Phố lân sư rồng ở Huế đìu hiu dịp Tết Trung thu
'Năm nay chúng tôi phải đi mời chào mua lân với giá thấp nhưng không mấy người mua. Những hộ làm lân ở Huế đang kêu trời vì hàng ế ẩm', chị Lan ngậm ngùi chia sẻ.
Nghề làm lân sư rồng của các hộ dân trên đường Trần Hưng Đạo (TP Huế) có truyền thống lâu năm và được các thị trường lân cận ưa chuộng. Nhưng năm nay, do dịch bệnh diễn biến dịch phức tạp nên hàng hóa ế ẩm.
Ông Trần Trung, người làm lân lâu đời bậc nhất ở Huế, trú tại đường Trần Hưng Đạo kể, ông theo cha làm nghề từ thuở nhỏ. Dịp Trung thu của những năm trước, người dân đến nhà ông đặt mua lân rất nhiều.
Không chỉ ở Huế mà cả ngoài Quảng Trị, Quảng Bình mọi người cũng vào mua với số lượng lớn. "Nhưng năm nay, khoảng 80% khách đã không còn liên hệ để mua lân tại cửa hàng của tôi. Làm không đủ trang trải, chắc tôi phải chuyển nghề mất thôi”, ông Trung thở dài.
Chị Lê Thị Mỹ Lan, (cùng trú dãy phố lân trên đường Trần Hưng Đạo) cũng đang gặp khó khăn trong việc cung ứng sản phẩm khi các nguồn đăng ký mua lân đã không còn như những năm trước.
Theo chị Lan, để làm ra một chiếc đầu lân đẹp không hề đơn giản. Năm nay lại khó khăn hơn bội phần vì giá cả chất liệu làm lân tăng vọt nhưng nguồn cầu lại giảm nhiều, tất cả lò lân ở đây đều đang "điêu đứng".
“Những năm trước, có nhiều khách đặt hàng mà không cần phải xem mẫu và giá lân, nhưng năm nay chúng tôi phải đi mời chào mua lân”, chị Lan ngậm ngùi chia sẻ.
Ngay bên cạnh hộ chị Lan, lò lân của anh Châu Trí Dũng (45 tuổi), cũng đìu hiu khi những chiếc máy may trang phục lân vẫn nằm yên và đang chờ người đến đặt hàng.
Theo anh Dũng, những năm trước, máy sản xuất của anh làm việc hết công suất từ 6h sáng đến 20h đêm, trung bình mỗi năm lò lân của anh sản xuất khoảng 2.000 chiếc đầu lân. Nhưng năm nay, tính đến thời điểm đầu tháng 8, anh chỉ bán đi được 1/3 số lượng năm trước.
“Phố lân năm nay đã không còn nhộn nhịp như những năm trước do tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp. Tuy vậy, các hộ vẫn trưng bày sản phẩm ra phố để không quên một mùa Trung thu”, anh Dũng nói buồn.