PHÓ CHỦ TỊCH THƯỜNG TRỰC QUỐC HỘI TRẦN THANH MẪN LÀM VIỆC VỚI BAN CÔNG TÁC ĐẠI BIỂU VỀ DỰ THẢO NGHỊ QUYẾT HƯỚNG DẪN GIÁM SÁT CỦA HĐND CÁC CẤP
Cuối giờ chiều ngày 5/8, tại Nhà Quốc hội, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn làm việc với Ban Công tác đại biểu thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội về dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về hướng dẫn giám sát của Hội đồng nhân dân các cấp.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn: Tiếp tục phát huy trí tuệ tập thể, chuyên gia trong hoạt động chuyên môn
Dự buổi làm việc có Trưởng ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh - Phó Trưởng Ban tổ chức Trung ương, Trưởng ban soạn thảo dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về hướng dẫn giám sát của Hội đồng nhân dân các cấp; Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Trần Hồng Nguyên - Phó Trưởng ban soạn thảo; cùng đại diện lãnh đạo Văn phòng Quốc hội; lãnh đạo Ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội; đại diện lãnh đạo một số Vụ thuộc Văn phòng Quốc hội.
Phát biểu tại buổi làm việc, Trưởng ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh - Trưởng ban soạn thảo cho biết, triển khai thực hiện nhiệm vụ được phân công, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 272/NQ-UBTVQH15 thành lập Ban soạn thảo và Tổ biên tập xây dựng “Nghị quyết hướng dẫn một số hoạt động giám sát của Hội đồng nhân dân”. Sau quá trình nghiên cứu xây dựng dự thảo, Ban soạn thảo đã tổ chức lấy ý kiến thành viên Ban soạn thảo, một số chuyên gia, xin ý kiến Thường trực Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội, các cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, một số cơ quan thuộc Chính phủ và xin ý kiến Thường trực Hội đồng nhân dân 63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương... Căn cứ các ý kiến góp ý, Ban soạn thảo đã tiếp thu tối đa các ý kiến và giải trình những vấn đề còn ý kiến khác nhau. Hồ sơ dự thảo Nghị quyết cơ bản hoàn thiện và đủ điều kiện trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Theo đó, phạm vi hướng dẫn của Nghị quyết về trình tự, thủ tục, trách nhiệm của các cơ quan trong xây dựng chương trình, kế hoạch, tổ chức thực hiện, báo cáo kết quả thực hiện chương trình giám sát và xem xét việc thực hiện nghị quyết, kết luận, kiến nghị sau giám sát của Hội đồng nhân dân; hoạt động chất vấn tại kỳ họp Hội đồng nhân dân và chất vấn, giải trình tại phiên họp Thường trực Hội đồng nhân dân; giám sát chuyên đề của Hội đồng nhân dân, Thường trực Hội đồng nhân dân, các Ban của Hội đồng nhân dân; hoạt động giám sát của Tổ đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện và giám sát của đại biểu Hội đồng nhân dân.
Trưởng ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh cho biết, trong quá trình xây dựng dự thảo Nghị quyết, quá trình tiếp thu, tổng hợp ý kiến góp ý của các địa phương và các cơ quan hữu quan, còn một số nội dung cần xin ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Tại buổi làm việc, các đại biểu cho ý kiến về: Việc bổ sung nội dung hướng dẫn Hội đồng nhân dân giám sát phòng chống tham nhũng, tiêu cực theo Kế hoạch số 555-KH/ĐĐQH15 của Đảng đoàn Quốc hội; Việc tham mưu, phục vụ hoạt động giám sát của các Ban của Hội đồng nhân dân; Việc xác định tính pháp lý của văn bản của Tổ đại biểu Hội đồng nhân dân; Về chế tài xử lý đối với các tổ chức, cá nhân không nghiêm túc thực hiện Nghị quyết, Kết luận sau giám sát của Hội đồng nhân dân, Ban của Hội đồng nhân dân; Một số quy định liên quan đến hoạt động giám sát tại các địa phương thực hiện và thí điểm thực hiện mô hình chính quyền đô thị; Việc hướng dẫn hoạt động giám sát chuyên đề của Ban của Hội đồng nhân dân cấp xã.
Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn khẳng định, qua xem văn bản gửi xin ý kiến, dự thảo Tờ trình, các báo cáo và nhiều ý kiến góp ý, Nghị quyết đã cơ bản đáp ứng được yêu cầu. Tuy nhiên, những vấn đề về đổi mới nội dung, cách thức tổ chức thực hiện cần phải được thảo luận kỹ như các ý kiến tại buổi làm việc, để khi ban hành Nghị quyết phải khả thi, sát với thực tiễn.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn yêu cầu, sau cuộc họp này, Ban soạn thảo tiếp tục rà soát, không để sơ xuất về tư liệu, hồ sơ trình, thể thức văn bản; tuyệt đối không để sai câu, sai từ, ý tứ. Mục đích cuối cùng là ban hành được Nghị quyết; khi báo cáo Đảng đoàn Quốc hội cho ý kiến cần nêu rõ: còn những vấn đề gì có ý kiến khác nhau, cái gì mới, cái gì bỏ; giải trình cụ thể đã xin ý kiến những ai, tiếp thu cái gì, chưa tiếp thu cái gì, lý do vì sao; tinh thần là những vấn đề rõ, chắc thì mới đề xuất; đề xuất phải có căn cứ, lý lẽ thuyết phục.
Thời gian trình Đảng đoàn Quốc hội cho ý kiến không còn nhiều, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị các thành viên trong Ban soạn thảo tập trung cao nhất sửa đổi, bổ sung để Ủy ban Thường vụ thông qua Nghị quyết.
Cổng Thông tin điện tử Quốc hội trân trọng giới thiệu một số hình ảnh tại cuộc họp:
Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn/tintuc/pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?itemid=67209