Phố Đầm - Dấu xưa, nền phố

Phố Đầm thuộc làng Quảng Ích, xã Xuân Thiên (Thọ Xuân, Thanh Hóa) là một khu phố cổ buôn bán sầm uất bậc nhất xứ Thanh vào đầu thế kỷ XX mà người dân còn gìn giữ.

Những ngôi nhà cổ phố Đầm vẫn còn gìn giữ

Những ngôi nhà cổ phố Đầm vẫn còn gìn giữ

Phố Đầm được xây dựng từ những năm cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX mang lối kiến trúc độc đáo, nhiều ngôi nhà cổ ở phố Đầm hiện nay vẫn được người dân gìn giữ, còn đậm nét các dấu tích của một khu phố buôn bán sầm uất bậc nhất các châu huyện xứ Thanh đầu thế kỷ XX.

Về tên gọi Phố Đầm được lý giải như sau: bấy giờ có một số ma - đam là vợ các công chức người Pháp về đây mở các cửa hiệu buôn bán, chủ yếu là mua các mặt hàng nông sản, lâm sản, dược liệu quý chuyển về Pháp. Cũng từ đây có tên là phố Đầm, chữ “đầm” là gọi chệch của hai chữ "ma- đam" nghĩa là phố có các cửa hiệu của các bà đầm.

Trải qua hàng trăm năm, người Quảng Ích chủ yếu là buôn bán. Từ năm 1907, số doanh thương ngày một nhiều lên. Hai bên đường nhà ở san sát, nhiều nhà 2 tầng kiến trúc Á - Âu được xây dựng, tạo nên bộ mặt phố phường đông đúc, từ đấy được gọi là phố Đầm.

Kiến trúc cổ gần 100 năm vẫn còn nguyên vẹn

Kiến trúc cổ gần 100 năm vẫn còn nguyên vẹn

Điều kiện sinh hoạt, trang phục, trang trí nội thất theo kiểu thành phố thuộc tầng lớp tiểu tư sản, xa hoa, đài các; các quán ăn, quán rượu, các quán phục vụ khác mọc lên rất nhiều. Cách không xa những dãy nhà cổ được phân bổ theo hình chữ Z là vị trí bến thương thuyền với lợi thế “cận lộ, cận giang” được ghi nhận là nơi buôn bán giao thương nhộn nhịp nhất thời bấy giờ.

Tại đây, nghề buôn bè làm ăn phát đạt nhất. Thế kỷ XIX, nơi đây là một vùng trù phú lái buôn bốn phương và các hộ đến họp nhiều, là nơi trung chuyển hàng hóa của các thương nhân đưa hàng từ miền xuôi lên miền ngược và sang Lào, cũng như đưa các lâm thổ sản từ miền núi xuống tập kết...

Thời thuộc Pháp, tại vị trí bến đò Đầm còn làm thành một bến phà nối con đường cái Tây, nối từ Quốc lộ 47B sang Quốc lộ 15 A. Chợ Đầm nổi tiếng trong vùng với những mặt hàng thủ công tinh xảo, những lâm sản ở miền ngược và miền xuôi tập trung về.

Nét văn hóa cổ phố Đầm vẫn còn lưu truyền

Nét văn hóa cổ phố Đầm vẫn còn lưu truyền

Ở đây các nghề thủ công rất phát triển như: nề, nhuộm, đan lát, may mặc, kim hoàn, sành gốm, nồi đất, gạch ngói. Các nghề buôn bán dịch vụ, chuyên chở đường bộ, đường sông ngày càng phát triển.

Cảnh người mua, người bán tấp nập, từ bến sông lên đến phố Đầm, tạo nên cảnh trên bến dưới thuyền rất sôi động thời bấy giờ, dân cư ở khắp mọi nơi đều tìm đến phố Đầm để là nơi an cư lập nghiệp.

Trước đây những ngôi nhà ở phố Đầm đều gắn liền với những cửa hàng nổi tiếng, như phòng khám răng, tiệm vàng, bạc, hiệu thuốc Tây Nam Ích Long, thuốc bắc Quảng Phát, thuốc lào Mỹ Thái, hiệu vàng Tấn Long, hiệu nhuộm Tân Mỹ, hai cửa hàng rượu Phông ten, Nam Đồng Ích....

Ngày nay, mặc dù không còn làm những nghề gia truyền của ông cha để lại, nhưng những ngôi nhà này vẫn còn giữ tên biển như để nhớ lại thời hoàng kim sầm uất của phố Đầm.

Nhiều người dân vẫn còn sinh sống trên những ngôi nhà cổ

Nhiều người dân vẫn còn sinh sống trên những ngôi nhà cổ

Trước những năm 70, xã Xuân Thiên có khoảng 100 ngôi nhà cổ, tập trung phổ biến ở phố Đầm nhưng hiện nay chỉ còn gần 20 ngôi nhà giữ được gần nguyên dáng cổ xưa và các đồ dùng sinh hoạt trong gia đình.

Những ngôi nhà cổ xưa đều mang nét kiến trúc hai tầng mái đỏ, được xây bằng tường gạch nung vữa vôi, mái ngói đất sét nung, mát vào mùa hè, ấm áp mùa đông. Nhiều ngôi nhà vẫn mang dáng dấp cũ, nhưng do tác động của thời gian bị xuống cấp nên nhiều gia đình đã sửa chữa để phù hợp với sinh hoạt hàng ngày trên cơ sở giữ gìn nguyên trạng kiến trúc ngôi nhà…

Nhằm gìn giữ và bảo lưu giá trị kiến trúc nghệ thuật độc đáo của nơi đây, ngày 7/1/2020, phố Đầm được UBND tỉnh Thanh Hóa công nhận là điểm du lịch cấp tỉnh và hiện nay hàng ngàn lượt khách du lịch đến thăm quan và tìm hiểu, cũng như ngưỡng kiến trúc độc đáo phố Đầm nổi tiếng một thời của xứ Thanh.

Nguồn Gia Đình VN: https://giadinhvietnam.com/pho-dam--dau-xua-nen-pho-d159881.html