Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương dự Phiên họp thẩm tra dự án Luật Đường bộ

Chiều 18.10, tại Nhà Quốc hội, tiếp tục phiên họp toàn thể của Ủy ban Quốc phòng và An ninh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương đã dự phiên họp về thẩm tra dự án Luật Đường bộ.

Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh, Trung tướng Lê Tấn Tới chủ trì phiên họp.

Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương phát biểu tại Phiên họp thẩm tra dự án Luật Đường bộ

Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương phát biểu tại Phiên họp thẩm tra dự án Luật Đường bộ

Tờ trình dự thảo Luật Đường bộ cho thấy, việc xây dựng dự thảo Luật nhằm thể chế hóa các chủ trương của Đảng và chính sách của Nhà nước trong việc phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng đường bộ, phát triển vận tải đường bộ nhằm đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, bảo đảm giao thông thông suốt, an toàn tại Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 16.1.2012 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Tạo cơ chế đột phá xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại hóa; ưu tiên phát triển một số công trình trọng điểm quốc gia về giao thông, thích ứng với biến đổi khí hậu theo Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng…

Thực tiễn cũng cho thấy, sau 13 năm thực hiện, Luật Giao thông đường bộ 2008 đã bộc lộ một số vướng mắc cần sửa đổi, bổ sung, đặc biệt là các quy định về cơ chế để huy động các nguồn lực xã hội trong việc xây dựng kết cấu hạ tầng đường bộ; ứng dụng, phát triển công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành hoạt động đường bộ… Do đó, việc xây dựng dự án Luật Đường bộ là hết sức cần thiết.

Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương phát biểu tại Phiên họp thẩm tra dự án Luật Đường bộ

Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương phát biểu tại Phiên họp thẩm tra dự án Luật Đường bộ

Dự thảo Luật gồm 6 chương, 92 điều. So với Luật Giao thông đường bộ năm 2008, dự thảo Luật có các điểm mới, như: bổ sung các chính sách phát triển đối với hoạt động đường bộ trên cơ sở các chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước; quy định về hệ thống giao thông thông minh, cơ sở dữ liệu đường bộ; phân biệt rõ hệ thống đường giao thông nông thôn, đường đô thị và hệ thống đường địa phương...

Đa số ý kiến Ủy ban Quốc phòng và An ninh tán thành sự cần thiết ban hành Luật Đường bộ nhằm tạo cơ sở pháp lý đầy đủ về hoạt động giao thông vận tải đường bộ, thúc đẩy sự phát triển giao thông đường bộ. Đồng thời, khắc phục những bất cập, hạn chế của Luật Giao thông đường bộ năm 2008, nhất là trong việc xác định trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong quản lý nhà nước về phát triển hạ tầng đường bộ, phương tiện giao thông đường bộ gắn với bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ… Một số ý kiến đề nghị, tiếp tục rà soát để bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống pháp luật, tương thích với điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam là thành viên.

Quang cảnh Phiên họp

Quang cảnh Phiên họp

Cơ bản nhất trí nội dung quy định về phân loại đường bộ theo cấp quản lý (Điều 10), đa số ý kiến cho rằng, quy định này phản ánh đúng thực trạng hệ thống đường bộ của nước ta hiện nay. Việc quy định các loại đường này trong dự thảo Luật nhằm xác định thẩm quyền, trách nhiệm quản lý hoạt động đường bộ và cũng là cơ sở để phân cấp, tổ chức thực hiện hoạt động bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ, nhất là việc xử lý trách nhiệm của các chủ thể khi xảy ra sự cố, tai nạn giao thông.

Phát biểu tại Phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương đánh giá cao các ý kiến phát biểu đều đi vào các nội dung quan trọng của dự thảo Luật Đường bộ. Tuy nhiên, Phó Chủ tịch Quốc hội cho biết, đây là dự thảo Luật được xây dựng song song với dự thảo Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ nên cần tiếp tục rà soát, làm rõ hơn nội hàm, phạm vi điều chỉnh và từng nội dung cụ thể để quy định trong mỗi dự thảo Luật cho phù hợp, hạn chế chồng chéo, trùng lặp. Phó Chủ tịch Quốc hội đồng thời lưu ý, những nội dung nào đã chín, đã rõ cần quy định ngay để luật sớm đi vào cuộc sống, hạn chế việc giao Chính phủ quy định chi tiết. Ủy ban Quốc phòng và An ninh tiếp thu tối đa các ý kiến để hoàn thiện báo cáo thẩm tra dự án Luật trước khi trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ Sáu.

Tin và ảnh: Thành Trung

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/thoi-su-quoc-hoi/pho-chu-tich-quoc-hoi-thuong-tuong-tran-quang-phuong-du-phien-hop-tham-tra-du-an-luat-duong-bo--i346800/