trong Quý II/2024 và dự kiến công việc triển khai trong Quý III/2024.
Trước khi tiến hành Phiên họp, Hội đồng Khoa học của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thành kính dành 1 phút mặc niệm tưởng nhớ Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng – nhà lãnh đạo lỗi lạc, trọn đời vì nước, vì dân.
Tham dự Phiên họp có: Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường, Phó Chủ tịch HĐKH của UBTVQH Lê Quang Huy; Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh; Viện trưởng Viện NCLP, Phó Chủ tịch HĐKH của UBTVQH Nguyễn Văn Hiển cùng các thành viên Hội đồng KĐKH.
Cùng tham dự Phiên họp còn có: Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Phan Văn Anh; đại diện Thường trực Hội đồng dân tộc, các cơ quan của Quốc hội, cơ quan thuộc Ủy ban thường vụ Quốc hội, Văn phòng Quốc hội; các chuyên gia, nhà khoa học;….
Phát biểu khai mạc, Phó Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Khoa học của UBTVQH Nguyễn Khắc Định nêu rõ, tại Phiên họp thứ 10, HĐKH dành phần lớn thời gian góp ý vào Dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi). Đây là hoạt động góp ý giữa kỳ, trước khi hoàn chỉnh Hồ sơ trình Quốc hội xem xét, thông qua.
Nhấn mạnh đây dự án luật khó, tính pháp lý rất cao, thể chế hóa các nghị quyết của Đảng đồng thời mang tính chính trị - xã hội lớn trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, yêu cầu về hệ thống công đoàn – tổ chức đại diện của công nhân ngày càng cao, Phó Chủ tịch Quốc hội cho biết, việc góp ý vào dự thảo Luật nhằm tăng thêm hàm lượng khoa học trong quyết định của Quốc hội; cung cấp thêm cơ sở lý luận, thực tiễn trong quá trình xem xét, thông qua dự luật...
Đồng thời, tại Phiên họp, HĐKH cũng sẽ cho ý kiến về kết quả triển khai đề tài khoa học cấp bộ đặc biệt: “Quốc hội Việt Nam - 80 năm xây dựng, đổi mới và phát triển” trong Quý II/2024 và dự kiến công việc triển khai trong Quý III/2024.
Đảm bảo vai trò đại diện; quyền và lợi ích chính đáng của người lao động
Báo cáo một số nội dung cơ bản hoàn thiện dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi), Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Phan Văn Anh cho biết, dự thảo Luật đã được Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 7. Trên cơ sở ý kiến của ĐBQH, Tổng Liên đoàn đang tích cực phối hợp với các cơ quan có liên quan nghiên cứu tiếp thu, giải trình, hoàn thiện dự thảo Luật, chuẩn bị báo cáo UBTVQH và trình Quốc hội xem xét thông qua.
Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Phan Văn Anh cũng đã báo cáo và xin ý kiến Hội nghị về một số vấn đề cơ bản trong quá trình hoàn thiện dự thảo luật như: Địa vị pháp lý của Công đoàn Việt Nam; Quyền chủ động giám sát của tổ chức công đoàn; Tăng quyền chủ động cho tổ chức công đoàn trong bố trí cán bộ công đoàn chuyên trách; Tỷ lệ phân phối tài chính công đoàn;...
Góp ý tại phiên họp, đa số ý kiến cho rằng, dự án Luật Công đoàn (sửa đổi) được chuẩn bị công phu nghiêm túc, nội dung của dự thảo Luật đã cơ bản thể chế hóa chủ trương của Đảng, cụ thể hóa Hiến pháp năm 2013, cũng như phúc đáp những yêu cầu đặt ra từ thực tiễn. Đồng thời, dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi) bảo đảm sự tương thích với điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam là thành viên. Đặc biệt, dự thảo Luật đã đảm bảo sự tương thích với các tiêu chuẩn lao động quốc tế cơ bản theo Công ước 98 của ILO về Áp dụng những nguyên tắc của quyền tổ chức và thương lượng tập thể.
Để tiếp tục hoàn thiện dự thảo, các đại biểu tập trung góp ý vào một số nội dung cụ thể liên quan tới: Nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam; Tài chính công đoàn, Bảo đảm về tổ chức, cán bộ; Quyền chủ động giám sát của tổ chức công đoàn; Xử lý vi phạm pháp luật về công đoàn;..
