Phổ điểm bứt phá, Huế khẳng định chất lượng giáo dục thực chất

HNN - Lần đầu tiên, TP. Huế góp mặt trong top 10 địa phương có phổ điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông (THPT) cao nhất cả nước. Kết quả ấy là minh chứng rõ nét cho hướng đi đúng đắn, bền vững của ngành giáo dục TP. Huế trong những năm qua.

 Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025 được tổ chức nghiêm túc, chặt chẽ tại Huế

Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025 được tổ chức nghiêm túc, chặt chẽ tại Huế

Dấu ấn từ kỳ thi quốc gia

Ngay sau khi Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) công bố phổ điểm Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025, giới chuyên môn đã ghi nhận những chuyển biến tích cực từ chất lượng đề thi đến kết quả thi của học sinh trên toàn quốc. Đề thi năm nay được đánh giá có tính phân hóa cao, phù hợp với mục tiêu của chương trình giáo dục phổ thông mới, đồng thời phản ánh rõ năng lực thực chất của học sinh. Điểm thi không quá thấp đã phản ánh đúng quan điểm, mục tiêu hướng đến của chương trình giáo dục phổ thông mới.

Kết quả phổ điểm cũng cho thấy, kỳ thi đã thực hiện tốt vai trò kép: vừa làm căn cứ xét tốt nghiệp THPT, vừa là dữ liệu đáng tin cậy cho các trường đại học trong công tác tuyển sinh. Theo thống kê, cả nước có 513 điểm 10 môn toán, 141 điểm 10 môn tiếng Anh, 3.929 điểm 10 môn vật lý, 1.518 điểm 10 môn lịch sử, 6.907 điểm 10 môn địa lý, không có điểm 10 môn văn.

 Thí sinh tham dự Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025

Thí sinh tham dự Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025

Tại TP. Huế, kết quả thi tốt nghiệp năm nay thực sự là một dấu mốc đáng nhớ. Lần đầu tiên, phổ điểm của Huế xếp thứ 9/34 tỉnh, thành. Có đến 5 môn thi của Huế lọt vào top 10 tỉnh, thành có điểm trung bình cao nhất: Hóa học xếp thứ 2 (6,57 điểm); các môn ngữ văn (7,19 điểm), địa lý (6,79 điểm) và toán (4,88 điểm) cùng xếp thứ 7; vật lý xếp thứ 9 với 7,14 điểm. Riêng môn toán dù được nhận định là đề khó, phổ điểm trung bình đạt 4,88 điểm, cao hơn mặt bằng chung toàn quốc (4,78 điểm).

Nhiều thí sinh ở Huế đạt điểm 10 các môn. Vật lý có 73 điểm 10, hóa học có 14 điểm 10, địa lý có 62 điểm 10, lịch sử có 7 điểm 10, kinh tế pháp luật có 13 điểm 10, toán có 4 điểm 10... Đây là kết quả đáng tự hào, nhất là trong bối cảnh năm nay là kỳ thi đầu tiên tổ chức theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018, với nhiều điểm mới trong cách thức ra đề. Phổ điểm tăng cao cũng đồng nghĩa với tỷ lệ đỗ vào đại học sẽ tăng.

Thành quả từ quá trình “học thật - thi thật”

Năm 2022, phổ điểm của Huế xếp thứ 29/63 tỉnh, thành; năm 2023 xếp thứ 26/63 tỉnh, thành; năm 2024 xếp thứ 25/63 tỉnh, thành và năm nay xếp thứ 9/34 tỉnh, thành.

Để có được kết quả ấy, ngành giáo dục TP. Huế đã đi một chặng đường dài với những nỗ lực bền bỉ, trong đó cốt lõi là tinh thần “dạy thật - học thật - chất lượng thật” được quán triệt từ lãnh đạo thành phố và triển khai đến từng trường học. Ông Nguyễn Tân, Giám đốc Sở GD&ĐT TP. Huế khẳng định: “Phổ điểm tăng mạnh và lần đầu lọt vào top 10 toàn quốc là minh chứng rõ ràng cho sự kiên định với nguyên tắc dạy thật - học thật. Ngành giáo dục Huế không chạy theo thành tích, không dạy tủ, không học lệch, mà tập trung nâng cao chất lượng thực chất”.

