Phó Chủ tịch Trương Thị Ngọc Ánh dự Hội nghị sơ kết thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở 6 tháng đầu năm 2023
Ngày 31/7, tại Hà Nội, Ban Chỉ đạo Trung ương thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở đã tổ chức Hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ công tác 6 tháng cuối năm 2023. Dự Hội nghị có ông Dương Thanh Bình, Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng ban Dân nguyện của Quốc hội; ông Nguyễn Lam, Phó Trưởng ban Dân vận Trung ương; bà Trương Thị Ngọc Ánh, Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam.
Trong 6 tháng đầu năm 2023, công tác xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở tiếp tục được các cấp ủy đảng, chính quyền, MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và triển khai thực hiện đồng bộ, đạt được nhiều kết quả rõ nét. Công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế được chỉ đạo triển khai đồng bộ, kịp thời theo hướng tôn trọng và phát huy quyền làm chủ trực tiếp của người dân.
Việc thực hiện quy chế dân chủ đã tạo điều kiện cho Nhân dân tham gia bàn bạc, giám sát theo phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”. Nhận thức về dân chủ và thực hành dân chủ của cấp ủy, chính quyền, MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội, người đứng đầu đơn vị, cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và Nhân dân có nhiều chuyển biến tích cực, góp phần phát huy vai trò, tiềm năng, sức sáng tạo của Nhân dân tham gia bàn bạc những công việc của địa phương, góp ý xây dựng Đảng, hệ thống chính trị vững mạnh.
Đặc biệt, MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, ngày càng "gần dân, sát cơ sở, đến địa bàn dân cư, hộ gia đình" được thể hiện sâu sắc thông qua nhiều hoạt động, góp phần phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân, củng cố và tăng cường mối quan hệ gắn bó mật thiết giữa Đảng, chính quyền với nhân dân. Tăng cường tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân nâng cao ý thức, trách nhiệm về thực hiện dân chủ ở cơ sở gắn với thực hiện các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước.
Cùng với đó Ban Thanh tra nhân dân, Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng đã phát huy hiệu quả trong giám sát việc sử dụng đất đai, theo dõi việc giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân, thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng,... Thông qua việc giám sát đã kịp thời phát hiện, kiến nghị cấp có thẩm quyền điều chỉnh giải quyết những vấn đề bất cập, vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện.
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Chủ tịch Trương Thị Ngọc Ánh khẳng định, báo cáo kết quả thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở 6 tháng đầu năm của Ban Chỉ đạo Trung ương thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở đã thể hiện khá đầy đủ các kết quả đạt được trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở; thể hiện một số kết quả nổi bật của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức thành viên khác thực hiện quyền và trách nhiệm của mình, nhất là trong hoạt động giám sát, phản biện xã hội.
Trong đó, MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội đã chủ động tích cực tham gia vào dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở để đảm bảo quy định của Nghị định thể hiện đầy đủ nhất phương châm "dân biết, dân bàn, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng" và quan điểm chỉ đạo tại Đại hội XIII của Đảng là "Mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội làm nòng cốt để nhân dân làm chủ".
Về phương hướng, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2023, Phó Chủ tịch Trương Thị Ngọc Ánh cho rằng, Ban Chỉ đạo Trung ương thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở nên cân nhắc việc ban hành văn bản chỉ đạo hoặc tổ chức một hội nghị toàn quốc tuyên truyền, quán triệt Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở và các nghị định hướng dẫn thi hành Luật để thống nhất về nhận thức, nhất là các quy định mới của Luật, trang bị cho cán bộ cơ sở những kiến thức, kỹ năng để đáp ứng những yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra trong tình hình mới.
Đồng thời cần tiếp tục phát huy vai trò của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội trong công tác tuyên truyền, vận động về Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở, nắm chắc tình hình tư tưởng và tâm tư, nguyện vọng của đoàn viên, hội viên và nhân dân để kịp thời kiến nghị, phản ánh tới cấp ủy đảng, chính quyền.
Tại Hội nghị, đại biểu cũng tập trung làm rõ những tồn tại, phân tích sâu các nguyên nhân của những hạn chế trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở thời gian qua; dân chủ bàn thảo và thống nhất phương hướng, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm.
Trước hết, Ban Chỉ đạo thực hiện quy chế dân chủ các cấp, các ngành cần tiếp tục tham mưu cho cấp ủy, tổ chức đảng tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh việc quán triệt, tuyên truyền và tổ chức thực hiện các văn bản của Đảng và Nhà nước về xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ, trọng tâm là Kết luận số 120-KL/TW của Bộ Chính trị khóa XI “Về tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao chất lượng, hiệu quả việc xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở"; Kết luận số 54-KL/TW, ngày 9/5/2023 của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Quyết định số 99-QĐ/TW, ngày 3/10/2017 của Ban Bí thư về tiếp tục phát huy vai trò của nhân dân trong đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái, “tự diễn biến, “tự chuyển hóa" trong nội bộ.
Cùng với đó, Ban Chỉ đạo tiếp tục chỉ đạo nghiên cứu cụ thể hóa, thể chế hóa phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát và dân thụ hưởng”; thực hiện tốt chế độ công khai trách nhiệm, quyền hạn của các cơ quan hành chính Nhà nước; tập trung nghiên cứu sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện pháp luật về đất đai, về khiếu nại, tố cáo của công dân; các quy định về công tác tiếp dân, xử lý, trả lời đơn thư khiếu nại, tố cáo.
Ban Chỉ đạo phát huy tốt vai trò làm chủ, khơi dậy sức sáng tạo, hiến kế và nguồn lực trong nhân dân; đẩy mạnh thực hiện Chương trình tổng thể cải cách hành chính Nhà nước giai đoạn 2021-2030; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức chuyên nghiệp, có năng lực, phẩm chất đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ; đẩy mạnh xây dựng chính quyền điện tử, kinh tế số, xã hội số, lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ; siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính; xử lý nghiêm các biểu hiện vi phạm, gây thiệt hại lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, xây dựng bộ máy cơ quan các cấp trong sạch, vững mạnh.
Thực hiện nghiêm việc tiếp dân, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo đúng quy định. Tăng cường gặp gỡ, tiếp xúc, đối thoại giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với nhân dân; hoạt động hòa giải ở cơ sở và giải quyết kịp thời những phản ánh, kiến nghị hợp pháp, chính đáng của nhân dân. Tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị-xã hội. Vận động nhân dân thực hiện dân chủ ở cơ sở, thực hiện hương ước, quy ước của cộng đồng, các phong trào thi đua yêu nước; biểu dương, nhân rộng các điển hình tiêu biểu về thực hiện dân chủ ở cơ sở.