Phó giám đốc Công ty CP Giải pháp công nghệ VERP Hoàng Tùng Sơn: Không chuyển đổi số, doanh nghiệp khó vượt lên

Ông Hoàng Tùng Sơn

Ông Hoàng Tùng Sơn

Hiện nay, chuyển đổi số (CĐS) không chỉ là xu hướng mà đang là điều bắt buộc đối với các lĩnh vực sản xuất. Trong đó, ngành gỗ Việt Nam là một trong những ngành đang từng bước ứng dụng CĐS để phát triển bền vững.

Xung quanh vấn đề này, Báo Đồng Nai đã có cuộc trò chuyện với ông Hoàng Tùng Sơn, Phó giám đốc Công ty CP Giải pháp công nghệ VERP, doanh nghiệp (DN) đã hỗ trợ nhiều công ty CĐS thành công.

Mức chú ý vẫn còn thấp

* CĐS đang là mục tiêu, nhiệm vụ đặt ra đối với mọi ngành sản xuất. Khi ứng dụng CĐS, các DN sẽ có những lợi ích nào, thưa ông?

- Cứ tưởng tượng như 30 năm trước, nếu nói câu chuyện tin học hóa thì không ai quan tâm. Đến ngày nay, nhìn lại đã có những thay đổi hoàn toàn, chúng ta không thể làm việc với những phương tiện cũ. Vai trò của CĐS ngày càng quan trọng và là xu thế không thể thay đổi.

Những lợi ích mà quá trình này mang lại có thể thấy rõ là giúp kết nối, thu ngắn khoảng cách của các bộ phận trong DN, thúc đẩy hiệu quả trong quản trị, tối ưu năng suất làm việc của nhân viên, gia tăng chất lượng sản phẩm, nâng cao khả năng cạnh tranh. Từ đó, DN có thể cắt giảm chi phí vận hành, tiếp cận được nhiều khách hàng hơn trong thời gian dài hơn. Đồng thời, đội ngũ lãnh đạo công ty cũng được tổng hợp báo cáo, phân tích một cách chính xác hơn để ra quyết định kịp thời, tối ưu hóa được năng suất, chất lượng làm việc của nhân viên.

“DN dù quy mô nhỏ hay lớn đều có thể ứng dụng CĐS và tìm ra những giải pháp phù hợp. Điều quan trọng là người đứng đầu DN có sự thay đổi nhận thức, đánh giá đúng vai trò của việc ứng dụng công nghệ, CĐS và tìm được những người tư vấn phù hợp.

* Đối với ngành sản xuất gỗ, mức độ sẵn sàng của DN đang ở đâu?

- Đối với ngành gỗ, 2 trụ cột có thể giúp ích cho ngành rất nhiều là xúc tiến thương mại và quản trị DN. Trong đó, rất cần ứng dụng tốt CĐS để tăng kết nối có thêm đơn hàng, tăng năng suất, chất lượng sản phẩm. Tuy nhiên, 2 chỉ số nói trên, ngành gỗ cũng như một số ngành sản xuất khác hiện còn ở mức thấp.

Ở châu Âu, Mỹ, Nhật Bản, các DN đầu tư khoảng 3% doanh thu cho vấn đề công nghệ, nhưng tại Việt Nam con số này khiêm tốn hơn nhiều và lại phụ thuộc từng DN. Những vấn đề này cho thấy ngành gỗ, rộng hơn là lĩnh vực sản xuất, đang lạc hậu và cần phải cố gắng hơn.

* Theo ông, đâu là lý do chính cho hạn chế trong CĐS?

- Theo tôi, nguyên nhân chính là chi phí ban đầu bỏ ra lớn, tiếp đến là đội ngũ nhân sự chưa tiếp nhận được công nghệ mới, thiếu đối tác chuyên nghiệp, có năng lực tư vấn các giải pháp tốt. Vì thế, trong CĐS, các DN phải quan tâm đến việc ưu tiên nguồn vốn đầu tư công nghệ mới và đào tạo nguồn nhân lực làm chủ công nghệ. Điều này đòi hỏi quyết tâm của người đứng đầu DN mới có thể diễn ra thành công. Vì người đứng đầu DN không nhận thức rõ ràng về CĐS thì rất khó thành công.

