Phó Giám đốc NIC: Tạo vốn mồi đầu tư mạo hiểm

Việt Nam vẫn còn thiếu cơ chế, chính sách và ưu đãi đủ mạnh để thúc đẩy môi trường đổi mới sáng tạo bền vững.

Thủ tướng Phạm Minh Chính thăm Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia. Ảnh: Dương Giang-TTXVN

Thủ tướng Phạm Minh Chính thăm Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia. Ảnh: Dương Giang-TTXVN

Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia đã đặt ra yêu cầu cần thu hút, sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực đầu tư cho phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số quốc gia. Thời gian qua, để thu hút đầu tư cho đổi mới sáng tạo, Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC) đã có nhiều hoạt động giúp các công ty khởi nghiệp thiết lập quan hệ với một mạng lưới các nhà đầu tư đa dạng trong nước và quốc tế.

Để hiểu rõ hơn những thuận lợi và khó khăn trong thu hút đầu tư vào đổi mới sáng tạo; đặc biệt là vốn đầu tư tư nhân, phóng viên Thông tấn xã Việt Nam đã có cuộc trao đổi với ông Đỗ Tiến Thịnh, Phó Giám đốc Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC) xung quanh nội dung này.

Phóng viên: Thúc đẩy đổi mới sáng tạo, khơi thông nguồn vốn; trong đó, có nguồn vốn tư nhân đưa Việt Nam bước vào kỷ nguyên vươn mình đang là một trong những nhiệm vụ được chú trọng. Để thu hút đầu tư cho đổi mới sáng tạo, theo ông, Việt Nam đã hội tụ các điều kiện để sẵn sàng đón nhận, hợp tác với các doanh nghiệp, nhà đầu tư trên thế giới?

Phó Giám đốc Đỗ Tiến Thịnh: Để hiện thực hóa định hướng “phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số là lựa chọn bắt buộc, là con đường duy nhất để đưa đất nước phát triển và nâng cao đời sống cho nhân dân” của Tổng Bí thư Tô Lâm, một trong những yếu tố mang tính quyết định là thu hút nguồn lực đầu tư; đặc biệt là vốn đầu tư tư nhân.

Tôi cho rằng, Việt Nam có đủ điều kiện để sẵn sàng đón nhận, hợp tác với các doanh nghiệp, nhà đầu tư từ khắp nơi trên thế giới. Trước tiên, Việt Nam có sự quyết tâm chính trị mạnh mẽ từ các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước trong việc thúc đẩy đổi mới sáng tạo và phát triển các ngành công nghệ tiên tiến. Bên cạnh đó, với dân số hơn 100 triệu người, Việt Nam đang trong giai đoạn “dân số vàng” có nguồn nhân lực trẻ đầy nhiệt huyết, năng động, khát vọng cống hiến, khả năng tiếp cận nhanh với các ngành khoa học, công nghệ và STEM, là nguồn nhân lực và thị trường đầy tiềm năng cho đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp.

Cùng với đó, Việt Nam đã hình thành được một hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp toàn diện với sự tham gia của nhiều đối tác trong nước và quốc tế. Đặc biệt, Việt Nam đã xây dựng môi trường đầu tư kinh doanh hấp dẫn với nhiều ưu đãi cho khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo với nhiều cơ chế, chính sách đặc thù, ưu đãi đặc biệt đã được ban hành như: Nghị quyết 193/2025/QH15 về chính sách đặc biệt tạo đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo; Nghị định số 182/2024/NĐ-CP của Chính phủ về việc thành lập, quản lý và sử dụng Quỹ hỗ trợ đầu tư và đang tiếp tục sửa đổi các cơ chế, chính sách liên quan đến khoa học, công nghệ, đầu tư để tạo môi trường đầu tư thuận lợi, nâng cao năng lực cạnh tranh của Việt Nam.

Ông Đỗ Tiến Thịnh, Phó Giám đốc NIC chia sẻ về những thuận lợi và khó khăn trong thu hút đầu tư vào đổi mới sáng tạo. Ảnh: Thúy Hiền/BNEWS/TTXVN

Ông Đỗ Tiến Thịnh, Phó Giám đốc NIC chia sẻ về những thuận lợi và khó khăn trong thu hút đầu tư vào đổi mới sáng tạo. Ảnh: Thúy Hiền/BNEWS/TTXVN

Phóng viên: Theo ông, những khó khăn và thuận lợi lớn nhất của hoạt động đổi mới sáng tạo hiện nay là gì?

Phó Giám đốc Đỗ Tiến Thịnh: Về thuận lợi, có thể kể đến cơ sở hạ tầng số của Việt Nam phát triển nhanh chóng trong những năm gần đây, với tốc độ tăng trưởng ấn tượng của lượng người dùng internet và điện thoại thông minh.

Việt Nam có dân số trẻ với tỷ lệ người dùng am hiểu công nghệ cao, sẵn sàng tiếp nhận các sản phẩm công nghệ mới. Thêm vào đó, đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp ở Việt Nam đang phát triển mạnh mẽ. Nền kinh tế số dự báo sẽ có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất trong khu vực Đông Nam Á, ở mức 31% trong giai đoạn 2022-2025.

