Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh dự khai mạc Kỳ họp thứ 22, HĐND tỉnh Ninh Bình Khóa XV

Sáng 8/7, HĐND tỉnh Ninh Bình khóa XV, nhiệm kỳ 2021 – 2026 khai mạc trọng thể kỳ họp thứ 22 - kỳ họp thường lệ giữa năm theo luật định. Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh tham dự và phát biểu chỉ đạo tại phiên khai mạc.

Phát biểu khai mạc, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Ninh Bình Mai Văn Tuất cho biết, yêu cầu trọng tâm đặt ra tại Kỳ họp này là tập trung xem xét, đánh giá việc thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, quốc phòng an ninh trong 6 tháng đầu năm; xác định nhiệm vụ chủ yếu 6 tháng cuối năm, phấn đấu hoàn thành mục tiêu năm 2024, tạo tiền đề, nền tảng vững chắc và đột phá thực hiện thắng lợi các mục tiêu cho giai đoạn 2021-2025.

 Toàn cảnh phiên khai mạc Kỳ họp HĐND thứ 22.

Toàn cảnh phiên khai mạc Kỳ họp HĐND thứ 22.

Cùng với đó, HĐND tỉnh sẽ xem xét, thông qua 13 dự thảo nghị quyết, trong đó có chính sách hỗ trợ đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của cơ quan, tổ chức, đơn vị ở cấp huyện và cán bộ, công chức cấp xã, người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, thôn, tổ dân phố.

Tại Kỳ họp này, HĐND tỉnh sẽ thực hiện chất vấn 2 nhóm vấn đề mà cử tri quan tâm, gồm “Nhóm vấn đề về việc duy trì và phát triển các sản phẩm OCOP cấp tỉnh” và “Nhóm vấn đề về sắp xếp tổ chức bộ máy, thực hiện cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập thuộc ngành y tế”.

 Lãnh đạo tỉnh Ninh Bình tặng hoa chúc mừng Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh

Lãnh đạo tỉnh Ninh Bình tặng hoa chúc mừng Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh

Chủ tịch HĐND tỉnh Mai Văn Tuất đề nghị các đại biểu nêu cao tinh thần trách nhiệm, phát huy dân chủ, tập trung trí tuệ, tích cực thảo luận, đóng góp ý kiến để các nghị quyết thông qua có chất lượng, nhanh chóng được triển khai thực hiện; góp phần hoàn thành mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 và những năm tiếp theo, đáp ứng nguyện vọng của cử tri, nhân dân.

Phát biểu tại phiên khai mạc kỳ họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh thông tin khái quát nội dung, kết quả Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV vừa qua.

Đối với Ninh Bình, Phó Chủ tịch Quốc hội đánh giá, thời gian qua Đảng bộ, chính quyền, nhân dân đã đoàn kết, nỗ lực, vượt qua khó khăn, thách thức, đạt được kết quả quan trọng, toàn diện, đóng góp tích cực vào sự phát triển chung của đất nước. 6 tháng qua, tăng trưởng GRDP ước tăng 8,19%, đứng thứ 12 cả nước và xếp thứ 6/11 tỉnh, thành phố vùng Đồng bằng sông Hồng.

Thu ngân sách nhà nước dự kiến đạt gần 10.553 tỷ đồng, bằng 56,69,7% so với dự toán và tăng 22,25% so với cùng kỳ. Chỉ số cải cách hành chính PAR INDEX năm 2023 đạt 88,72%, xếp thứ 11/63 tỉnh, thành phố. Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh PAPI đạt 44,0721 điểm, xếp thứ 14/63 tỉnh, thành phố. Chỉ số đổi mới sáng tạo cấp địa phương PII đạt 43,39 điểm, xếp thứ 16/63 tỉnh, thành phố.

Thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh chúc mừng những kết quả mà đảng bộ, chính quyền và nhân dân Ninh Bình đạt được trong thời gian qua.

 Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh phát biểu chỉ đạo tại kỳ họp

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh phát biểu chỉ đạo tại kỳ họp

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh khẳng định, năm 2024 là năm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025 và hướng tới Đại hội XIV của Đảng, nhiều cơ hội và thách thức đan xen.

Để hoàn thành thắng lợi các nhiệm vụ đặt ra, HĐND tỉnh Ninh Bình tiếp tục xem xét quyết nghị những nội dung quan trọng để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng của địa phương. Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 218/QĐ-TTg phê duyệt quy hoạch tỉnh Ninh Bình thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 với một số nhiệm vụ trọng tâm, đột phá phát triển.