DN tùy ngành nghề để lựa chọn giải pháp phù hợp

* Nhiều ý kiến cho rằng, DN càng lớn thì càng đòi hỏi nhanh chóng CĐS. Ông nhận xét gì về ý kiến này?

- Nói vậy cũng chưa hẳn đúng, lẽ dĩ nhiên đối với một DN lớn, các phương thức quản trị thông thường, truyền thống rất khó để đảm đương được. Điều đó đòi hỏi DN phải có giải pháp quản lý tốt hơn, từ khâu vận hành sản xuất tới khối văn phòng hay khối kinh doanh, thị trường.

Không có đáp án chung cho việc CĐS, do mỗi DN có đặc điểm khác nhau nên có những giải pháp khác nhau để thực hiện CĐS. Tình hình tài chính và chiến lược của DN là yếu tố quyết định trong việc xác định mục tiêu cho chiến lược CĐS. Nhiều công ty bắt đầu CĐS bằng cách rà soát các yếu tố tạo ra giá trị cho khách hàng, đồng thời phát triển các mô hình hoạt động để cung cấp giá trị. Khi đã phát triển ở mức độ lớn hơn, điều tất yếu DN sẽ có những bước thay đổi cho phù hợp. Thế giới thay đổi, đối tác thay đổi, nếu DN không chú trọng những vấn đề này sẽ rất khó để phát triển và tồn tại lâu bền.

Ngành gỗ Đồng Nai đang có nhiều cơ hội để ứng dụng chuyển đổi số.

Ngành gỗ Đồng Nai đang có nhiều cơ hội để ứng dụng chuyển đổi số.

* Ông nhắn nhủ gì với các DN trong lộ trình CĐS?

- Các DN nhỏ và vừa bắt đầu CĐS càng sớm càng tốt vì làm sớm chừng nào ít tốn chi phí chừng đó. DN nên bắt đầu từ nội lực của mình và tìm kiếm những phần mềm hợp lý. Trong đó, vấn đề tư vấn rất cần thiết, nên có người tư vấn hiểu rõ vấn đề để DN nắm rõ.

Tuy nhiên, lớn hay nhỏ, làm càng sớm càng có hiệu quả, nhất là về vấn đề dữ liệu. Tất cả mọi công ty, giá trị nằm ở dữ liệu là cao nhất và khó khăn nhất, bởi vì ngay từ đầu chưa đi vào CĐS, DN cũng đã phải sử dụng dữ liệu. Trước đây, dữ liệu ở bộ phận nào thì nằm ở bộ phận đó, nhưng ngày nay, tính liên thông, kết nối dữ liệu đã giúp cho DN rất nhiều trong việc hoạch định sản xuất.

Bằng cách tận dụng dữ liệu một cách hiệu quả, các DN có thể xây dựng các sản phẩm sáng tạo giúp cải thiện trải nghiệm của khách hàng, tự động hóa các quy trình kinh doanh để nâng cao hiệu quả cũng như cộng tác và giao tiếp với các đối tác của họ hiệu quả hơn.

* Ở góc độ rộng hơn, ông kỳ vọng như thế nào từ phía Nhà nước?

- Tôi nghĩ rằng, đầu tiên là phải thay đổi về thái độ của con người; nghĩa là về văn hóa, nhận thức, con người phải thay đổi trước, những chuyện khác sẽ tiếp diễn.

Từ phía chính quyền, cần quan tâm hơn trong đào tạo nguồn nhân lực mới, đáp ứng nhu cầu đang gia tăng của DN. Hiện chúng tôi phối hợp với Hiệp hội Gỗ và thủ công mỹ nghệ Đồng Nai trong việc nỗ lực đưa các giải pháp CĐS tới DN.

* Xin cảm ơn ông!

Đào Lê (thực hiện)

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/phong-van/202405/pho-giam-doc-cong-ty-cp-giai-phap-cong-nghe-verp-hoang-tung-son-khong-chuyen-doi-so-doanh-nghiep-kho-vuot-len-6665712/