PHÓ CHỦ TỊCH QUỐC HỘI NGUYỄN KHẮC ĐỊNH LÀM VIỆC VỚI TỈNH HÀ GIANG VỀ CÔNG TÁC PHÒNG CHỐNG THAM NHŨNG, TIÊU CỰC
Sáng 07/12, Đoàn công tác của Trung ương do Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định - Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực làm Trưởng đoàn đã có cuộc làm việc với Ban Thường vụ tỉnh Hà Giang.
Tham gia Đoàn công tác có Phó Trưởng Ban Nội chính Trung ương Nguyễn Thanh Hải, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Nguyễn Mạnh Cường.
Về phía lãnh đạo tỉnh Hà Giang có quyền Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang Nguyễn Mạnh Dũng; Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang Nguyễn Văn Sơn.
Theo báo cáo công tác lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực 9 tháng năm 2023: Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hà Giang đã lãnh đạo, chỉ đạo, phổ biến, quán triệt kịp thời, đầy đủ các chủ trương, chỉ đạo của Trung ương, nhất là các nghị quyết, chỉ thị kết luận về công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực trọng tâm là: Thông báo kết luận của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống tham nhũng, tiêu cực từ sau phiên họp thứ 23,24 của Ban Chỉ đạo, nội dung phát biểu kết luận của đồng chí Tổng Bí thư tại Hội nghị sơ kết 1 năm hoạt động của Ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh. Đồng thời, tổ chức đợt sinh hoạt chính trị sâu, rộng trong toàn Đảng bộ về nội dung tác phẩm: “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch vững mạnh” của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Trong 9 tháng năm 2023, các cơ quan đơn vị đã tổ chức tuyên truyền Luật phòng, chống tham nhũng và các văn bản có liên quan được 1.655 lớp với 124.159 lượt người tham gia.
Thực hiện kiểm soát tài sản, thu nhập theo Quyết định số 56-QĐ/TW, ngày 08/02/2022 của Bộ Chính trị về việc ban hành Quy chế phối hợp giữa các cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hà Giang đã chỉ đạo Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy tổ chức thực hiện kê khai, quản lý, xác minh tài sản, thu nhập năm 2023; hướng dẫn Ủy ban Kiểm tra các huyện ủy, thành ủy tổ chức bốc thăm, lựa chọn người được xác minh tài sản, thu nhập. Đồng thời xây dựng kế hoạch xác minh tài sản, thu nhập đối với cán bộ diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý. Kết quả đã tiếp nhận 478 bản kê khai tài sản, thu nhập của cán bộ thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý và cán bộ, công chức công tác trong các cơ quan Đảng của tỉnh.
Tại buổi làm việc, các thành viên đoàn công tác đã đề nghị tỉnh Hà Giang làm rõ một số vấn đề liên quan đến kết quả công tác lãnh đạo, chỉ đạo việc thực hiện các biện pháp phòng ngừa tham nhũng trong đó có việc công khai minh bạc về tổ chức và hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị. Đồng thời làm rõ việc kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ quyền hạn; xử lý trách nhiêm người đứng đầu khi để xảy rat ham nhũng trong cơ quan, đơn vị, tổ chức; kết quả xét xử các vụ án tham nhũng cũng như việc thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án, vụ việc tham nhũng.
Phát biểu kết luận buổi làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực cho biết, sau một năm tổng kết việc thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng cấp tỉnh đã cho thấy công tác này có chuyển biến tốt, khắc phục tình trạng “trên nóng - dưới lạnh”, các địa phương hoạt động tốt, nhịp nhàng. Cả trung ương và địa phương đều chú trọng và thực hiện cả phòng và chống, kết hợp cả phòng, chống tham nhũng và phòng, chống tiêu cực. Đồng thời chú trọng rà soát hệ thống pháp luật.
Qua theo dõi thực tiễn, báo cáo của các cơ quan và thảo luận tại buổi làm việc, Đoàn công tác ghi nhận và đánh giá cao chất lượng báo cáo do Thường trực Tỉnh ủy Hà Giang đã chuẩn bị cũng như công tác phòng, chống tham nhũng của Hà Giang năm 2023 tiếp tục được phát huy và tiến hành bài bản.
Nhìn chung, công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của tỉnh Hà Giang thời gian qua tiếp tục được tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và đạt được một số kết quả quan trọng, từng bước gắn kết giữa phòng, chống tham nhũng, tiêu cực với xây dựng, chỉnh đốn Đảng, phòng, chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong cán bộ, đảng viên. Công tác phòng ngừa, phát hiện, xử lý tham nhũng, tiêu cực của tỉnh có nhiều chuyển biến.
Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành nhiều kế hoạch, chương trình công tác trọng tâm, chương trình kiểm tra, giám sát về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; ban hành chỉ thị chấn chỉnh tác phong, lề lối làm việc và nâng cao trách nhiệm trong thực thi nhiệm vụ của người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu và đội ngũ cán bộ, đảng viên... Chú trọng phổ biến, quán triệt, triển khai đồng bộ các quy định của Đảng, Nhà nước về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo việc phát hiện, xử lý các vụ việc tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp, dư luận quan tâm tại địa phương. Quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, đề cao trách nhiệm của người đứng đầu thực hiện nghiêm các kết luận, kiến nghị của các Đoàn kiểm tra, giám sát, đôn đốc về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, bảo đảm cho việc xử lý nghiêm minh.
Cấp ủy kết hợp phòng, chống tham nhũng, tiêu cực với công tác xây dựng đảng, xây dựng hệ thống chính trị, công tác cán bộ, phát huy vai trò của các tổ chức, đoàn thể; làm tốt giữa phòng và chống, giữa phòng, chống tham nhũng và phòng, chống tiêu cực; kết hợp phòng, chống tham nhũng với chỉ đạo thực hiện phát triển kinh tế - xã hội, ổn định đời sống Nhân dân.
Ban Chỉ đạo tỉnh được thành lập sớm, đã kịp thời kiện toàn nhân sự, có sự thay đổi, điểu chuyển công tác các thành viên, thực hiện tốt lề lối làm việc, bảo đảm chế độ báo cáo thường xuyên lên Trung ương. Ban Chỉ đạo tỉnh đã tổ chức 8 phiên họp, cuộc họp; ban hành, chỉ đạo ban hành nhiều văn bản để triển khai các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và các kết luận của Tổng Bí thư, Trưởng Ban Chỉ đạo tại các phiên họp, cuộc họp Thường trực Ban Chỉ đạo. Đã chỉ đạo tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra các lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực hoặc có nhiều dư luận, đơn thư phản ánh, khiếu nại, tố cáo; kiểm tra, xử lý nghiêm các tổ chức đảng, đảng viên có dấu hiệu vi phạm hoặc có liên quan đến các vụ việc tham nhũng, tiêu cực theo yêu cầu của Ban Chỉ đạo và Ủy ban Kiểm tra Trung ương. Các vụ việc đưa vào diện theo dõi đều đích đáng, bảo đảm nguyên tắc không làm thay nhiệm vụ của các cơ quan.
Đặc biệt, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định ghi nhận sáng kiến của Hà Giang không chỉ Ban Chỉ đạo cấp tỉnh hoạt động tốt mà còn thành lập bộ phận ở huyện, ở xã do Bí thư cấp ủy lãnh đạo, thể hiện sự chỉ đạo đồng bộ của cấp ủy và trong cả hệ thống chính trị.
Các cấp ủy, các ngành trong tỉnh cũng đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện khá toàn diện, đầy đủ các biện pháp phòng ngừa tham nhũng, nhất là việc công khai, minh bạch về tổ chức và hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị tại địa phương, việc thực hiện cải cách hành chính, đổi mới công nghệ trong quản lý. Việc xây dựng và thực hiện định mức, tiêu chuẩn, chế độ; quy tắc ứng xử; chuyển đổi vị trí công tác; kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn tiếp tục được quan tâm. Công tác kiểm tra việc thực hiện các biện pháp phòng ngừa tham nhũng được chú trọng. Thực hiện nghiêm công tác cán bộ để phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Các cơ quan chuyên môn giúp cho Tỉnh ủy, Ban Chỉ đạo trong công tác phòng, chống tham nhũng đã phối hợp tốt, tham mưu công tác phòng, chống tham nhũng trên địa bàn tỉnh. Trong đó, Thanh tra tỉnh được Thanh tra Chính phủ đánh giá cao tập trung thanh tra các lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực, có nhiều dư luận; chú trọng công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo góp phần phát hiện, xử lý tham nhũng. Các cơ quan chức năng tiếp tục thực hiện nghiêm cơ chế chỉ đạo phối hợp trong phát hiện, xử lý tham nhũng, tiêu cực, chủ động chuyển những vụ việc phát hiện có dấu hiệu phạm tội sang cơ quan điều tra. Các cơ quan tiến hành tố tụng của tỉnh có nhiều cố gắng, tích cực điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng theo quy định của pháp luật; công tác tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố; khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng cơ bản được tuân thủ theo quy định của pháp luật. Công tác thu hồi tải sản thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án tham nhũng tiếp tục được quan tâm.
