Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương làm việc với UBND tỉnh Phú Thọ

Chiều 06/9, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương đã dự cuộc làm việc với UBND tỉnh Phú Thọ về việc tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.

Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương phát biểu

Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương phát biểu

Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh, Trung tướng Lê Tấn Tới chủ trì cuộc làm việc.

Cùng dự có các Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh; Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ Bùi Văn Quang; Đoàn ĐBQH và các sở, ngành tỉnh Phú Thọ.

Phát biểu tại cuộc làm việc, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới nêu rõ, dự thảo Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ sau khi tiếp thu, chỉnh lý có nhiều quy định có liên quan đến trách nhiệm của chính quyền địa phương các cấp, trách nhiệm của người đứng đầu cơ sở, chủ hộ gia đình, cá nhân có liên quan. Do đó, đề nghị, UBND tỉnh Phú Thọ làm rõ những khó khăn, vướng mắc, bất cập trong hoạt động phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; đồng thời, đánh giá sự phù hợp và tính khả thi của các quy định trong dự thảo Luật có liên quan trực tiếp đến hoạt động, nhiệm vụ của địa phương, đề xuất nội dung cần bổ sung (nếu có) để bảo đảm tính khả thi của dự luật.

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh, Trung tướng Lê Tấn Tới phát biểu

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh, Trung tướng Lê Tấn Tới phát biểu

Báo cáo tại cuộc làm việc, đại diện UBND tỉnh Phú Thọ cho biết, thời gian qua, địa phương đã kịp thời ban hành các văn bản, quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc các nhiệm vụ, giải pháp đề ra trong công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.

Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ Bùi Văn Quang phát biểu

Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ Bùi Văn Quang phát biểu

UBND tỉnh Phú Thọ cũng đã chỉ đạo đổi mới, nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức, giáo dục pháp luật phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, trọng tâm tăng thời lượng, đẩy mạnh công tác tuyên truyền trực quan, sinh động đến từng cơ sở, người dân trên địa bàn. Tổ chức 15 cuộc kiểm tra liên ngành và đã tiến hành kiểm tra an toàn phòng cháy, chữa cháy tại 12.449 lượt cơ sở quản lý. Triển khai 2 chuyên đề kiểm tra an toàn PCCC các cơ sở sản xuất, kho hàng hóa trong khu công nghiệp, cụm công nghiệp và khu dân cư… Qua công tác kiểm tra đã kịp thời phát hiện, xử phạt vi phạm hành chính về phòng cháy, chữa cháy 729 trường hợp, phạt tiền trên 2,8 tỷ đồng; ra quyết định tạm đình chỉ, đình chỉ hoạt động đối với 35 cơ sở vi phạm.

Các đại biểu dự cuộc làm việc

Các đại biểu dự cuộc làm việc

Góp ý về dự thảo Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, UBND tỉnh Phú Thọ đề nghị, cần quy định phân định trách nhiệm của cơ quan chuyên môn về xây dựng, đăng kiểm và cơ quan Công an trong tổ chức thẩm định, kiểm tra công tác nghiệm thu về phòng cháy, chữa cháy; đề xuất giao cơ quan Công an thực hiện các hoạt động cấp phép cuối cùng để bảo đảm đồng bộ, khả thi, thuận lợi trong công tác kiểm tra về phòng cháy, chữa cháy. Đối với những nội dung mang tính ổn định, tiếp tục rà soát, cụ thể hóa ngay tại dự thảo Luật, hạn chế những nội dung giao Chính phủ hoặc Bộ trưởng Bộ Công an quy định chi tiết…

Quang cảnh cuộc làm việc

Quang cảnh cuộc làm việc

Phát biểu tại cuộc làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương ghi nhận những kết quả đạt được của UBND tỉnh Phú Thọ trong việc triển khai các hoạt động phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, qua đó, góp phần bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản vật chất cho người dân và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Ghi nhận các kiến nghị, đề xuất của UBND tỉnh Phú Thọ đối với dự thảo Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị, địa phương tiếp tục nghiên cứu, làm rõ một số nội dung trong dự thảo Luật, như: trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trong hoạt động phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ (Điều 7); áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật trong hoạt động phòng cháy, chữa cháy (Điều 10); về xử lý đối với các cơ sở, công trình không bảo đảm yêu cầu về phòng cháy và chữa cháy được đưa vào sử dụng trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành (Điều 58)…

Phó Chủ tịch Quốc hội lưu ý, để nâng cao hiệu quả công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, Phú Thọ cần tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, vận động và tổ chức triển khai thực hiện tốt các quy định của pháp luật về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; sơ kết, tổng kết rút kinh nghiệm để kịp thời nhân rộng các điển hình, cách làm hay trong cộng đồng; tăng cường công tác kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm…

Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn/pho-chu-tich/pages/pct-tran-quang-phuong.aspx?itemid=88989