Phố đêm Hà Nội bát nháo, ai quản?

Hàng chục tuyến phố, vỉa hè Hà Nội về đêm thực sự đã biến thành chợ. Hàng quán bày bán tràn lan, trông xe 'chặt chém', lộn xộn; hàng nhái mặc sức tung hoành. Quản lý có dấu hiệu thả nổi...

Hàng giả, hàng nhái bày bán la liệt tại chợ đêm

Hàng giả, hàng nhái bày bán la liệt tại chợ đêm

Bài 1: Hàng nhái tung hoành

Chợ đêm quy tụ hàng trăm gian hàng, bày bán đủ loại sản phẩm, nhưng phần nhiều là những mặt hàng có dấu hiệu hàng giả, hàng nhái.

Ghi nhận của PV Tiền Phong tại một ki ốt bán nước hoa, mỹ phẩm tại ngã tư Hàng Đường - Lãn Ông, ở đây bày bán loạt nước hoa của các hãng nổi tiếng như Chanel, Gucci, Nina Ricci… Lọ nước hoa Chanel Chance 100ml bán với giá 350.000 đồng; Dior Sauvage EDP 100ml giá 400.000 đồng… Tại các cửa hàng chính hãng, giá nước hoa Chanel Chance 100ml là 4,5 triệu đồng, Dior Sauvage EDP 100ml 3,2 triệu đồng… Người bán hàng nói rằng, nước hoa là loại 1:1 (chuẩn như hàng hãng), chỉ là tỷ lệ pha loãng hơn nên giá rẻ hơn chính hãng.

Ngoài mỹ phẩm, nước hoa, mặt hàng bày bán nhiều nhất là túi, giầy dép, quần áo. Rất nhiều thương hiệu túi cao cấp bày bán theo kiểu đổ đống, đồng giá. Túi xách Chanel, Louis Vuitton, Dior… được treo đồng giá 150.000 đồng tấp nập người mua; giầy dép, quần áo thể thao hãng Nike, Adidas, Puma đồng giá 100.000 đồng…

Khu vực phố Tạ Hiện, chừng 9 giờ tối trở đi, nhiều hàng quán kê thêm bàn tràn xuống cả đường đi. Phố phường như nghẹn lại. Lực lượng chức năng vừa quay đi, hàng quán lập tức lại bủa vây, tràn xuống lòng đường.

Tại quận Tây Hồ, phố đi bộ Trịnh Công Sơn là không gian đi bộ lớn thứ 2 tại Thủ đô được mở lại cách đây không lâu. Phố đi bộ tập trung tại ngõ 431 Âu Cơ với hơn chục gian hàng ẩm thực, đồ lưu niệm. Các gian hàng lưu niệm chủ yếu bán các loại đồ chơi Trung Quốc như: mặt nạ, ô tô pin, đồ trang sức mỹ ký… Kèm theo vô vàn các loại đồ chơi nhựa mang tính bạo lực như kiếm nhựa, kiếm ánh sáng, đao, rìu… Gian hàng ẩm thực thưa thớt chưa nhiều người thuê, chủ yếu bán các loại trà sữa, trà chanh…

Trông xe “chặt chém”

Tại phố đi bộ quanh hồ Hoàn Kiếm và phụ cận, UBND quận Hoàn Kiếm đã bố trí hơn 20 điểm trông giữ xe. Điểm rộng nhất là đường Trần Nhật Duật - gầm cầu dẫn lên cầu Chương Dương. Dù vậy, các điểm trông giữ xe có phép chỉ như “muối bỏ bể” so với nhu cầu gửi xe của người dân.

Ngay sát bãi xe Trần Nhật Duật, các bãi xe tự phát xuất hiện với giá 20-30.000 đồng/xe máy, 50-100.000 đồng/ô tô. Tại ngã năm Trần Nhật Duật (dưới gầm cầu đường dẫn lên cầu Chương Dương), mỗi tối thứ Sáu, thứ Bảy thường xuyên có hiện tượng ô tô xếp hàng 2, hàng 3. Chủ yếu là xe của những người trông xe tự phát, khiến tuyến đường ùn tắc.

Dọc phố Nguyễn Hữu Huân, Lý Thái Tổ, hàng chục biển trông giữ xe trái phép đặt ra giữa đường để mời chào. Có thời điểm lực lượng công an phường Lý Thái Tổ bật loa yêu cầu người dân không gửi xe tại các bãi trái phép, tiến hành thu biển, tạm giữ một số xe máy tại đây. Nhưng các chủ bãi xe trái phép vẫn vô tư nhận xe của khách dắt sang nơi khác và thu tiền ngay với giá 20.000 đồng/xe.