Bên cạnh đó, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực cũng cho rằng công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở địa phương vẫn còn có những tồn tại, việc thực hiện một số giải pháp phòng ngừa tham nhũng còn có những hạn chế.
Từ những kết quả đã đạt được và những hạn chế được nêu trong báo cáo, Đoàn công tác đề nghị các cơ quan hữu quan của tỉnh Hà Giang cần: Tiếp tục quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo quán triệt triển khai, thực hiện đầy đủ, kịp thời các văn bản chỉ đạo, các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, nhất là các yêu cầu về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ, trong công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật đảng, thanh tra, kiểm toán, trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án; về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác điều tra, xử lý các vụ án, vụ việc theo tinh thần Chỉ thị số 26-CT/TW ngày 9/11/2018 của Bộ Chính trị và Hướng dẫn số 04-HD/TW ngày 9/12/2020 của Ban Bí thư; về các biểu hiện của hành vi tham nhũng, tiêu cực theo Hướng dẫn số 25-HD/BCĐTW ngày 01/8/2022 của Ban Chỉ đạo. Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ thật sự gương mẫu, trong sạch, có bản lĩnh, trình độ, kiến thức để đáp ứng yêu cầu công việc trong tình hình mới.
Phát huy hơn nữa kết quả đã đạt được; kịp thời khắc phục tính hình thức trong việc thực hiện một số biện pháp phòng ngừa tham nhũng. Tăng cường cải cách hành chính, kỷ luật kỷ cương để phòng ngừa tham nhũng.
Tiếp tục quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo nhằm phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; chú trọng công tác dự báo, đánh giá tình hình để tập trung chỉ đạo thanh tra, kiểm tra những lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực trên địa bàn. Tăng cường công tác phối hợp giữa các cơ quan kiểm tra, thanh tra, điều tra, Viện kiểm sát và các cơ quan chức năng khác trong việc cung cấp thông tin sai phạm liên quan đến tham nhũng, tiêu cực để bảo đảm cho việc xử lý trách nhiệm kịp thời, đúng quy định. Quan tâm chỉ đạo đẩy mạnh công tác tự kiểm tra, tự phát hiện tham nhũng trong nội bộ.
Bên cạnh đó, cần tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh công tác điều tra, truy tố, xét xử các vụ án, xử lý các vụ việc tham nhũng trên địa bàn, nhất là các vụ án, vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo cấp tỉnh theo dõi, chỉ đạo. Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh yêu cầu các vụ án do Ban Chỉ đạo theo dõi chỉ đạo thì phải thật mẫu mực về mặt pháp luật, các quy định về thời hạn và quy trình tố tụng.
Tiếp tục nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức đảng, người đứng đầu các cấp đối với công tác thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế; xác định đây là nhiệm vụ quan trọng, xuyên suốt trong quá trình thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Nâng cao hơn nữa chất lượng thực thi công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Tiếp tục chỉ đạo đẩy mạnh việc thực hiện Chỉ thị số 10/CT-TTg ngày 22/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường xử lý, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc; kịp thời phát hiện, xử lý và báo cáo các trường hợp vi phạm. Trong đó có việc xử lý cán bộ đùn đẩy trách nhiệm, sợ sai, không dám làm.
Trước đó, chiều 06/12, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cùng thành viên Đoàn công tác, lãnh đạo tỉnh Hà Giang đã đến dâng hương, dâng hoa viếng các Anh hùng, Liệt sỹ tại Nghĩa trang Liệt sỹ quốc gia Vị xuyên và tại Đền thờ các Anh hùng, Liệt sỹ trên mặt trận Vị Xuyên ở điểm cao 468, thôn Nặm Ngặt, xã Thanh Thủy, huyện Vị Xuyên.
Trước anh linh các Anh hùng, Liệt sỹ, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cùng các đồng chí lãnh đạo tỉnh bày tỏ lòng tri ân và sự biết ơn vô hạn đối với những hy sinh cao cả của các Anh hùng, Liệt sỹ đã ngã xuống vì nền độc lập, tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân; khắc ghi những công lao to lớn của các Anh hùng, Liệt sỹ cùng nhiều thế hệ cha anh đi trước, tiếp tục phát huy truyền thống yêu nước, tinh thần cách mạng, quyết tâm đem hết sức mình để bảo vệ vững chắc chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc.
Một số hình ảnh tại buổi làm việc:
Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn/tintuc/pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?itemid=82960