Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Đại Dũng làm việc tại trường Cao đẳng nghề Phú Thọ
PTĐT - Sáng 23-4, đồng chí Hồ Đại Dũng – Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã làm việc với trường Cao đẳng nghề Phú Thọ về công tác điều hành, hoạt động giáo dục ...

PTĐT - Sáng 23-4, đồng chí Hồ Đại Dũng – Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã làm việc với trường Cao đẳng nghề Phú Thọ về công tác điều hành, hoạt động giáo dục, đào tạo sau khi sáp nhập với các trường Trung cấp Nông lâm nghiệp và Cao đẳng Kinh tế - Kỹ nghệ thực hành.
Sau khi tiến hành sáp nhập theo Quyết định của Bộ Lao động - Thương binh & Xã hội và chỉ đạo của UBND tỉnh, trường Cao đẳng nghề Phú Thọ (CĐNPT) đã tiếp nhận bàn giao toàn bộ cơ sở vật chất, tài chính, tài sản; đội ngũ cán bộ... Trường hiện có 225 cán bộ, giáo viên, nhân viên và người lao động; 2.055 học sinh, sinh viên với 16 ngành nghề đào tạo (trong đó có 1.760 học sinh học tại trường và 305 học sinh tại các trung tâm GDNN-GDTX cấp huyện). Các học sinh, sinh viên của các trường sáp nhập về trường CĐNPT tiếp tục được đào tạo theo các nghề, chương trình và thời gian đào tạo đang thực hiện trước đó. Tại buổi làm việc, lãnh đạo trường CĐNPT đã kiến nghị, đề xuất với UBND tỉnh để giải quyết một số khó khăn còn tồn tại sau sáp nhập như: cơ sở vật chất, điều kiện làm việc và học tập cho giáo viên, học sinh khi chuyển về địa điểm chính; sự bất hợp lý về cơ cấu đội ngũ cán bộ trước và sau sáp nhập… Sau khi nghe ý kiến của đại diện các Sở, ngành chuyên môn và trường, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Đại Dũng yêu cầu Trường tiếp tục hoạt động theo đúng chức năng, nhiệm vụ đã được UBND tỉnh phê duyệt là tổ chức, đào tạo nguồn nhân lực kỹ thuật trực tiếp tham gia vào các lĩnh vực sản xuất, dịch vụ ở trình độ cao đẳng, trung cấp, sơ cấp và đào tạo thường xuyên; đảm bảo chất lượng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, đáp ứng thị trường lao động. Đồng chí nhấn mạnh, làm tốt việc sáp nhập sẽ góp phần đảm bảo mục tiêu sắp xếp lại mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp của tỉnh theo hướng đồng bộ, tập trung, tinh gọn, cơ cấu hợp lý; sắp xếp lại cơ cấu ngành, nghề phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và phát huy các lợi thế hiện có của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả đào tạo. Phó Chủ tịch UBND tỉnh cũng yêu cầu Sở Nội Vụ, Sở Tài nguyên – Môi trường, Sở Xây dựng, Sở Giáo dục & Đào tạo tiếp tục phối hợp chặt chẽ với trường để giải quyết những vấn đề còn tồn đọng sau sáp nhập, báo cáo UBND tỉnh để sớm ổn định hoạt động dạy và học. Đồng chí nhấn mạnh, quan điểm của tỉnh là tạo điều kiện để các cán bộ, giáo viên, nhân viên dôi dư do trình độ chuyên môn không phù hợp, không bố trí được việc làm sau sáp nhập được đào tạo lại theo quy định, chuyển đổi nghề nghiệp theo nhu cầu thực tế.