Phó Chủ tịch Thường trực UBND TPHCM Lê Hòa Bình: Phải tạo chuyển biến khi giải quyết 26 kiến nghị của huyện Hóc Môn

Trưa 15-3, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TPHCM Lê Hòa Bình duyệt kế hoạch công tác năm 2022 của UBND huyện Hóc Môn.

Phát biểu tại buổi duyệt kế hoạch, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TPHCM Lê Hòa Bình yêu cầu các sở, ngành tập trung phối hợp giải quyết 26 kiến nghị của UBND huyện Hóc Môn, trọng tâm là về đô thị, quy hoạch.

Trong đó, 4 Sở Tài nguyên – Môi trường, Sở Quy hoạch – Kiến trúc, Sở Xây dựng, Sở Giao thông – Vận tải, ngay sau cuộc họp phải trả lời cụ thể các vấn đề mà huyện Hóc Môn kiến nghị; đồng thời, trong vòng 2 tuần, sắp xếp buổi làm việc trực tiếp với huyện nhằm sớm giải quyết các khó khăn của huyện. Riêng đối với dự án Vành đai 3, Sở Giao thông – Vận tải phải chủ trì, nhanh chóng cùng các đơn vị liên quan sớm hoàn tất kế hoạch chi tiết thực hiện. Huyện Hóc Môn cũng cần chủ động phối hợp với các sở, ngành để tạo ra sự chuyển biến trong giải quyết các vấn đề.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND TPHCM Lê Hòa Bình yêu cầu các sở, ngành tập trung phối hợp giải quyết 26 kiến nghị của UBND huyện Hóc Môn. Ảnh: VIỆT DŨNG

Phó Chủ tịch Thường trực UBND TPHCM Lê Hòa Bình yêu cầu các sở, ngành tập trung phối hợp giải quyết 26 kiến nghị của UBND huyện Hóc Môn. Ảnh: VIỆT DŨNG

Phó Chủ tịch Thường trực UBND TPHCM Lê Hòa Bình lưu ý, các sở ngành và huyện Hóc Môn phải có trách nhiệm, tránh để việc điều chỉnh quy hoạch vô tình làm ảnh hưởng đến sự phát triển của doanh nghiệp và gây ra khó khăn cho người dân.

Đối với kiến nghị xem xét cho huyện Hóc Môn xây dựng các công trình phụ trợ trên đất nông nghiệp nhằm đáp ứng nhu cầu sản xuất nông nghiệp tại địa phương, đồng chí Lê Hòa Bình nhắc nhở Sở Xây dựng TPHCM và các địa phương phải lưu ý trong quá trình triển khai thực hiện.

Trước đó, các huyện rất bức bối về nhu cầu xây dựng công trình phụ trợ trên đất nông nghiệp, nhưng khi có đề án cho 3 huyện Củ Chi, Cần Giờ và Nhà Bè được thí điểm thực hiện thì qua 1 năm triển khai lại không có dự án nào làm được. Từ đó, đồng chí đặt ra vấn đề thực sự có phải là do không có quy định cho phép thí điểm hay không, hay là do việc triển khai trên thực tế không đạt yêu cầu?

Theo Phó Chủ tịch Thường trực UBND TPHCM Lê Hòa Bình, Sở Xây dựng TPHCM và địa phương phải có câu trả lời cụ thể cho việc này, có thực hiện được hay không? Và đối với huyện Hóc Môn, cần mạnh dạn đề xuất và cố gắng thực hiện được ít nhất ở 1 xã.

Trước đó, đại diện UBND huyện Hóc Môn báo cáo về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 và gửi 26 đề xuất, kiến nghị tới UBND TPHCM.

Để thực hiện nhiệm vụ xây dựng huyện Hóc Môn trở thành quận theo Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện Hóc Môn nhiệm kỳ 2020-2025, UBND huyện Hóc Môn kiến nghị Sở Quy hoạch – Kiến trúc, UBND TPHCM chấp thuận chủ trương quy hoạch toàn bộ huyện Hóc Môn theo định hướng phát triển đô thị, cho phép UBND huyện lập, trình duyệt phủ kín quy hoạch đô thị (quy hoạch phân khu) đối với các khu vực còn lại chưa có quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000.

Cụ thể, trên cơ sở đánh giá kỹ về hiện trạng, dự báo tình hình phát triển kinh tế - xã hội, các dự án đầu tư công… sẽ đề xuất các loại hình đô thị phù hợp, lưu ý chú trọng đến phát triển đô thị sinh thái, đô thị thông minh theo định hướng phát triển về hướng Tây Bắc của thành phố. Tận dụng những quỹ đất còn tiềm năng để bố trí các khu vực đô thị và dân cư mới đảm bảo đầy đủ chỉ tiêu về hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật góp phần tái cấu trúc chỉnh trang đô thị huyện Hóc Môn nói riêng và góp phần giãn dân cho các khu vực nội thành của thành phố nói chung.

Để có cơ sở phủ kín quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2.000 trên địa bàn huyện, UBND huyện kiến nghị UBND TPHCM chấp thuận và đề xuất Thủ tướng Chính phủ đồng ý về chủ trương và cập nhật trong quá trình điều chỉnh đồ án quy hoạch chung của thành phố trong thời gian tới.

Phát biểu tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND huyện Hóc Môn Dương Hồng Thắng cho biết, huyện Hóc Môn gặp nhiều vướng mắc về kế hoạch sử dụng đất, xây dựng trên đất nông nghiệp, đặc biệt là quy hoạch có nhiều vướng mắc nhưng chưa được tháo gỡ.

Theo đồng chí, huyện Hóc Môn có dư địa đất đai rất lớn, nếu không phát huy sẽ ảnh hưởng đến nguồn lực phát triển của cả huyện Hóc Môn cũng như TPHCM. Đơn cử, riêng tuyến Vành đai 3 đoạn qua huyện Hóc Môn có gần 500 ha đất công cần được tháo gỡ về quy hoạch để có thể đấu giá, tạo nguồn lực cho phát triển. Ngoài ra, có khoảng 1.700 ha đất nông nghiệp hiện nay người dân không canh tác nông nghiệp, quy hoạch phù hợp phát triển các dự án đô thị dọc tuyến Vành đai 3.

Chủ tịch UBND huyện Hóc Môn cho rằng, một khi tuyến Vành đai 3 hình thành lên mà vẫn chưa có quy hoạch, kế hoạch sử dụng nguồn lực thì giá trị đất đã tăng lên rất nhiều, lúc đó chênh lệch địa tô sẽ không thuộc về nhà nước mà sẽ rơi vào tay “đầu nậu” và ảnh hưởng đến sự phát triển chung. Vì thế, huyện Hóc Môn cần được tháo gỡ về quy hoạch, phát huy nguồn lực đất đai cho phát triển.

MẠNH HÒA

Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/pho-chu-tich-thuong-truc-ubnd-tphcm-le-hoa-binh-phai-tao-chuyen-bien-khi-giai-quyet-26-kien-nghi-cua-huyen-hoc-mon-799809.html