Hà Nội là thành phố có bề dày văn hóa nghìn năm, vẻ đẹp của những di sản vật thể, phi vật thể hài hòa với cảnh quan thiên nhiên. Thời gian qua, thành phố đã có nhiều biện pháp để phát huy giá trị này, đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó, nổi bật phải kể đến mô hình phố đi bộ xung quanh hồ Hoàn Kiếm. Phố đi bộ quanh hồ Hoàn Kiếm đã trở thành một hình mẫu thành công trong việc khai thác giá trị văn hóa để phát triển kinh tế.
Hoạt động của các tuyến phố đi bộ là điển hình của mô hình khai thác giá trị văn hóa để phát triển kinh tế. Không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận đã bắt đầu từ năm 2016.
Đánh giá về hiệu quả hoạt động của không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận, sau gần 6 năm hoạt động, không gian này đã góp phần hình thành thói quen đi bộ và nếp sống mới cho người dân Thủ đô, quảng bá hiệu quả hình ảnh Hà Nội - Thành phố Vì hòa bình.
Sau gần một năm phải đóng cửa vì đại dịch Covid-19, các hoạt động của không gian phố đi bộ trên địa bàn quận Hoàn Kiếm mở cửa trở lại từ ngày 18/3.
Theo báo cáo của UBND quận Hoàn Kiếm, chỉ tính trong 3 ngày đầu sau khi mở lại đã thu hút đông đảo du khách lên đến 40.000 lượt người, tạo ra sự sống động trong hoạt động đô thị, các điểm di tích mở cửa đón khách, đáp ứng nhu cầu của người dân.
Tuy nhiên, phương án phòng chống dịch tại các chốt và trong khu vực tổ chức không gian đi bộ được thực hiện nghiêm túc. Tại các chốt ra vào không gian đi bộ, các đơn vị thực hiện đúng tinh thần chỉ đạo, chuẩn bị đầy đủ khẩu hiệu 5K, máy đo thân nhiệt và dung dịch khử khuẩn tự động, đặt các standee mã QR, kiểm soát người tham gia vào tuyến phố. Lực lượng y tế đảm bảo quân số tại các trạm y tế phường để xử lý và hướng dẫn kịp thời các trường hợp có dấu hiệu ho, sốt.
Hoạt động của các không gian đi bộ tục được duy trì, đảm bảo yêu cầu về trật tự đô thị, trật tự an toàn giao thông, vệ sinh môi trường…
Hàng nghìn người đổ về phố đi bộ bên hồ Gươm (quận Hoàn Kiếm) để vui chơi sau gần một năm nơi đây ngừng hoạt động để phòng, chống dịch Covid-19.
Các tuyến phố Tràng Tiền, Hàng Bài, Đinh Tiên Hoàng, Hàng Khay luôn trong cảnh đông đúc. Phần lớn là các gia đình và giới trẻ tới dạo chơi dịp cuối tuần.
Mới đây, Sở Văn hóa - Thể thao Hà Nội vừa phê duyệt kế hoạch đồng ý để các đơn vị nghệ thuật của Thủ đô được biểu diễn phục vụ khán giả vào các tối cuối tuần tại khu vực phố đi bộ Hồ Hoàn Kiếm bắt đầu từ ngày 1/4.
UBND thành phố Hà Nội vừa có Kế hoạch số 93/KH-UBND về việc tổ chức Lễ hội Du lịch Hà Nội năm 2022 với chủ đề “Hà Nội - Đến để yêu” nhằm kích cầu du lịch, thu hút du khách trong nước và quốc tế đến Hà Nội để nhanh chóng khôi phục và phát triển hoạt động du lịch của thành phố Hà Nội. Dự kiến, lễ hội được tổ chức từ ngày 13 đến 15/5 tại khu vực đường Đinh Tiên Hoàng, khu vực vườn hoa Lý Thái Tổ, Nhà Bát Giác, đường Lê Thạch, phố Lê Lai, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Lễ hội để khuyến khích người dân Thủ đô đi du lịch Hà Nội, đồng thời tổ chức các chương trình du lịch cho người Hà Nội đi du lịch tới các địa phương khác an toàn, khuyến khích sử dụng dịch vụ của các doanh nghiệp du lịch đóng trên địa bàn thành phố Hà Nội. Đây cũng là cơ hội để quảng bá điểm đến du lịch Hà Nội đến bạn bè, du khách quốc tế nhân dịp Đại hội Thể thao Đông Nam Á lần thứ 31 (SEA Games 31) được tổ chức tại Hà Nội và các tỉnh lân cận. Theo kế hoạch, lễ hội Du lịch Hà Nội 2022 được tổ chức với quy mô lớn do Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch thành phố Hà Nội chủ trì, phối hợp cùng các đơn vị sở, ngành thực hiện. Lễ hội gồm khu không gian chung được thiết kế các tiểu cảnh 2D, 3D giới thiệu điểm đến du lịch Hà Nội là điểm check-in cho du khách tại khu vực phía trước tượng đài vua Lý Thái Tổ và các tuyến phố Đinh Tiên Hoàng, Lê Lai, Lê Thạch. Tại đây, du khách sẽ được check-in với những thiết kế mô hình, tiểu cảnh về Hoàng thành Thăng Long, Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Thành cổ Sơn Tây, Di tích Nhà tù Hỏa Lò… Khu gian hàng các tỉnh, thành và doanh nghiệp du lịch dự kiến khoảng 80 gian hàng được bố trí trên phố Đinh Tiên Hoàng, Lê Thạch, Lê Lai sẽ giới thiệu du lịch và đặc sản địa phương và các sản phẩm tour, combo du lịch, khách sạn, vé máy bay. Khu gian hàng của các cơ quan du lịch quốc tế giới thiệu điểm đến du lịch các nước, thúc đẩy hoạt động du lịch song phương. Ngoài ra, lễ hội còn có không gian làng nghề, ẩm thực Hà Nội ở khu vực nhà Bát Giác, giới thiệu một số sản phẩm làng nghề tiêu biểu, các món ăn, đặc sản nổi bật của Thủ đô.