Phố cổ Hội An bảo vệ các di tích trăm tuổi trước siêu bão Noru

Với sức gió được dự báo mạnh cấp 13-14, giật cấp 16, siêu bão Noru sẽ khiến những kiến trúc, di tích có tuổi đời hàng trăm năm tuổi ở Hội An đứng trước nguy cơ bị tàn phá.

Ngày 26/9, ông Phạm Phú Ngọc – Giám đốc Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An (Quảng Nam) cho biết, đã cơ bản hoàn tất việc gia cố, chằng chống để bảo vệ các khu nhà cổ, Chùa Cầu và các kiến trúc quan trọng khác trong khu vực phố cổ.

Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An tiến hành chống đỡ cho Chùa Cầu trước giờ bão vào.

Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An tiến hành chống đỡ cho Chùa Cầu trước giờ bão vào.

Theo ông Ngọc, để đảm bảo an toàn cho di tích trong mùa mưa bão năm nay cũng như kịp thời ứng phó với cơn bão Noru sắp đổ bộ, Trung tâm đã cùng với chính quyền địa phương chỉ đạo các tổ quản lý di tích, các chủ/đại diện chủ di tích và vận động nhân lực tại chỗ thực hiện một số công tác bảo vệ di tích.

Qua rà soát, nắm bắt thông tin về tình hình di tích trên địa bàn thì có 45 di tích đã xuống cấp, trong đó có 11 di tích xuống cấp nghiêm trọng. Trung tâm đã tiến hành hỗ trợ chống đỡ cho 5 di tích đồng thời đề nghị hạ giải 13 di tích vì không còn khả năng chống đỡ. Trong số 10 di tích qua kiểm tra đã xuống cấp nhưng không hạ giải thì cơ quan chức năng đã liên hệ với chủ di tích, đề nghị các chủ hộ cam kết di dời đi nơi khác không ở bên trong lúc bão đổ bộ.

Việc gia cố, bảo vệ Chùa Cầu được thực hiện bằng phương pháp thủ công và không gây ảnh hưởng đến di tích.

Việc gia cố, bảo vệ Chùa Cầu được thực hiện bằng phương pháp thủ công và không gây ảnh hưởng đến di tích.

Một di tích quan trọng của Hội An là Chùa Cầu đã được nhân lực của Trung tâm Quản lý bảo tồn di sản văn hóa Hội An tập trung vật liệu, tiến hành gia cố, chống đỡ trong mấy ngày qua. Những thanh gỗ lớn, chắc chắn được dựng lên dọc theo các lối đi trên Chùa Cầu để bảo vệ di tích hàng trăm năm tuổi này.

Theo một cán bộ của Trung tâm, để bảo vệ di tích này, đơn vị đã sử dụng riêng bộ dụng cụ chống đỡ để ứng phó khi vào mùa mưa bão. "Việc chống đỡ được thực hiện thủ công và đảm bảo không làm ảnh hưởng đến kết cấu di tích. Mặc dù gặp nhiều khó khăn nhưng chúng tôi cũng đã hoàn thành công việc này trước khi bão đổ bộ", cán bộ này cho hay.

Theo ông Ngọc, hiện các tổ quản lý di tích cũng đang triển khai cắt tỉa cây xanh gần di tích hoặc có nguy cơ ảnh hưởng đến di tích để hạn chế tình trạng hư hại di tích do cây ngã đổ, va quẹt; Bảo quản cẩn thận hiện vật, tài sản tại di tích trước, trong và sau mỗi cơn bão, lụt đề phòng hư hỏng, mất mát.

Cùng ngày, Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Nam đã có công văn khẩn gửi bốn đơn vị thủy điện lớn trên địa bàn về việc vận hành đảm bảo trong mùa mưa lũ, tránh gây tác động xấu đến người dân vùng hạ du.

Công văn của Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Nam gửi 4 thủy điện lớn trên địa bàn yêu cầu tổ chức vận hành phải bảo đảm không gây dòng chảy đột biến, bất thường đe dọa trực tiếp đến tính mạng và tài sản của người dân ở khu vực ven sông ở hạ du hồ chứa.

Công văn của Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Nam gửi 4 thủy điện lớn trên địa bàn yêu cầu tổ chức vận hành phải bảo đảm không gây dòng chảy đột biến, bất thường đe dọa trực tiếp đến tính mạng và tài sản của người dân ở khu vực ven sông ở hạ du hồ chứa.

Theo đó, để chủ động ứng phó với cơn bão Noru, Quảng Nam yêu cầu các đơn vị gồm: Công ty Thủy điện Sông Bung, Công ty Cổ phần Thủy điện A Vương, Công ty Cổ phần Thủy điện Đak Mi, Công ty Thủy điện Sông Tranh chủ động tính toán, tổ chức vận hành đảm bảo mực nước hồ thủy điện Sông Bung 2, Sông Bung 4, A Vương, Đak Mi 4, Sông Tranh 2 không vượt cao trình mực nước đón lũ thấp nhất và chuyển chế độ vận hành theo quy định.

Việc tổ chức vận hành phải bảo đảm không gây dòng chảy đột biến, bất thường đe dọa trực tiếp đến tính mạng và tài sản của người dân ở khu vực ven sông ở hạ du hồ chứa. Quảng Nam cũng yêu cầu các đơn vị xây dựng kịch bản vận hành, điều tiết hồ, đồng thời tổ chức thực hiện việc thông tin, thông báo đến chính quyền, nhân dân vùng hạ du về công tác vận hành, điều tiết hồ.

Thường xuyên cung cấp bản tin dự báo lũ về hồ và số liệu mưa các trạm 2 đo trên lưu vực hồ về Văn phòng thường trực Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Nam để theo dõi.

Gia An

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/pho-co-hoi-an-bao-ve-cac-di-tich-tram-tuoi-truoc-sieu-bao-noru-169220926151424347.htm