Từ nhiều năm nay, Sở GD&ĐT đã chú trọng phân tích phổ điểm các kỳ thi để xác định điểm mạnh, điểm yếu, từ đó đưa ra các giải pháp phù hợp. Những môn có kết quả thấp được đầu tư hỗ trợ chuyên môn nhiều hơn, đặc biệt ở những vùng khó khăn. “Chúng tôi đưa giáo viên giỏi về hỗ trợ trực tiếp các trường vùng sâu, vùng xa; xây dựng ngân hàng đề thi sát thực tiễn; chú trọng phụ đạo học sinh yếu kém… Tất cả đều nhằm mục tiêu nâng mặt bằng chất lượng đồng đều giữa các địa phương”, ông Nguyễn Tân chia sẻ.

Không chỉ tập trung vào học sinh cuối cấp, Sở GD&ĐT còn triển khai nhiều giải pháp mang tính căn cơ từ cấp trung học cơ sở (THCS). 3 năm qua, Kỳ thi tuyển sinh THPT vào lớp 10 được áp dụng diện rộng trên toàn thành phố, thay vì chỉ những trường ở TP. Huế (cũ) như trước đây. Việc tuyển sinh vào lớp 10 kết hợp đánh giá kết quả quá trình học tập cấp THCS và điểm số kiểm tra đầu vào với 3 môn toán, văn, ngoại ngữ theo tỉ lệ 70 - 30. Chính cách tiếp cận này đã buộc các trường THCS phải nâng cao chất lượng dạy học ngay từ lớp 6, học sinh cũng có động lực học đều các môn, không chạy theo môn chính - môn phụ. Đây là yếu tố quan trọng giúp duy trì chất lượng giáo dục bền vững và từng bước nâng cao phổ điểm ở Kỳ thi tốt nghiệp THPT.

Chương trình giáo dục phổ thông mới, dù còn không ít khó khăn, đã được các nhà trường thích nghi, vận dụng linh hoạt. Học sinh được khuyến khích tự nghiên cứu, phát triển tư duy, ứng dụng kiến thức vào thực tiễn thay vì học thuộc lòng. Những đổi mới này được thể hiện rõ nét qua cách các em xử lý đề thi, không còn phụ thuộc vào khuôn mẫu, ngữ liệu trong sách giáo khoa mà thể hiện tư duy độc lập, sáng tạo.

Các kỳ kiểm tra định kỳ trong trường phổ thông thực hiện chung đề, kiểm tra chung và chung đánh giá để vừa đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ vừa phòng ngừa các biểu hiện tiêu cực trong dạy thêm, học thêm và đảm bảo công bằng trong đánh giá học sinh, cũng như tạo động lực học tập cho học sinh và phát triển năng lực cho đội ngũ.

Theo ông Nguyễn Tân, kết quả đạt được không chỉ đến từ sự nỗ lực của từng học sinh, mà là kết tinh của một hệ thống giáo dục đồng bộ: từ định hướng đúng đắn của ngành, sự kiên trì của đội ngũ giáo viên đến sự đồng hành của phụ huynh và toàn xã hội.

Nhìn vào phổ điểm năm nay, có thể thấy, TP. Huế đã và đang đi đúng hướng trong hành trình nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện. Không câu nệ nhảy vọt theo thành tích, Huế chọn con đường tiến chậm nhưng vững chắc, với niềm tin rằng, chất lượng thật mới là nền tảng vững bền cho tương lai của thế hệ trẻ.

Bài, ảnh: MINH HIỀN

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://huengaynay.vn/giao-duc/pho-diem-but-pha-hue-khang-dinh-chat-luong-giao-duc-thuc-chat-155724.html