Đó là phát triển công nghiệp cơ khí ô tô, công nghiệp công nghệ cao, thân thiện môi trường là động lực cho tăng trưởng; du lịch, công nghiệp văn hóa là mũi nhọn gắn với những sản phẩm và dịch vụ cao cấp, đặc sắc, có giá trị thương hiệu cao; phát triển toàn diện văn hóa - xã hội; coi trọng văn hóa cơ sở, xây dựng nếp sống văn minh; bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của con người vùng đất cố đô.

Ninh Bình tập trung bảo quản, tu bổ, phục hồi, phát huy di sản Cố đô Hoa Lư và Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới Quần thể danh thắng Tràng An…, đến năm 2035 trở thành thành phố trực thuộc Trung ương với tính chất là thành phố di sản...

Để đạt được các mục tiêu trên, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh đề nghị Ninh Bình quan tâm một số nội dung trọng tâm. Trong đó, Ninh Bình cần nâng cao năng lực cụ thể hóa thực hiện có hiệu quả các nghị quyết của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ; đẩy mạnh tốc độ tăng trưởng kinh tế, phát huy các tiềm năng, lợi thế, huy động mọi nguồn lực để thực hiện hiệu quả 7 nhiệm vụ trọng tâm, đột phá phát triển đã được xác định.

Đồng thời nâng cao chất lượng công tác quy hoạch, quản trị phát triển đô thị theo hướng đồng bộ, hiện đại, trong đó có việc sáp nhập huyện Hoa Lư vào thành phố Ninh Bình, thực hiện đề án đưa thành phố Hoa Lư thành đô thị loại 1...

Ninh Bình cần nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả công tác giám sát nhất là việc rà soát kết quả thực hiện các kiến nghị sau giám sát. Cùng với đó là khẩn trương quán triệt, triển khai các luật và các nghị quyết vừa được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 7, chủ động xây dựng các cơ chế, chính sách phù hợp với thực tiễn của địa phương; đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật rộng rãi, tạo sự thống nhất trong nhận thức, bảo đảm hiệu quả triển khai khi các luật có hiệu lực thi hành.

Quan tâm quy hoạch đội ngũ cán bộ, chuẩn bị nhân sự cho nhiệm kỳ Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XXIII; bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XVI và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2026-2031. Cùng với đó, tỉnh sớm hoàn thành việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã, quan tâm thực hiện chính sách giải quyết lao động dôi dư, chính sách đãi ngộ đối với những người đương chức, người nghỉ hưu và người trong diện sắp xếp…

 Bí thư Tỉnh ủy Ninh Bình Đoàn Minh Huấn phát biểu tại kỳ họp.

Bí thư Tỉnh ủy Ninh Bình Đoàn Minh Huấn phát biểu tại kỳ họp.

Về nhiệm vụ trong thời gian tới của Ninh Bình, Bí thư Tỉnh ủy Đoàn Minh Huấn đề nghị các cấp, các ngành của tỉnh tập trung quán triệt, triển khai thực hiện Chỉ thị số 35- CT/TW của Bộ Chính trị về Đại hội Đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng; triển khai thực hiện hiệu quả các công việc liên quan đến công tác chuẩn bị và tổ chức Đại hội Đảng các cấp và Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh khóa XXIII, nhiệm kỳ 2025 - 2030 theo chỉ đạo, hướng dẫn của Trung ương.

Đặc biệt, tập trung cao, phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2024 đạt từ 8% trở lên; chú trọng thu hút có hiệu quả các dự án đầu tư, giải ngân đầu tư công gắn với tích cực cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; xây dựng Kế hoạch thực hiện Quy hoạch tỉnh Ninh Bình thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; hoàn thành việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2025…

Bí thư Tỉnh ủy Ninh Bình cũng lưu ý một số nội dung liên quan đến công tác triển khai thực hiện Quy hoạch tỉnh Ninh Bình thời kỳ 2020 - 2030 vừa được công bố, nhất là thực hiện nhất quán Chiến lược xây dựng Ninh Bình đến năm 2035 trở thành Thành phố trực thuộc Trung ương với đặc trưng đô thị di sản thiên niên kỷ, thành phố sáng tạo.

Trần Anh

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/pho-chu-tich-quoc-hoi-nguyen-thi-thanh-du-khai-mac-ky-hop-thu-22-hdnd-tinh-ninh-binh-khoa-xv-post302642.html