Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hoàng Gia Long thăm và làm việc tại Cộng hòa Liên bang Đức

BHG - Nhận lời mời của lãnh đạo Đại học Phát triển bền vững Eberswalde (CHLB Đức), từ ngày 23 - 29.9, Đoàn công tác của tỉnh Hà Giang và trường Đại học Kinh tế & Quản trị Kinh doanh – Đại học Thái Nguyên (tổ chức chủ trì hoạt động nghiên cứu và tư vấn phát triển du lịch theo hướng tuần hoàn cho tỉnh Hà Giang) đã đến học tập kinh nghiệm và nghiên cứu mô hình thực tế về du lịch theo hướng kinh tế tuần hoàn (KTTH) tại vùng Eberswalde (CHLB Đức) và trao đổi các chương trình hợp tác để phát triển bền vững lĩnh vực du lịch của tỉnh Hà Giang trong thời gian tới. Tham gia Đoàn công tác có các đồng chí: Hoàng Gia Long, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; PGS.TS Đỗ Anh Tài, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng trường Đại học Kinh tế & Quản trị Kinh Doanh – Đại học Thái Nguyên; PGS.TS Đỗ Hương Lan, Phó Giám đốc Trung tâm Khởi nghiệp và Sáng tạo xã hội, Trường Đại học Kinh tế quốc dân Hà Nội cùng một số cán bộ đại diện các đơn vị chức năng quản lý lĩnh vực du lịch của tỉnh...

Đại học Phát triển bền vững Eberswalde (CHLB Đức) được thành lập vào năm 1830. Trải qua hơn 190 năm phát triển, trường đã trở thành Đại học uy tín, hàng đầu tại Đức về đào tạo, nghiên cứu và tư vấn chính sách trong lĩnh vực phát triển bền vững, KTTH, quản lý du lịch bền vững…

Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm.

Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm.

Trong thời gian công tác tại đây, Đoàn công tác đã có những ngày làm việc và thảo luận với lãnh đạo và các chuyên gia của Đại học Phát triển bền vững Eberswalde với chủ đề “Phát triển du lịch bền vững theo hướng kinh tế tuần hoàn: Quan điểm của các quốc gia, sự phối hợp và các cơ hội hợp tác”.

Phát biểu tại các buổi làm việc, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hoàng Gia Long chia sẻ: Hà Giang có cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ có giá trị đặc sắc về địa chất, địa hình; thời tiết, khí hậu quanh năm ôn hòa, mát mẻ và các phẩm vật của địa phương tốt cho sức khỏe, thân thiện với môi trường. Là vùng đất có lịch sử văn hóa lâu đời, có những đặc trưng văn hóa riêng mang đậm nét văn hóa của vùng miền và của từng dân tộc với nhiều lễ hội, di tích lịch sử, văn hóa, kiến trúc, tín ngưỡng, tôn giáo, khảo cổ… Với đầy đủ lợi ích về tài nguyên sinh thái tự nhiên và nhân văn, Hà Giang có khả năng phát triển tất cả các loại hình du lịch, từ tham quan, khám phá, trải nghiệm, sinh thái đến nghiên cứu, hoạt động khoa học, giáo dục... Dù tiềm năng để phát triển du lịch còn rất lớn, song lãnh đạo tỉnh đang rất trăn trở để tìm ra các chiến lược, giải pháp và mô hình phù hợp để phát triển du lịch bền vững dựa trên cơ sở gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc cũng như địa mạo, sự hùng vĩ thiên nhiên ban tặng cho Hà Giang, đồng thời nâng cao giá trị sản phẩm đặc hữu của địa phương và tạo sinh kế bền vững cho người dân. Du lịch tuần hoàn là khái niệm mới, có tính bền vững cao, phù hợp với xu hướng phát triển mà tỉnh Hà Giang có tiền đề để triển khai hiệu quả.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hoàng Gia Long trao đổi với Giáo sư Mattias Barth – Hiệu trưởng Đại học Phát triển bền vững Eberswalde.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hoàng Gia Long trao đổi với Giáo sư Mattias Barth – Hiệu trưởng Đại học Phát triển bền vững Eberswalde.