Qua thảo luận, các ý kiến đề nghị tiếp tục rà soát kỹ lưỡng, đảm bảo việc sửa đổi lấy quyền và lợi ích của người lao động, vai trò đại diện cho người của người lao động của công đoàn làm trung tâm. Việc sửa đổi đảm bảo cho Công đoàn Việt Nam ngày càng lớn mạnh, hoạt động hiệu quả, thu hút đông đảo người lao động tham gai. Sửa Luật cần kế thừa những nội dung đã khẳng định được tính hợp lý, ổn định, hiệu quả trong quá trình thực hiện; sửa đổi nhưng phải phù hợp với chủ trương của Đảng, thể chế chính trị; phù hợp với bối cảnh hội nhập,...
Đối với nội dung về bảo đảm tổ chức, cán bộ, quy định tại dự thảo luật cần bảo đảm thống nhất với Luật Công chức, Luật Viên chức... Đồng thời, rà soát lại việc nêu về tổ chức biên chế vào luật để có quy định phù hợp , tương thích với các luật khác;... Ngoài ra, đề nghị nghiên cứu quy định, trên cơ sở xây dựng cơ cấu tổ chức bộ máy, vị trí việc làm và chức danh cán bộ công đoàn, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam trình cơ quan có thẩm quyền quyết định số lượng cán bộ công đoàn chuyên trách là cán bộ, công chức, viên chức.
Về tài chính công đoàn, có ý kiến đề nghị, cần xem xét để phù hợp với tình hình mới, như đại dịch Covid 19 vừa qua. Do đó, về tỷ lệ thu để đảm bảo tính linh hoạt trong việc xác định mức thu và điều chỉnh mức thu cho phù hợp với điều kiện kinh tế xã hội, không nên quy định cứng tỷ lệ mà nên theo hướng quy định tỷ lệ thu tối đa trên tổng quỹ lương làm căn cứ đóng BHXH.
Về giám sát hoạt động của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, một số ý kiến lưu ý, cơ quan soạn thảo rà soát, sửa đổi đảm bảo phù hợp với quy định của Hiến pháp 2013 theo hướng, công đoàn chỉ có quyền tham gia giám sát, và phạm vi, đối tượng giám sát như quy định trong Hiến pháp.
Đẩy nhanh tiến độ, đảm bảo chất lượng triển khai Đề tài khoa học cấp bộ đặc biệt
Cũng tại Phiên họp, HĐKH cho ý kiến về kết quả triển khai Đề tài khoa học cấp bộ đặc biệt: “Quốc hội Việt Nam - 80 năm xây dựng, đổi mới và phát triển” trong Quý II/2024 và dự kiến công việc triển khai trong Quý III/2024.
Báo cáo tại phiên họp về nội dung này, Viện trưởng Viện NCLP, Phó Chủ tịch HĐKH của UBTVQH Nguyễn Văn Hiển cho biết: Các cơ quan, đơn vị và thành viên Đề tài đều cố gắng triển khai thực hiện để hoàn thành đúng tiến độ, bảo đảm chất lượng. Trong đó, có cơ quan, đơn vị đã triển khai thực hiện nhanh, sớm hơn so với tiến độ trong Kế hoạch và gửi sản phẩm cho Viện NCLP; nhiều cơ quan, đơn vị triển khai các hoạt động rất bài bản, khoa học.
Bên cạnh đó, các thành viên đề tài công tác tại các cơ quan của Quốc hội, cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Văn phòng Quốc hội luôn tích cực, chủ động hoàn thành công việc đúng tiến độ; giữ vai trò nòng cốt, chủ trì tham mưu xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch nghiên cứu đối với các nhiệm vụ giao cho các cơ quan theo đúng với chỉ đạo của Phó Chủ tịch Quốc hội, Chủ nhiệm đề tài. Trong quá trình triển khai các nội dung công việc, các cơ quan, đơn vị, thành viên đề tài đã có sự phối hợp chặt chẽ, chia sẻ thông tin tốt hơn so với thời gian trước đây, bảo đảm hoàn thành tốt công việc.