Đặc biệt, nhận thức và truyền thông về đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp đã được quan tâm, từ đó, góp phần chuyển từ nhận thức sang hành động. Tuy nhiên, chiều ngược lại, Việt Nam vẫn còn thiếu cơ chế, chính sách và ưu đãi đủ mạnh để thúc đẩy môi trường đổi mới sáng tạo bền vững. Điều này đặt ra thách thức cho các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp trong việc bảo đảm nguồn vốn, thu hút, giữ chân nhân tài.

Hiện nay, thách thức lớn nhất của Việt Nam vẫn là nguồn nhân lực chất lượng cao. Chẳng hạn, Việt Nam cần đào tạo từ 50.000 - 100.000 kỹ sư bán dẫn đến năm 2030 nhưng hiện con số thống kê cho thấy cả nước chỉ có trên 5.000 kỹ sư bán dẫn. Trong khi đó, các trường đại học mới bắt đầu bước vào đào tạo ngành bán dẫn, chưa có đủ nhân sự lẫn cơ sở vật chất khi để đào tạo ngành này cần chi phí lớn với các trang thiết bị đắt đỏ.

Bên cạnh đó, về dòng vốn đầu tư mạo hiểm, Việt Nam cần có thêm những câu chuyện thành công về đầu tư mạo hiểm để tạo niềm tin cho các nhà đầu tư nước ngoài khi lựa chọn đầu tư vào các công ty Việt Nam...

Phóng viên: Diễn đàn Đầu tư đổi mới sáng tạo Việt Nam 2025 vừa diễn ra tại Hà Nội nhằm đối thoại với các nhà đầu tư, hướng tới thu hút hiệu quả dòng vốn đầu tư cho các lĩnh vực công nghệ, đổi mới sáng tạo. Theo ông, những đối tượng nào cần được hỗ trợ đổi mới sáng tạo?

Phó Giám đốc Đỗ Tiến Thịnh: Theo tôi, giai đoạn trước mắt, cần đầu tư mạnh cho hai đối tượng, đó là các tổ chức đầu mối trung gian hỗ trợ cho đổi mới sáng tạo. Hiện nay, các tổ chức này còn rất ít so với số lượng doanh nghiệp đang cần hỗ trợ. Không những thế, các tổ chức này đang thiếu nguồn lực, con người cho đến thiếu nguồn lực tài chính. Do đó, cần dồn nguồn lực cho các tổ chức này để họ có đủ cơ sở vật chất, bộ máy, nhân tài… để nâng tầm chất lượng và số lượng. Khi đó, các tổ chức này mới đáp ứng được nhu cầu cần hỗ trợ của doanh nghiệp.

Đối tượng thứ hai, đó là doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo. Số lượng doanh nghiệp hiện nay quá lớn, do vậy, chúng ta phải lựa chọn doanh nghiệp để hỗ trợ. Hiện, chúng ta đã có một số ngành, lĩnh vực để ưu tiên. Tuy nhiên, theo cá nhân tôi, danh mục ưu đãi đầu tư thì có quá nhiều. Không chỉ có Luật Đầu tư mà còn có cả nhiều Luật chuyên ngành, các Nghị quyết thí điểm của Quốc hội... Đã đến lúc, chúng ta cần co lại danh sách mục ưu tiên, ưu đãi để thực sự tạo ra các ưu đãi đột phá, tránh dài trải, từ đó, thúc đẩy phát triển các lĩnh vực trọng tâm ưu tiên.

Theo tôi, cứ doanh nghiệp nào có ý tưởng tốt, đột phá, bộ máy tốt, có mô hình tăng trưởng tốt… thì cần hỗ trợ. Theo đó, trước hết là doanh nghiệp start up, khối doanh nghiệp này đang chiếm tỷ lệ rất nhỏ trong số doanh nghiệp hiện nay. Tiếp đến là hỗ trợ cho các Trường đại học, Viện nghiên cứu để thực hiện R&D và thương mại hóa các kết quả nghiên cứu, gắn nhà trường với doanh nghiệp.

Cùng với đó là cần đầu tư vào con người; đầu tư vào “hạt giống” một cách bài bản, hãy trao cho họ cơ hội được yên tâm cống hiến. Mặt khác, cần tuyển các tài năng về tham mưu chính sách và có cơ chế trả lương, thù lao cao cho các chuyên gia (cả chuyên gia trong nước và nước ngoài) để tham gia quá trình xây dựng cơ chế, chính sách. Vì việc xây dựng cơ chế, chính sách này sẽ ảnh hưởng đến toàn bộ nền kinh tế và sẽ có thể tháo gỡ được điểm nghẽn hiện tại.

Phóng viên: Có nhiều ý kiến cho rằng, đối với doanh nghiệp, startup khởi nghiệp sáng tạo cần hỗ trợ về “vốn mồi” từ chính quyền, từ đó, các doanh nghiệp tiếp cận được các quỹ đầu tư lớn. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?

