Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Doãn Toản: Hà Nội sẽ khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế để đẩy mạnh công nghiệp hóa - hiện đại hóa
'TP Hà Nội sẽ xây dựng các kế hoạch thực hiện một cách bài bản, khoa học, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế để đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa, xây dựng Thủ đô ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại' - Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Doãn Toản khẳng định trong tham luận tại Đại hội đại biểu Đảng bộ TP Hà Nội lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020-2025, diễn ra hôm nay (12/10).
Tại Đại hội đại biểu lần thứ XVII (nhiệm kỳ 2020-2025) Đảng bộ TP Hà Nội diễn ra hôm nay (12/10), Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Doãn Toản thay mặt Ban Cán sự Đảng UBND TP đã trình bày tham luận về nội dung “Huy động mọi nguồn lực cho đầu tư phát triển kinh tế Thủ đô nhanh, bền vững, xứng đáng vai trò đầu tầu của Hà Nội trong phát triển kinh tế cả nước”.
Theo Phó Chủ tịch UBND TP, thực hiện Nghị quyết số 11 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế Thủ đô giai đoạn 2011 - 2020, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP Hà Nội lần thứ XVI và 8 Chương trình công tác của Thành ủy khóa XVI, được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, thường xuyên của T.Ư Đảng, Quốc hội, Chính phủ, trong 5 năm qua, Hà Nội đã vượt qua các khó khăn, thách thức, tận dụng lợi thế và huy động các lực lượng, đã đạt được những kết quả quan trọng. Kinh tế liên tục tăng trưởng và đạt mức khá trong cả nhiệm kỳ. Bình quân giai đoạn 2016 - 2020, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) ước tăng 7,39%, đạt mục tiêu đề ra (từ 7,3-7,8%) và cao hơn giai đoạn 2011 - 2015 (6,93%). Năm 2020, quy mô GRDP ước đạt 1,06 triệu tỷ đồng, khoảng 45 tỷ USD, đóng góp trên 16% GDP của cả nước; GRDP bình quân đầu người ước đạt 5.420 USD, tăng 1,5 lần so với năm 2015, gấp 1,8 lần bình quân chung của cả nước. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực, theo hướng hiện đại, tỷ trọng khu vực công nghiệp và dịch vụ tăng; khu vực nông nghiệp giảm còn khoảng 2,09%, dẫn đầu cả nước về số xã đạt chuẩn nông thôn mới.
Giai đoạn 5 năm 2016 - 2020, tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội ước đạt 1,74 triệu tỷ đồng, gấp 1,65 lần giai đoạn 2011 - 2015. Cơ cấu vốn đầu tư dịch chuyển rõ nét, khu vực nhà nước giảm từ 43,44% năm 2015 xuống khoảng 33,88% năm 2020; khu vực ngoài nhà nước và đầu tư nước ngoài tăng nhanh. Năm 2019, vốn đầu tư nước ngoài đạt 8,67 tỷ USD, cao nhất sau hơn 30 năm mở cửa và hội nhập, là năm thứ hai liên tiếp Hà Nội dẫn đầu cả nước; Thu hút đầu tư vốn ngoài ngân sách với trên 2.775 dự án, vốn đăng ký trên 1,4 triệu tỷ đồng. Xã hội hóa đầu tư được đẩy mạnh, nhất là đối với các lĩnh vực: cấp nước, bãi đỗ xe, xử lý chất thải, nước thải, hạ tầng công nghệ thông tin, giáo dục, y tế... Đầu tư công được thực hiện tập trung, cơ bản khắc phục tình trạng phân tán, dàn trải.
Ngân sách Nhà nước cùng với nguồn lực của các doanh nghiệp đã đầu tư hoàn thành nhiều công trình lớn, có ý nghĩa quan trọng thúc đẩy KT-XH Thủ đô như: Đường vành đai 2 đoạn Nhật Tân - Cầu Giấy; Nút giao thông trung tâm quận Long Biên; đường Vành đai 1 đoạn Ô Đông Mác - Nguyễn Khoái; các công trình chống ùn tắc trong nội đô (cầu vượt nút giao An Dương, cầu vượt ô Đông Mác - Nguyễn Khoái, nút giao Cổ Linh). Các khu đô thị mới văn minh, hiện đại đã và đang được xây dựng như khu đô thị mới Tây Mỗ, khu đô thị mới Gia Lâm... đã tạo nên không gian đô thị, diện mạo mới cho Thủ đô.
