Theo quan niệm từ xa xưa, tục lệ đốt vàng mã Rằm tháng 7 là để tưởng nhớ tới những người đã khuất. Vì vậy, cứ đến dịp Rằm tháng 7, các tuyến phố kinh doanh hàng mã lại tấp nập người bán mua.
Mỗi năm, mẫu mã hàng hóa được đổi mới phù hợp với quan niệm “trần sao âm vậy”.
Theo khảo sát, các mặt hàng vàng mã đa dạng cả về hình thức lẫn giá cả, chỉ từ vài nghìn đồng tới vài triệu đồng, thậm chí giá thành nhiều mặt hàng vàng mã “cao cấp” còn cao hơn.
Tuy nhiên, mặt hàng được lựa chọn nhiều nhất là giấy màu, mô hình quần áo, đồ dùng cá nhân làm từ giấy, có giá từ vài nghìn đồng tới 20-30 nghìn đồng/ bộ.
Ngoài ra, các mặt hàng “xa xỉ” hơn như ô tô, biệt thự… có giá cao hơn, từ vài trăm nghìn đồng đến hàng triệu đồng.
Nhiều năm trở lại đây, người dân có xu hướng hạn chế đốt vàng mã để bảo vệ môi trường sống và và tiết kiệm chi phí.
Nhiều người trẻ cũng dần hình thành thói quen tối giản lễ cúng Rằm tháng 7. Chị Lê Thu Trang (phường Trường Thi, TP Thanh Hóa) chia sẻ: “Hai vợ chồng tôi đã bàn bạc và thống nhất, không đốt vàng mã trong ngày Rằm tháng 7 mà chỉ làm mâm cơm cúng đơn giản, thanh đạm và trái cây tươi. Quan trọng nhất vẫn là tấm lòng, sự thành tâm”.
Linh Hương