PHÓ CHỦ TỊCH QUỐC HỘI TRẦN QUANG PHƯƠNG: PHÁT HUY TINH THẦN 'NGƯỜI CHIẾN SỸ' TRÊN MẶT TRẬN NGOẠI GIAO CÂY TRE
Trong chuyến công tác tại Thụy Sĩ tham dự Đại hội đồng Liên minh Nghị viện thế giới IPU-148, tối ngày 24/3 theo giờ địa phương, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cùng các đại biểu Quốc hội và thành viên trong Đoàn đã gặp, nói chuyện với cán bộ Phái đoàn Thường trực Việt Nam tại Geneva.
Được thành lập năm 1974, Phái đoàn Thường trực Việt Nam tại Geneva đã có nhiều đóng góp quan trọng cho hoạt động đối ngoại và thành tựu chung của đất nước. Thời gian qua, Phái đoàn nỗ lực nâng cao vai trò, tiếng nói của Việt Nam là thành viên tích cực, có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế, góp phần thúc đẩy hợp tác đa phương, tăng cường quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và các tổ chức quốc tế, chính quyền sở tại và Phái đoàn các nước. Ghi nhận những ý kiến, mong muốn của các cán bộ Phái đoàn, các đại biểu Quốc hội thành viên của Đoàn, đại diện cho các Ủy ban của Quốc hội cũng coi đây là cuộc tiếp xúc cử tri đặc biệt nhằm ghi nhận kiến nghị của những cử tri ở xa tổ quốc.
Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương vui mừng, đánh giá cao những kết quả Phái đoàn Thường trực Việt Nam tại Geneva đã làm được. Trong bối cảnh thế giới thay đổi nhanh chóng, Phó Chủ tịch Quốc hội mong muốn và đề nghị mỗi cán bộ ngoại giao cần tiếp tục nâng cao trình độ, phát huy tinh thần “người chiến sỹ” trên mặt trận ngoại giao.
"Trong thời bình, mặt trận kinh tế và mặt trận ngoại giao là hai mặt trận rất quan trọng. Vì vậy cơ quan đại diện ngoại giao chính là những binh đoàn, những chiến sỹ ngoài mặt trận. Từ đó triển khai đường lối đối ngoại của Đảng và lan tỏa tinh thần ngoại giao cây tre như Tổng bí thư đã kết luận tại Hội nghị đối ngoại mới đây. Gốc vững, thân chắc, nhưng cành uyển chuyển, mang cốt cách và tâm hồn người Việt Nam trong hoạt động ngoại giao của mình", Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương nhấn mạnh.
Chia sẻ với những khó khăn của các cán bộ ngoại giao, Phó Chủ tịch Quốc hội cũng đồng tình cần nghiên cứu để có các chính sách đặc thù, phù hợp về trước mắt và lâu dài đối với các cơ quan đại diện ngoại giao và cán bộ ngoại giao ở nước ngoài, bởi đây là những đại diện cho bộ mặt của đất nước.
Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, đây là cuộc tiếp xúc cử tri rất đặc biệt, hữu ích ở ngoài nước, vì vậy đề nghị các đại biểu Quốc hội là thành viên các Ủy ban của Quốc hội tiếp tục nghiên cứu để sửa đổi, hoàn thiện chính sách pháp luật về các vấn đề mà cử tri là các cán bộ ngoại giao nêu lên./.
Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn//cacvilanhdao/pages/hoat-dong.aspx?itemid=85603