Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển: Không đưa ra những quy định gây cản trở việc thi hành Luật
Sáng 9/9, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, Phiên họp thứ 37 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều.
Tại Phiên họp, các đại biểu cơ bản nhất trí về sự cần thiết ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng chống thiên tai và Luật Đê điều như Tờ trình của Chính phủ.
Tuy nhiên, tình trạng gia tăng quy mô, loại hình, tần suất và diễn biến bất thường của thiên tai đã khiến cho thiệt hại do thiên tai ngày càng lớn (mỗi năm ở Việt Nam có tới trên 400 người bị thiệt mạng, thiệt hại vật chất chiếm tới 1,5% GDP, hạ tầng kỹ thuật bị phá hủy nghiêm trọng, ảnh hưởng lớn đến sinh kế, cuộc sống người dân). Do vậy, Thường trực Ủy ban Khoa học, công nghệ và Môi trường (KH,CN&MT) cho rằng việc sửa đổi, bổ sung dự án Luật lần này còn nhằm mục tiêu nâng cao sức chống chịu của nền kinh tế, giảm thiểu rủi ro thiên tai; bảo đảm tính chủ động trong phòng chống thiên tai; phát huy vai trò chủ đạo của Nhà nước và sự tham gia của khu vực tư nhân. Đồng thời, bảo đảm việc thực thi cam kết, thỏa thuận quốc tế; tận dụng tối đa nguồn lực hỗ trợ của các chính phủ, cộng đồng quốc tế cho công tác phòng chống thiên tai ở Việt Nam.
Ngoài ra, cũng có ý kiến cho rằng, đây là Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng chống thiên tai và Luật Đê điều nhưng các vấn đề cần sửa đổi bổ sung không liên quan đến nhau nên có thể tách riêng thành 2 Luật để thuận tiện cho việc theo dõi và tổ chức thực hiện sau này. Còn ý kiến khác đề nghị với Luật Đê điều đã có thực tiễn thực thi 12 năm, thì nên chăng xem xét để sửa đổi toàn diện.
Về việc thể chế hóa đường lối, chủ trương của Đảng và chính sách của Nhà nước trong lĩnh vực phòng chống thiên tai, đê điều và các cam kết, thỏa thuận quốc tế, Thường trực Ủy ban KH, CN&MT nhận thấy, nội dung của dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng chống thiên tai và Luật Đê điều đã cơ bản thể chế hóa đường lối, chủ trương, chính sách lớn của Đảng và Nhà nước về phòng chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu (BĐKH), quản lý và bảo vệ đê điều; nội luật hóa các cam kết, thỏa thuận quốc tế mà Việt Nam là thành viên…
Tuy nhiên, Dự thảo Luật cần thể hiện rõ nét hơn một số nội dung như: Đổi mới nhận thức và ý thức trách nhiệm về chủ động phòng, chống thiên tai “đặt yêu cầu về phòng, chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu… ở vị trí trung tâm của các quyết định phát triển”. Nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo thiên tai đến năm 2030 đạt trình độ ngang tầm với các nước tiến tiến trong khu vực; nâng cao năng lực tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn. Tập trung đầu tư công trình phòng, chống thiên tai, công trình đê điều; huy động mạnh mẽ mọi nguồn lực của xã hội, bảo đảm lợi ích hợp lý để thu hút các nhà đầu tư, kể cả các nhà đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực này đã được quy định trong các Nghị quyết của Đảng…
Về tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất của Dự thảo Luật với hệ thống pháp luật và tính tương thích với điều ước quốc tế, về cơ bản, các quy định trong Dự thảo Luật phù hợp với Hiến pháp, hệ thống pháp luật hiện hành, tương thích với pháp luật và các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
Tuy nhiên, Thường trực Ủy ban KH, CN&MT nhận thấy, trong Dự thảo Luật còn có một số nội dung chưa phù hợp với một số Luật hiện hành như: Quy định về điều tra cơ bản trong phòng chống thiên tai tại Khoản 9 Điều 1 (sửa đổi, bổ sung Điều 13a Luật Phòng chống thiên tai) còn trùng lặp với quy định về điều tra cơ bản trong Luật Thủy lợi, Luật Tài nguyên nước; quy định thẩm quyền huy động, quyên góp, tiếp nhận và phân bổ nguồn lực để cứu trợ khẩn cấp và hỗ trợ trung hạn tại Khoản 19 Điều 1 (sửa đổi bổ sung điểm c khoản 2 Điều 3 Luật Phòng chống thiên tai) còn chưa phù hợp với quy định của Luật Tổ chức Chính phủ, Luật Hoạt động chữ thập đỏ…
Các đại biểu đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu, rà soát thêm để phù hợp với các quy định của pháp luật hiện hành. Nhìn chung, các quy định trong Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng chống thiên tai và Luật Đê điều là bảo đảm tính khả thi. Tuy nhiên, các đại biểu cho rằng cần chỉnh sửa, quy định rõ hơn tại một số điều khoản như: Quy định về vật tư trang thiết bị chuyên dùng cho phòng chống thiên tai tại khoản 7 Điều 1 (sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 7 Luật Phòng chống thiên tai) gồm những loại vật tư nào, do cơ quan nào quy định để phù hợp với đặc thù thiên tai của các địa phương; quy định về thẩm quyền của Ban chỉ đạo Quốc gia về phòng chống thiên tai trong khắc phục hậu quả thiên tai tại Khoản 17 Điều 1 (sửa đổi, bổ sung điểm d khoản 2 Điều 30 Luật Phòng chống thiên tai) là không phù hợp với tổ chức hoạt động mang tính chất kiêm nhiệm mà nên là trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành…
Phát biểu thảo luận tại Phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, những người tham gia phòng chống thiên tai rất đa dạng, nhiều lực lượng trong đó có lực lượng dân quân tự vệ là nòng cốt. “Vậy cần xác định đào tạo lực lượng nào, huấn luyện ai, cung cấp thiết bị vật tư cho ai? Chính sách cho lực lượng dân quân tự vệ cấp xã sẽ như thế nào? Những gì quy định liên quan đến tiền bạc, đầu tư phải phù hợp với Luật Đầu tư công, đầu tư trung hạn”, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh.
Kết luận phần thảo luận dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng chống thiên tai và Luật Đê điều, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho biết: UBTVQH thống nhất cần thiết ban hành Luật và phạm vi điều chỉnh Luật theo tờ trình của Chính phủ. Cần rà soát lại Luật để phù hợp theo các Luật khác tránh xung đột, cũng như những quy định tránh chồng chéo.
“Việc huy động các nguồn lực cần nghiên cứu kỹ, cụ thể để tránh những quy định huy động giàn chải, lạm thu. Còn nhiều ý kiến khác nhau, nhưng riêng thành lập Quỹ thì cần tránh chồng chéo trong thu quỹ (Trung ương cũng thu, địa phương cũng thu), việc điều phối nguồn quỹ đó ra sao, tránh sự không công bằng”, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nói.
Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho rằng, nguồn lực huy động từ sức dân cần phải tính toán cho chặt chẽ, rà soát lại các loại hình thiên tai bởi xâm ngập mặn cũng là thiên tai cho nên cần rà soát lại các công trình đê, kè, cống… Rà soát lại đê điều, phòng chống thiên tai, quản lý bãi nổi, bãi bồi, nạo vét dòng sông, khai thác cát… cần có quy định nhưng phải đảm bảo tính thống nhất. Không được đưa ra những quy định thêm gây cản trở cho việc thi hành Luật.