Phó Giám đốc Đỗ Tiến Thịnh: Hàng năm, Việt Nam đã thu hút trên 500 triệu USD thương vụ về vốn đầu tư mạo hiểm cho khởi nghiệp sáng tạo. Theo tôi, một trong những chính sách quan trọng nhất của câu chuyện phát triển start up là giải quyết vốn đầu tư mạo hiểm. Mà vốn đầu tư mạo hiểm cần một Nhà nước phải có vốn mồi, vốn mồi có thể rất thấp, dưới 5% nhưng từ đó có thể kéo các quỹ đầu tư khác vào.

Với khởi nghiệp sáng tạo, thực ra vốn thương mại không phải chủ yếu. Rất nhiều quỹ đầu tư lớn hàng tỷ USD sẵn sàng tham gia với điều kiện ban đầu chúng ta phải ươm tạo, có vốn mồi cho startup.

Mô hình sản phẩm đổi mới sáng tạo tại sự kiện ngày hội đổi mới sáng tạo. Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN

Mô hình sản phẩm đổi mới sáng tạo tại sự kiện ngày hội đổi mới sáng tạo. Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN

Phóng viên: Theo ông, để gỡ khó cho nguồn lực đầu tư vào đổi mới sáng tạo, chúng ta cần làm gì?

Phó Giám đốc Đỗ Tiến Thịnh: Từ trước đến nay, các doanh nghiệp không được nhận tiền tài trợ trực tiếp từ Nhà nước; trong khi quốc tế thì nhiều. Tôi ví dụ: đơn giản như hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa theo Nghị định 80/2021/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp không được nhận hỗ trợ trực tiếp mà phải qua nhiều thủ tục và mức hỗ trợ rất thấp, từ đó, doanh nghiệp không thực sự quan tâm khi so sánh lợi ích và chi phí tuân thủ quy định.

Như vậy, làm chậm quá trình và nản lòng tất cả việc tài trợ cho doanh nghiệp khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo. Sắp tới, các cơ quan soạn thảo đã bàn và xây dựng dự thảo Luật, theo đó, vai trò của Nhà nước trong chương trình quốc gia hỗ trợ đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp sẽ tiếp cận theo thông lệ quốc tế.

Hiện, có các dòng vốn đầu tư mạo hiểm đang tồn tại ở khắp thế giới. Trước đây, những dòng vốn này, Việt Nam chưa quan tâm thì nay đã chú trọng và sẽ có các cơ chế chính sách để thu hút.

Bên cạnh đó, cần có các dòng vốn đầu tư mạo hiểm từ các Tập đoàn, Tổng công ty trong nước. Trước đây là các Tập đoàn nước ngoài, sắp tới là ngay trong nước. Bởi, khi đã phát triển đến một ngưỡng nhất định, những Tập đoàn lớn như: Viettel, VNPT… thấy muốn tồn tại lâu dài, muốn phát triển bền vững, đổi mới sáng tạo thì các Tập đoàn này phải có quỹ đầu tư mạo hiểm để đầu tư vào những lĩnh vực công nghệ start up mới nổi; đó là thị trường tương lai của họ. Đó là đổi mới sáng tạo mở kết hợp với việc các Tập đoàn này tự đầu tư nghiên cứu.

Sắp tới, nếu Chính phủ có cơ chế chính sách tháo gỡ, các Tập đoàn sẽ đổi mới và sẽ tạo ra được chuỗi giá trị, các startup sẽ tham gia vào giải các bài toán của các Tập đoàn.

Phóng viên: Vậy theo ông, Việt Nam cần hành động gì để gặt hái được những thành quả từ đổi mới sáng tạo?

Phó Giám đốc Đỗ Tiến Thịnh: Để gặt hái được những thành quả từ đổi mới sáng tạo, theo tôi cần đưa ra những chính sách và cơ chế hỗ trợ đổi mới sáng tạo, bao gồm việc giảm các rào cản về quy định, thủ tục hành chính, ưu đãi thuế có trọng tâm, cung cấp các khoản tài trợ, hỗ trợ tài chính cho hoạt động nghiên cứu, phát triển ươm tạo doanh nghiệp, xây dựng cơ sở hạ tầng số dùng chung để khuyến khích đổi mới sự sáng tạo và chuyển đổi số.

Cùng với đó, đẩy mạnh hợp tác giữa các doanh nghiệp, tổ chức nghiên cứu, các viện - trường đại học. Điều này có thể bao gồm việc thành lập các trung tâm nghiên cứu, trung tâm ươm tạo... xây dựng chương trình đào tạo, thực tập để trang bị, nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo cho sinh viên, người lao động.

Phóng viên: Xin cám ơn ông!

Thúy Hiền/BNEWS/TTXVN (Thực hiện)/BNEWS/TTXVN

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/pho-giam-doc-nic-tao-von-moi-dau-tu-mao-hiem/372039.html