Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương dự Tọa đàm về quản lý tàu bay không người lái, phương tiện bay siêu nhẹ
Sáng 9.8, tại Nhà Quốc hội, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương dự Tọa đàm thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý tàu bay không người lái, phương tiện bay siêu nhẹ và bảo đảm an toàn phòng không.
Cùng dự và chủ trì Tọa đàm có Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh, Trung tướng Nguyễn Hải Hưng; các chuyên gia, nhà khoa học, tổ biên tập dự án Luật Phòng không nhân dân…
Phát biểu đề dẫn tọa đàm, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Nguyễn Hải Hưng mong muốn, qua Tọa đàm sẽ có thêm cơ sở lý luận chính trị, pháp lý, khoa học và thực tiễn vững chắc để hoàn thiện dự thảo Luật Phòng không nhân dân, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại Phiên họp tháng 8. Đồng thời cung cấp thông tin cho các ĐBQH, Đoàn ĐBQH, các cơ quan của Quốc hội trong quá trình cho ý kiến, xem xét thông qua dự thảo Luật này.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh cho biết, tàu bay không người lái và phương tiện bay siêu nhẹ đang được sử dụng rộng rãi cho cả mục đích quân sự và dân sự. Trong lĩnh vực dân sự, đã có sự phát triển, ứng dụng nhanh chóng, thị trường về phương tiện này tăng trưởng theo cấp số nhân và được sử dụng rộng rãi trong lĩnh vực kinh tế - xã hội. Tàu bay không người lái, phương tiện bay siêu nhẹ trong hoạt động quân sự không chỉ là phương tiện trinh sát mà còn đảm nhiệm nhiều nhiệm vụ khác như tấn công, tình báo, gây nhiễu, vận tải… và được trang bị trong nhiều lực lượng hải quân, không quân, lục quân…
Lưu ý, nội dung về tàu bay không người lái và phương tiện bay siêu nhẹ và bảo đảm an toàn phòng không đang được quy định trong Chương IV, Chương V của dự thảo Luật Phòng không nhân dân, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh đề nghị, các đại biểu, chuyên gia, nhà khoa học góp ý về khái niệm tàu bay không người lái, phương tiện bay siêu nhẹ; nhập khẩu, xuất khẩu, tạm nhập tái xuất, tạm xuất tái nhập tàu bay không người lái, phương tiện bay siêu nhẹ; thiết kế, sửa chữa, bảo dưỡng, thử nghiệm, kinh doanh tàu bay không người lái, phương tiện bay siêu nhẹ; đăng ký, khai thác, sử dụng, đình chỉ chuyến bay của tàu bay không người lái, phương tiện bay siêu nhẹ…
Tại tọa đàm, các đại biểu nhấn mạnh, quản lý nhà nước về tàu bay không người lái, phương tiện bay siêu nhẹ là nội dung khó, phức tạp, liên quan đến nhiều lĩnh vực, thẩm quyền và trách nhiệm của nhiều cơ quan, tổ chức, cá nhân, do vậy cần có sự nghiên cứu sâu, thận trọng, đáp ứng yêu cầu thực tiễn và có tính dự báo cao trong xu thế phát triển nhanh chóng của khoa học, công nghệ và của tàu bay không người lái, phương tiện bay siêu nhẹ trong lĩnh vực quốc phòng, quân sự và cả trong lĩnh vực dân sự.
Có ý kiến lưu ý, thời gian qua đã diễn ra rất nhiều lễ hội bay khinh khí cầu, trong khi đó đây cũng là một phương tiện bay, cần được quan tâm, quản lý. Bên cạnh đó, cần quan tâm đến việc phát triển ngành chế tạo máy bay không người lái, phương tiện bay siêu nhẹ, đây cũng là xu thế của nền công nghiệp 4.0; xử lý khi xảy ra tai nạn đối với tàu bay không người lái và phương tiện bay siêu nhẹ…
Phát biểu kết luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh tiếp thu đầy đủ các ý kiến phát biểu, tiếp tục làm rõ cơ sở chính trị, cơ sở pháp lý của dự thảo Luật Phòng không nhân dân, luật hóa Nghị định 36/2008/NĐ -CP của Chính phủ về quản ý tàu bay không người lái và các phương tiện bay siêu nhẹ.
Phó Chủ tịch Quốc hội lưu ý, tàu bay không người lái và các phương tiện bay siêu nhẹ đã trở nên phổ biến không chỉ trong lĩnh vực dân sự, mà còn trong lĩnh vực quốc phòng và an ninh (có thể tấn công bất cứ đâu, bất cứ lúc nào), thậm chí có trường hợp phương tiện dân sự là tàu bay không người lái, các phương tiện bay siêu nhẹ được cải hóa, được giao nhiệm vụ; phương tiện tàu bay không người lái, các phương tiện bay siêu nhẹ là vũ khí quân sự dùng cho mục đích quân sự. "Chúng ta không chỉ phòng không trong thời chiến mà còn phòng không trong thời bình, nhằm bảo vệ vùng trời, bảo vệ đời sống của người dân", Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, Phó Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị, cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra cần nghiên cứu, làm rõ phương tiện bay không người lái là quản lý hay phòng, chống? Nếu là Luật Phòng không nhân dân thì có phải phạm vi điều chỉnh chỉ nên là phòng ngừa, phòng chống, khắc phục hậu quả hay không để tránh trùng lặp với các luật khác. Theo Phó Chủ tịch Quốc hội, cần làm rõ điều kiện khai thác bay, thẩm quyền cấp phép theo hướng căn cứ vào mục đích bay, phạm vi bay, tính năng, chiến thuật của từng loại phương tiện, mức độ rủi ro, khả năng chế áp đối với phương tiện…; nghiên cứu giao Chính phủ quy định chi tiết về nội dung này.