Theo quan sát của PV, toàn bộ các trục đường đi vào phố đi bộ hồ Gươm đều có các bãi xe trái phép như: Hai Bà Trưng, Hàng Bài, Nguyễn Hữu Huân, Lý Thái Tổ, Hàng Khoai, Hàng Lược, Hàng Chiếu, Ngõ Gạch…

Cần quy chế riêng

Đại diện Công an quận Hoàn Kiếm cho biết, ngoài việc thường xuyên xử lý các điểm trông giữ xe tự phát, Công an quận đã giao Công an các phường quản lý chặt địa bàn, nếu để xảy ra vi phạm sẽ quy trách nhiệm người đứng đầu; đồng thời tổ chức các tổ tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm.

Đại diện Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội cho biết, quận Hoàn Kiếm từng bố trí bãi trông giữ xe ở Hai Bà Trưng - Ngô Quyền, Lý Thường Kiệt - Hàng Bài… Sau thời gian hoạt động, các bãi xe này không hiệu quả do tâm lý người dân muốn để xe gần để vào phố cổ thuận tiện. “Vậy nên mới nảy sinh nhiều bãi xe tự phát như hiện nay”, vị này thông tin.

Đối với hiệu quả của chợ đêm Đồng Xuân, đơn vị quản lý chợ đêm - Công ty Cổ phần Đồng Xuân, cho biết, sau dịch COVID-19, các chủ cửa hàng vẫn chưa mặn mà mở cửa trở lại. Mặt khác, khu ẩm thực đêm Đồng Xuân phục vụ hướng tới khách du lịch nước ngoài nên giá thành và món ăn khác so với các quán ăn nhậu xung quanh.

Về tình trạng hàng giả, hàng nhái tại các gian hàng chợ đêm, đại diện Công ty khẳng định có tình trạng này. Dù có phối hợp với lực lượng chức năng để xử lý nhưng hàng giá rẻ là mặt hàng du khách quốc tế quan tâm, mua nhiều nhất.

Đại diện Công ty cho hay: “Thời gian tới, khu ẩm thực đêm sẽ được cải tạo, đưa ẩm thực vùng miền theo chủ đề vào để tạo điểm nhấn. Khu vực bán đồ trước cổng chợ Đồng Xuân sẽ thanh lý hợp đồng dần, khuyến khích các mặt hàng phù hợp với không gian văn hóa này”.

Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Đặng Hương Giang nói rằng, Sản phẩm du lịch tham gia lĩnh vực kinh tế đêm còn nhiều hạn chế cần khắc phục trong thời gian tới như dịch vụ còn nghèo nàn, chủ yếu là dịch vụ ăn uống, mua sắm, chưa có sản phẩm đặc sắc, các dịch vụ vui chơi giải trí còn thiếu…

Chợ đêm phố cổ Hà Nội nằm trên các tuyến phố kéo dài gần 3km từ phố Hàng Ðào, Hàng Ngang, Hàng Ðường đến cổng chợ Ðồng Xuân (quận Hoàn Kiếm). Cùng với phố đi bộ quanh hồ Hoàn Kiếm, chợ đêm đã thu hút đông đảo người dân, du khách đến mua sắm, tham quan mỗi tối cuối tuần.

Bà Giang thông tin, thời gian tới, Hà Nội sẽ tổ chức thí điểm phát triển kinh tế đêm ở những khu vực, địa bàn có tiềm năng lớn về phát triển dịch vụ, thương mại, du lịch. Đồng thời ban hành quy định cụ thể về thời gian hoạt động, địa bàn, các mặt hàng được phép kinh doanh và cơ chế xử lý để cơ quan chức năng, chính quyền các cấp quản lý.

Các đơn vị chức năng thường xuyên phối hợp tổ chức các đoàn kiểm tra liên ngành nhằm đảm bảo an ninh trật tự đối với các cơ sở kinh doanh về đêm. Quy định các điều kiện riêng đối với hoạt động kinh doanh về đêm, bổ sung nhân lực cho các lực lượng chức năng đảm bảo thực hiện hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát đối với các hoạt động kinh doanh ban đêm về các điều kiện kinh doanh, an ninh trật tự, an toàn giao thông…

TRẦN HOÀNG

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/pho-dem-ha-noi-bat-nhao-ai-quan-post1484273.tpo