Phố đi bộ: Quy chế hay quy ước?
Thành phố Hà Nội đang tham vấn ý kiến công chúng về Dự thảo Quy chế quản lý hoạt động trong không gian đi bộ (KGĐB) khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận gồm bốn chương, 24 điều.
Thành phố Hà Nội đang tham vấn ý kiến công chúng về Dự thảo Quy chế quản lý hoạt động trong không gian đi bộ (KGĐB) khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận gồm bốn chương, 24 điều.
Tuy không quá dài nhưng số lượng đối tượng và hành vi bị nó điều chỉnh lại rất lớn. Có đến 15 nhóm hành vi bị cấm đối với các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động trong KGĐB: không có những hành vi, lời nói thô thiển, tục tĩu, thiếu văn hóa, không phù hợp với thuần phong, mỹ tục; không dắt thả vật nuôi, gia súc, gia cầm; không viết, vẽ, chạm khắc, bôi bẩn... Có bốn nhóm hành vi bị điều chỉnh đối với các tổ chức, cá nhân kinh doanh: phải giao tiếp khách hàng lịch sự, hòa nhã; phải kê khai, đăng ký kinh doanh; không bày hàng hóa, vật dụng lấn chiếm vỉa hè, lòng đường...
Có hai nhóm hành vi bị điều chỉnh đối với các tổ chức, cá nhân có hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thể dục, thể thao và các hoạt động khác. Đó là phải xin phép hoặc thông báo trước cho Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội; phải thực hiện các chương trình phù hợp với giấy phép...
Ngoài ra, dự thảo Quy chế còn đề ra trách nhiệm cụ thể cho UBND quận Hoàn Kiếm và các sở, ngành của thành phố Hà Nội. Thí dụ, UBND quận Hoàn Kiếm có trách nhiệm "quản lý các hoạt động trong KGĐB"; công an thành phố "bảo đảm ANTT, an toàn giao thông, an toàn phòng cháy, chữa cháy và trật tự đô thị"; Sở Văn hóa và Thể thao "tuyên truyền nâng cao ý thức trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong việc bảo vệ và phát triển bền vững KGĐB"...
Cho dù đến nay có khá nhiều ý kiến ủng hộ Dự thảo nói trên, thì một loạt băn khoăn vẫn còn đó.
Trước hết là băn khoăn về việc xác định vấn đề và xác lập ưu tiên. Phố đi bộ (PĐB) hồ Hoàn Kiếm có vấn đề gì không? Có vẻ câu trả lời sẽ là: Không có vấn đề gì đáng kể. Nếu PĐB không có vấn đề gì đáng kể thì việc dùng hoạt động lập pháp để can thiệp sẽ rất giống với dỡ chiếc ti-vi không hỏng ra để sửa. Cách làm này gây phiền hà, tốn kém cho chính quyền thành phố và cả người dân mà ít mang lại lợi ích.
Có người sẽ cho rằng ăn mặc phản cảm và nói tục, chửi bậy là vấn đề của PĐB. Chuyện "con sâu làm rầu nồi canh" có thể khó tránh khỏi. Tuy nhiên, chắc chắn đa số người dạo chơi trong PĐB không ai làm như vậy! Và nếu coi đây là một vấn đề, thì là vấn đề rất nhỏ. Thành phố Hà Nội đang phải đối mặt với rất nhiều vấn đề khác nghiêm trọng hơn như ách tắc giao thông; ô nhiễm không khí, nguồn nước, tiếng ồn; hàng giả, hàng nhái; lãng phí, tham nhũng... và có vẻ như chưa có đủ nguồn lực để xử lý. Thế thì tại sao lại tập trung sức người, sức của để xử lý một vấn đề ít nghiêm trọng hơn rất nhiều?!
Băn khoăn thứ hai là tình trạng nhồi nhét chính sách (quá nhiều các chính sách được đưa vào trong một văn bản lập pháp). Khi tình trạng này xảy ra, thì chính sách đáng phải ưu tiên bị lu mờ, nguồn lực không thể có đủ để triển khai thi hành. Chỉ trong một bản Dự thảo Quy chế với 24 điều, nhưng có tới hàng trăm hành vi của người dân và các cơ quan công quyền bị điều chỉnh. Điều đáng nói là những hành vi nói trên đều đã bị các văn bản pháp luật khác điều chỉnh, ở trong bất kỳ không gian nào, chứ không chỉ trong KGĐB quanh hồ Hoàn Kiếm. Nếu ăn mặc phản cảm và nói tục, chửi bậy là một vấn đề của PĐB thì điều chỉnh hàng trăm hành vi khác có vẻ không thật hợp lý, chẳng khác chuyện một viên ngói bị vỡ thì dỡ cả ngôi nhà ra để sửa.
Băn khoăn thứ ba là việc lạm dụng giải pháp lập pháp. Lập pháp là một cách chính quyền phản ứng với những vấn đề trong cuộc sống, tuy đắt đỏ nhất nhưng không phải bao giờ cũng hiệu quả nhất. Quy chế cấm nói tục, chửi bậy có thể được ban hành, nhưng nếu khả năng áp đặt việc tuân thủ hạn chế, thì vẫn chỉ nằm trên giấy. Muốn áp đặt việc tuân thủ hiệu quả phải đầu tư rất lớn cho thiết bị giám sát, nhân lực và phương tiện của ngành công an, nếu không chuyện nói tục, chửi bậy vẫn cứ xảy ra. Giải pháp lập pháp vì vậy chỉ là vạn bất đắc dĩ. Đối với vấn đề ăn mặc phản cảm, nói tục, chửi bậy trên PĐB, chế tài của xã hội nhiều khi hiệu quả hơn (với mạng xã hội, những hành vi như vậy sẽ bị "ném đá" không thương tiếc). Vậy thì, nên xây dựng một bản Quy ước cho PĐB hơn là Quy chế.
Cuối cùng, tất cả những băn khoăn nói trên không chỉ riêng của thành phố Hà Nội mà còn đối với hoạt động lập pháp của cả quốc gia.