Phát biểu với Đoàn công tác, Giáo sư Hans Peter Benedick, Trưởng khoa Kinh doanh bền vững và Giáo sư Uwe Demele, Chuyên gia về quản lý du lịch bền vững đã chia sẻ về quan điểm và kinh nghiệm của CHLB Đức trong việc phát triển du lịch bền vững theo hướng tuần hoàn. “Du lịch tuần hoàn” là một chuỗi cung ứng, hoạt động, trải nghiệm khép kín, có tính liên hoàn, bổ sung cho nhau. Mục tiêu cao hơn của du lịch tuần hoàn là thông qua các mô hình, sản phẩm nhằm giảm thiểu rác thải, phục dựng tài nguyên; chú trọng giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường bằng cách sử dụng các phương thức sáng tạo nhằm tối đa hóa vòng đời của tất cả những tài nguyên du lịch đã sử dụng… hướng đến du lịch xanh và bền vững. Việc phát triển du lịch theo hướng KTTH có thể thúc đẩy hoạt động du lịch xanh – sinh thái nông nghiệp bền vững, giải quyết được sự khan hiếm tài nguyên, khuyến khích việc cung ứng sản phẩm địa phương, giảm thiểu chất thải, hạn chế sử dụng các nguồn nguyên liệu hóa thạch, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu và mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần đạt được nhiều mục tiêu, chỉ tiêu yêu cầu thuộc các mục tiêu phát triển bền vững quốc gia và vùng, khu vực... Cần có chính sách, cơ chế liên kết giữa các bên liên quan để gắn bó trách nhiệm và lợi ích một cách khoa học, phù hợp, minh bạch và hài hòa trong phát triển phát triển du lịch theo hướng KTTH. Cần thiết lập một hệ sinh thái số hỗ trợ du lịch tuần hoàn, kết nối doanh nghiệp với cơ sở lưu trú, với người nông dân, thợ thủ công bản địa hướng đến việc bảo vệ lâu dài bản sắc văn hóa dân tộc thông qua thực hành thiết kế sinh thái, bảo tồn năng lượng, cung cấp các cơ sở dịch vụ xanh, chất thải xử lý sinh thái và tiêu dùng xanh.

Giáo sư Hans Peter Benedick – Trưởng khoa Khoa Kinh doanh bền vững, Giáo sư Uwe Demele – Chuyên gia về quản lý du lịch bền vững chia sẻ kinh nghiệm tại buổi làm việc.

Giáo sư Hans Peter Benedick – Trưởng khoa Khoa Kinh doanh bền vững, Giáo sư Uwe Demele – Chuyên gia về quản lý du lịch bền vững chia sẻ kinh nghiệm tại buổi làm việc.

Trong chuyến công tác, Đoàn cũng đã tham quan mô hình thực tế về du lịch theo hướng KTTH tại vùng Eberswalde; các mô hình nghiên cứu sáng tạo, điển hình tại Đại học Phát triển bền vững Eberswalde. Những trao đổi, thảo luận đã cung cấp kinh nghiệm quý báu trong phát triển du lịch bền vững theo hướng KTTH.

Qua chuyến công tác này đã mở ra nhiều cơ hội hợp tác giữa Đại học Phát triển bền vững Eberswalde (CHLB Đức), tỉnh Hà Giang và trường Đại học Kinh tế & Quản trị Kinh doanh trong thời gian tới.

Tin, ảnh: CTV

Nguồn Hà Giang: http://baohagiang.vn/thoi-su-chinh-tri/202309/pho-chu-tich-thuong-truc-ubnd-tinh-hoang-gia-long-tham-va-lam-viec-tai-cong-hoa-lien-bang-duc-89a0890/