Phó Chủ tịch HĐKH của UBTVQH Nguyễn Văn Hiển cũng thông tin cụ thể về dự kiến các công việc các cơ quan, đơn vị thực hiện trong quý III/2024.
Phát biểu kết luận Phiên họp, liên quan đến nội dung góp ý dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi), Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định ghi nhận và đánh giá cao các ý kiến tâm huyết, trí tuệ, thẳng thắn của các thành viên HĐKH, các chuyên gia, nhà khoa học. "Thông tin góp ý có giá trị về cả mặt lý luận và thực tiễn, chứa đựng hàm lượng khoa học cao; nhiều nội dung góp ý cụ thể vào các điều khoản còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật,...", Phó Chủ tịch Quốc hội cho biết.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đề nghị bộ phận thường trực khẩn trương tổng hợp, tiếp thu đầy đủ, xây dựng tài liệu, báo cáo chuyên đề gửi các cơ quan có liên quan, các vị ĐBQH phục vụ quá trình tiếp thu, hoàn thiện cũng như xem xét, thông qua dự án Luật Công đoàn (sửa đổi).
Về triển khai Đề tài khoa học cấp bộ đặc biệt “Quốc hội Việt Nam - 80 năm xây dựng, đổi mới và phát triển”, Phó Chủ tịch Quốc hội đánh giá cao nỗ lực của các cơ quan, thành viên Ban Chủ nhiệm Đề tài, biểu dương các cơ quan đã hoàn thành và hoàn thành sớm tiến độ theo yêu cầu, kế hoạch đề ra trong Quý II/2024 và 6 tháng đầu năm 2024. Trong đó, Viện Nghiên cứu lập pháp đã thực hiện tốt các công việc với vai trò là cơ quan thường trực của Ban Chủ nhiệm Đề tài.
Đồng thời, Phó Chủ tịch Quốc hội cũng yêu cầu, cơ quan chưa hoàn thành nhiệm vụ cần khẩn trương rà soát, tập trung huy động lực lượng để thực hiện theo đúng kế hoạch, chương trình đề ra (thời hạn chậm nhất là tuần đầu tháng 8/2024).
Đối với một số nhiệm vụ trọng tâm triển khai Đề tài khoa học cấp bộ đặc biệt trong thời gian tới, Phó Chủ tịch Quốc hội lưu ý, Viện Nghiên cứu lập pháp phấn đấu hoàn thành 02 cuộc Hội thảo trong tháng 9/2024 (Hội thảo “Quốc hội Việt Nam – 80 năm đổi mới và phát triển về hoạt động quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước”) và tháng 12/2025 (Hội thảo “Thành tựu và dấu ấn nổi bật của Quốc hội khóa XV”); biên tập và tổ chức xin ý chuyên gia đối với các Báo cáo tổng hợp chương và xây dựng dự thảo Báo cáo tổng hợp kết quả nghiên cứu của đề tài chậm nhất là tháng 11/2024.
“Đề nghị các cơ quan của Quốc hội, cơ quan thuộc UBTVQH, Văn phòng Quốc hội và thành viên Ban Chủ nhiệm Đề tài tiếp tục tích cực, phối hợp chặt chẽ với Ban Chủ nhiệm Đề tài và Viện Nghiên cứu lập pháp trong quá trình triển khai thực hiện; tiếp tục hoàn thiện các sản phẩm theo yêu cầu của Ban Chủ nhiệm Đề tài cho đến khi Đề tài được nghiệm thu, thanh lý toàn bộ...”, Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Ngoài ra, Viện Nghiên cứu lập pháp cần tiếp tục chủ động, tích cực phối hợp với các cơ quan của Quốc hội, cơ quan thuộc UBTVQH để tổ chức nghiên cứu “từ sớm, từ xa” các dự án Luật khó, phức tạp, còn nhiều ý kiến khác nhau để nâng cao hơn nữa công tác nghiên cứu khoa học, tư vấn và tham mưu cho UBTVQH; tập trung, phát huy trí tuệ của các nhà khoa học; huy động và tạo điều kiện thu hút các thành viên HĐKH tham gia vào các hoạt động của Quốc hội;…
***Một số hình ảnh tại Phiên họp:
Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn//tintuc/pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?itemid=88208