Theo Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Doãn Toản, để đạt được mục tiêu tăng trưởng giai đoạn 2021 - 2025 trung bình từ 7,5-8,0%, hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng đô thị và nông thôn thì nhu cầu vốn đầu tư phát triển Thủ đô 5 năm 2021 - 2025 khoảng 3,1-3,2 triệu tỷ đồng, gấp 1,8 lần giai đoạn 2016 - 2020. Trong đó, tỷ trọng khu vực ngoài nhà nước khoảng 53%; khu vực ĐTNN khoảng 15%; khu vực nhà nước đáp ứng khoảng 32%. Vì vậy, TP cần tập trung huy động tất cả các nguồn lực, từ doanh nghiệp trong và ngoài nước, từ dân cư, từ đầu tư trực tiếp nước ngoài, kêu gọi vốn ODA... và thực hiện đồng bộ 5 nhóm giải pháp trọng tâm: Thứ nhất, đẩy mạnh cải cách hành chính; chỉnh sửa, bổ sung, hoàn thiện các cơ chế chính sách theo hướng minh bạch, thông thoáng, phù hợp các luật, nghị định mới ban hành. Đồng thời đơn giản các quy trình hồ sơ, thủ tục liên quan đến đầu tư phát triển; đẩy mạnh ứng dụng CNTT, chính quyền điện tử; hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu quản lý điều hành về đất đai trên địa bàn TP; nâng cao chất lượng dịch vụ công nhằm phục vụ ngày càng tốt hơn doanh nghiệp và người dân…
Thứ hai, nâng cao chất lượng hiệu quả đầu tư công giai đoạn 2021 - 2025; đầu tư có trọng tâm trọng điểm, không dàn trải; đảm bảo tiến độ thực hiện, giải ngân nhanh và kiểm soát chặt chẽ, sớm đưa dự án vào hoạt động phát huy hiệu quả, đảm bảo chất lượng công trình. Thực hiện đồng bộ các giải pháp tăng cường quản lý thu ngân sách, đẩy mạnh cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước khai thác hiệu quả quỹ đất nông nghiệp của TP...
Thứ ba, đẩy mạnh thu hút nguồn vốn đầu tư ngoài ngân sách vào các lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ, thương mại, du lịch khách sạn, nông nghiệp công nghệ cao, chế biến nông sản, y tế, giáo dục; đẩy mạnh bảo vệ môi trường, xử lý nước thải, chất thải; giải quyết căn bản ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường; thực hiện tốt đề án hỗ trợ doanh nghiệp
Thứ tư, chuẩn bị tốt các điều kiện đáp ứng yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế, tạo điều kiện tốt nhất để thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, vốn ODA, vốn vay ưu đãi của các tổ chức tài chính quốc tế. Thực hiện thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài có chọn lọc, tập trung cho các dự án đầu tư có chất lượng, sản phẩm có giá trị gia tăng cao, có tính cạnh tranh nhất là từ các tập đoàn quy mô lớn, xuyên quốc gia; khuyến khích các dự án phát triển công nghiệp hỗ trợ, sản xuất công nghệ cao, công nghệ sinh học, sử dụng công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường; các dự án lĩnh vực CNTT, phát triển nông nghiệp, thực phẩm sạch an toàn…
Thứ năm, phát huy yếu tố văn hóa trong phát triển kinh tế và nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý nhà nước để huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn cho đầu tư phát triển nhanh, bền vững.
“TP Hà Nội sẽ xây dựng các kế hoạch thực hiện một cách bài bản, khoa học, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế để đẩy mạnh sự nghiệp CNH-HĐH, xây dựng Thủ đô ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại” - Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Doãn Toản khẳng định.