'Phố' đi Nhật
Lâu nay nhiều người vẫn gọi thôn Đồng Tân, xã Bình Nhân (Chiêm Hóa) là 'Phố đi Nhật'. Bởi, Đồng Tân bây giờ nhà nhà có con em xuất khẩu lao động sang Nhật. Những căn nhà cũ trong thôn ngày nào giờ được thay thế bằng những căn biệt thự, nhà vườn lộng lẫy; những con đường bùn đất vòng quanh làng nay là con đường bê tông to đẹp, khang trang...
Thôn có nhiều người đi Nhật nhất xã
Người đầu tiên đi xuất khẩu lao động sang Nhật ở Đồng Tân là anh Hà Thành Thực, con trai ông Hà Vĩnh Phượng. Thời điểm đó, Thực đang học năm thứ 3 trường Đại học công nghiệp Hà Nội. Thấy con ngỏ ý nghỉ học đi xuất khẩu lao động, vợ chồng ông bà Hà Vĩnh Phượng, Trần Thị Thắng bao đêm mất ngủ đắn đo. Nhưng khuyên răn mãi, con vẫn quyết tâm đi, ông bà cũng đành “bấm bụng” vay mượn lo tròn cho con. Thực là người đầu tiên ở xã Bình Nhân xuất ngoại, đồng thời cũng là người khởi xướng xuất khẩu lao động ở làng quê nghèo này.
Thực đi xuất khẩu lao động được 3 năm, hết hạn về phép, em động viên em trai và em dâu đi xuất khẩu lao động cùng mình. Vậy là 3 đứa con của ông Phượng, bà Thắng tiếp tục lên đường sang xứ người. Thấy nhà ông Phượng ngày một khấm khá, nhiều hộ gia đình ở Đồng Tân đã mạnh dạn cho con em đi theo. Người đi trước làm ăn được giới thiệu người đi sau. Cứ thế, người dân Đồng Tân theo nhau đi xuất khẩu lao động. Có gia đình có 2 đến 3 người cùng đi. Điển hình như gia đình ông Trần Ngọc Thanh có 3 con, ông Đinh Văn Ngụ có 2 con, Đinh Văn Dũng có 2 con…
Gia đình ông Trần Ngọc Thanh có 3 con sang Nhật lao động được 3, 4 năm nay, trong đó có 2 con trai, 1 con dâu. Ông Thanh chia sẻ: “Cả 2 vợ chồng tôi đều làm nông nghiệp, trước đây cuộc sống gia đình rất khó khăn. Khi các con học xong cấp 3, chúng tôi quyết định cho con sang Nhật lao động. Nhờ nguồn thu nhập lao động từ bên Nhật các con gửi về, gia đình tôi đã xây được căn nhà mới, có vốn phát triển kinh tế. Từ đó cuộc sống ổn định hơn. Tôi thấy quyết định cho con đi xuất khẩu lao động của mình rất đúng. Nếu gia đình tôi không có con đi lao động chắc chắn vợ chồng tôi khó xây được căn nhà to đẹp như ngày hôm nay”.
Cũng giống như gia đình ông Phượng, ông Thanh, các gia đình Đinh Văn Ngụ, Đinh Văn Dũng, Nguyễn Chí Sơn, Ngô Thị Chúng đều có con trai, con gái, con dâu đang lao động ở Nhật. Từ những đồng tiền kiếm được bên xứ người gửi về, những người nông dân Đồng Tân đã dành dụm xây dựng nhà cửa khang trang, đầu tư phát triển kinh tế gia đình, ổn định cuộc sống.
Thôn nghèo thay áo mới
Chúng tôi về Đồng Tân không khỏi ngỡ ngàng bởi sự đổi thay vùng đất này. Khác với hình ảnh 10 năm về trước, khi nơi đây chỉ là vùng quê nghèo, với những mái nhà sàn lợp lá, heo hút thì nay đã được thay bằng những ngôi nhà cao tầng, biệt thự khang trang, những con đường đất chật hẹp nay được thay thế bằng những con đường bê tông sạch đẹp. Dưới những thửa ruộng thường bị bỏ hoang hóa vụ đông năm nào nay ngút ngàn dưa chuột, quả lúc lỉu. Nụ cười, niềm vui của sự no ấm, an yên hiện hữu trên từng nét mặt mỗi người dân.
Thôn Đồng Tân có 142 hộ dân, nhưng có tới gần 30 người đi xuất khẩu lao động, trong đó có 22 người xuất khẩu lao động sang Nhật. Từ xuất khẩu lao động, đời sống người dân cải thiện rõ rệt. Đồng Tân từ thôn nghèo vươn mình thành một trong những thôn trù phú nhất vùng. Hiện, Đồng Tân có hơn 6 ha cây ăn quả các loại, ngoài ra, bà con còn nuôi trâu, nuôi dúi, liên kết trồng dưa. Cả thôn hiện có hơn 70 nhà xây, biệt thự, trị giá bình quân từ 500 đến 1,5 tỷ đồng; hộ khá, giàu chiếm gần 50%.
Ngày đến viết bài, chúng tôi may mắn được dự lễ khai giảng tiếng Nhật do Trung tâm đào tạo tiếng Nhật Nagomi tổ chức tại Trung tâm giới thiệu việc làm tỉnh do anh Hà Thức Thời cùng các cộng sự thực hiện. Anh Thời là người con của thôn Đồng Tân. Sau một thời gian lao động tại Nhật, hết hạn trở về nước, anh đã làm việc tại công ty tuyển dụng lao động Nhật Bản, chuyên kết nối, hỗ trợ các con em quê nhà đi xuất khẩu lao động sang Nhật. Đặc biệt, trong tháng 11 vừa qua, nhóm cộng sự của anh đã phối hợp với Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tổ chức lớp dạy tiếng Nhật tại Tuyên Quang. Không chỉ hỗ trợ, giúp đỡ các con em quê mình đi xuất khẩu lao động thuận lợi, anh Thời còn đầu tư vốn thực hiện mô hình chăn nuôi dúi tại quê nhà.
Thời chia sẻ: “Khi đi xuất khẩu lao động tại Nhật, thấy lao động bên nước bạn thu nhập khác xa quê mình, tôi luôn trăn trở sẽ có nhiều con em cùng quê được đi lao động như tôi. Bởi vậy, ngay khi trở về nước, làm việc tại công ty tuyển dụng lao động Nhật Bản, bản thân tôi đã hỗ trợ kinh phí cho gần 20 bạn sang Nhật lao động”.
Đồng chí Ngô Thị Chúng, Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Đồng Tân chia sẻ: những hộ có người thân xuất khẩu lao động, ngoài việc nâng cao chất lượng cuộc sống cho gia đình, họ còn tích cực đóng góp xây dựng công trình phúc lợi ở địa phương. Chỉ tính riêng trong năm 2022, các gia đình có người thân đi xuất khẩu lao động ở Đồng Tân đã đóng góp trên 10 triệu đồng xây dựng cổng làng, bê tông hóa đường giao thông nông thôn. Đến nay, các tuyến đường thôn hầu hết được bê tông hóa, nhà văn hóa xây đẹp khang trang.
Chia tay Đồng Tân, chúng tôi nhớ mãi nét mặt tươi vui, hạnh phúc của những người cha, người mẹ có con em đi xuất khẩu lao động ở nơi đây. Những thành quả của xuất khẩu lao động đã và đang nối dài niềm vui và góp phần đem lại nét tươi mới cho vùng quê này.
Nguồn Tuyên Quang: http://www.baotuyenquang.com.vn/phong-su/pho-di-nhat-167412.html