Phó GĐ bệnh viện ở Quảng Trị tông 2 chị em nguy kịch: Viện cớ sốt... không gặp công an?

Sau khi gây tai nạn khiến hai chị em ruột nguy kịch, Phó Giám đốc Bệnh viện chuyên khoa lao và bệnh phổi tỉnh Quảng Trị không đưa hai nạn nhân đi cấp cứu mà lái xe bỏ trốn khỏi hiện trường.

Vụ việc ông Nguyễn Đặng Thắng, Phó Giám đốc Bệnh viện chuyên khoa lao và bệnh phổi tỉnh Quảng Trị lái xe ô tô tông hai chị em ruột đi xe mô tô nguy kịch tại xã Gio Mai (huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị) đang thu hút sự quan tâm của dư luận.

Đáng chú ý, sau khi gây tai nạn, ông Nguyễn Đặng Thắng đã bị ốm, phát sốt và tinh thần hoảng loạn nên hiện có đơn xin nghỉ phép. Dư luận đặt câu hỏi, vị Phó Giám đốc Bệnh viện chuyên khoa lao và bệnh phổi tỉnh Quảng Trị có viện cớ ốm sốt, hoảng loạn để biện minh cho hành vi bỏ trốn sau khi gây tai nạn hay không?

Trao đổi với PV Kiến Thức, Luật sư Đặng Văn Cường, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho biết, bác sĩ là người cứu người. Bác sĩ tốt là người có phản xạ cứu người trong mọi tình huống.

“Nếu bác sĩ thấy người gặp khó khăn hoạn nạn không cứu thì rất đáng trách, ở đây bác sĩ Nguyễn Đặng Thắng gây tai nạn dẫn đến các nạn nhân nguy kịch mà không cứu các nạn nhân lại lái xe bỏ trốn là hành vi không thể chấp nhận được”, Luật sư Đặng Văn Cường cho biết.

 Chiếc xe gây tai nạn.

Chiếc xe gây tai nạn.

Luật sư Đặng Văn Cường cho rằng, việc cứu giúp người khác trong hoàn cảnh hoạn nạn, khó khăn là nghĩa cử, là đạo đức, là văn hóa của người Việt Nam.

Dưới góc độ pháp lý thì trong những tình huống nguy hiểm, gặp người trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng, mình không phải là người gây ra nguy hiểm cho họ, có điều kiện cứu giúp nhưng không cứu giúp dẫn đến người đó thiệt mạng thì người không cứu giúp sẽ bị xử lý hình sự có thể bị phạt đến 2 năm tù.

Đối với trường hợp ông Nguyễn Đặng Thắng, Phó Giám đốc Bệnh viện chuyên khoa lao và bệnh phổi tỉnh Quảng Trị, nếu xác định ông Thắng gây tai nạn khiến 2 chị em ruột đi xe mô tô nguy kịch, gây thiệt hại đến sức khỏe của người khác thì việc cứu giúp nạn nhân là nghĩa vụ bắt buộc, là tình tiết để giảm nhẹ trách nhiệm pháp lý.

“Đối với những vụ án gây tai nạn giao thông, hành vi không cứu giúp người bị nạn, bỏ chạy sau khi gây tai nạn thì đây là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự... Bởi vậy, trong vụ việc này thì dù nguyên nhân bất kể là lý do gì, bất kể hậu quả đến đâu thì hành vi của ông bác sĩ này là rất đáng trách, đáng lên án”, Luật sư Đặng Văn Cường cho biết.

Luật sư Cường cho rằng, trong vụ việc này, nếu nạn nhân thiệt mạng hoặc thương tích từ 61 % trở lên thì có thể khởi tố ông bác sĩ, phó giám đốc bệnh viện này về Tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ theo điều 260 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017.

Video: Gây tai nạn, đâm vợ con rồi bỏ chạy

Nguồn VTC Now

Điều 260 Tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ quy định:

1. Người nào tham gia giao thông đường bộ mà vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ gây thiệt hại cho người khác thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:

a) Làm chết người; b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên; c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%; d) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm: a) Không có giấy phép lái xe theo quy định; b) Trong tình trạng có sử dụng rượu, bia mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá mức quy định, có sử dụng chất ma túy hoặc chất kích thích mạnh khác; c) Bỏ chạy để trốn tránh trách nhiệm hoặc cố ý không cứu giúp người bị nạn; d) Không chấp hành hiệu lệnh của người điều khiển hoặc hướng dẫn giao thông; đ) Làm chết 02 người; e) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% đến 200%: g) Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm: a) Làm chết 03 người trở lên; b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên; c) Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên.

4. Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ trong trường hợp có khả năng thực tế dẫn đến hậu quả quy định tại một trong các điểm a, b và c khoản 3 Điều này nếu không được ngăn chặn kịp thời, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 01 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm.

5. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

“Như vậy, trong trường hợp nạn nhân không thiệt mạng hoặc thương tích không tới 61 % thì người đàn ông này vẫn bị phạt hành chính và phải bồi thường toàn bộ thiệt hại đã gây ra đối với các bạn nhân, theo quy định của bộ luật dân sự về bồi thường thiệt hại do sức khỏe bị xâm hại thì thiệt hại sẽ bao gồm các khoản sau đây: chi phí cứu chữa, bồi dưỡng, phục hồi sức khỏe; tiền công người chăm sóc; tiền thu nhập bị mất, bị giảm sút và một khoản bồi thường tổn thất về tinh thần không quá 50 tháng lương tối thiểu”, Luật sư Đặng Văn Cường cho biết.

Tâm Đức

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: http://kienthuc.net.vn/xa-hoi/pho-gd-benh-vien-o-quang-tri-tong-2-chi-em-nguy-kich-vien-co-sot-khong-gap-cong-an-1301091.html