Phố núi những ngày giãn cách

Ngay tối 27-8, các huyện đều thông báo khẩn cho người từ huyện về TP Pleiku nghỉ cuối tuần phải trở lại trước 0 giờ ngày 28. Những chuyến xe trong đêm xé gió. Những cuộc rời nhà vội vã

Nhớ hôm 27-8, TP Pleiku - nơi tôi đang sống - thông báo theo quyết định của Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai, từ 0 giờ ngày 28-8, TP sẽ thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16.

Phố xá như mùng 1 Tết

Từ trưa và chiều 27-8, Pleiku bỗng như chiều 30 Tết. Người nghìn nghịt đổ ra đường, đích đến là siêu thị, chợ, các cửa hàng tạp hóa, ào ạt như gió, đi xe không nhưng khi về thì lặc lè chở nặng. Có cảm giác như mỗi nhà lúc này là một kho hàng. Cũng thông cảm thôi, dân ta có nhiều kinh nghiệm khi đã trải qua chiến tranh, rồi một thời bao cấp...

Mọi ngả đường vào TP Pleiku, tỉnh Gia Lai đều được chốt chặn kiểm soát chặt kể từ ngày giãn cách xã hội.Ảnh: HOÀNG THANH

Mọi ngả đường vào TP Pleiku, tỉnh Gia Lai đều được chốt chặn kiểm soát chặt kể từ ngày giãn cách xã hội.Ảnh: HOÀNG THANH

Đúng sáng 28, tôi nhô lên đường quan sát. Dân Pleiku chấp hành rất nghiêm, đường vắng hẳn. Lúc này, phố xá lại giống như mùng 1 Tết. Tuy thế, người có việc cần thì vẫn ra đường được. Vợ tôi có hẹn với người bán gà. Chừng nửa buổi sáng, người bán gà chở đến nhà tôi 5 con gà làm sẵn. Tôi hỏi "đi đường có bị hỏi giấy tờ gì không?". "Dạ không chú ạ" - cô ta trả lời.

Thì ra nhiều người cứ tưởng tình hình sẽ căng như thông tin bữa giờ ở TP HCM và Hà Nội. Pleiku chỉ hạn chế ra đường, ra đường thì phải giữ khoảng cách. Mấy ông bạn già bảo giá mà quy định theo cấp độ 1, cấp độ 2 sẽ được làm gì thì dễ hiểu hơn. Như cái thời chiến tranh ấy, cứ ngắn gọn dễ hiểu thì dễ nhớ.

Nhưng với các vùng quanh Pleiku thì khác. Ngay tối 27-8, các huyện, thị đều thông báo khẩn cho những người từ huyện, thị về TP Pleiku nghỉ cuối tuần phải trở lại trước 0 giờ ngày 28. Sau đấy, nếu về thì phải cách ly và ngược lại. Những chuyến xe trong đêm xé gió. Những cuộc rời nhà vội vã.

Vài ngày là dần quen

Cuối TP Pleiku là con đường lớn mang tên Phan Đình Phùng, có cây cầu treo rất đẹp. Bên kia cầu là địa phận huyện Ia Grai. Lâu nay, chả ai nhớ là nó thuộc huyện vì thấy rất gần trung tâm TP.

Sáng ấy lừng lững một cái chốt, ngay đầu cầu treo. Vợ chồng trẻ nhà anh Thiều Ngọc Minh - vợ dạy tại một trường cao đẳng của tỉnh, chồng là chuyên viên một sở - lâu nay cứ nghĩ mình là dân TP, sáng vẫn cùng đi ăn rồi chở nhau đi làm, nay tới chốt không được qua, mới biết nhà mình thuộc huyện, đành phải quay về viết giấy xin nghỉ phép.

Một phố trung tâm TP Pleiku trong những ngày giãn cách

Một phố trung tâm TP Pleiku trong những ngày giãn cách

Rất nhiều trường hợp như thế. Nhưng rồi vài ngày là dần quen hết. Ngành giáo dục có đông người liên quan huyện và TP nhất, may là chưa khai giảng. Tuy thế, ngày nào giáo viên cũng cần có mặt ở trường để chuẩn bị khai giảng, nên rồi cũng có cách để làm việc phù hợp.

Lại nói về nguyên nhân TP Pleiku phải thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16. Là bất ngờ có gia đình kia 3 người dương tính với virus SARS-CoV-2, không rõ nguồn lây. Nếu biết nguồn lây thì dễ nhưng ở đây truy vết không ra nên đành phong tỏa khu vực có gia đình này đang ở. May mà tới giờ, tất cả F1 của gia đình này đều âm tính. Nhưng số F1 này khá nhiều. Có cả tài xế taxi, nhân viên ngân hàng, nhân viên các quán ăn, có cả nhà báo...

Sau một tuần giãn cách, tôi xách xe đi một vòng. Máy ảnh vẫn mang theo như mọi khi để chụp hình làm tư liệu thì hẳn rồi nhưng giờ còn phải nhớ mang theo đủ những giấy tờ vừa được cấp, để nếu bị hỏi thì còn khai rõ lý do ra đường. Đường vắng hẳn. Tức là người dân đã tự giác chấp hành việc giãn cách. Bao nhiêu gương tày liếp đấy, cả về nhiễm bệnh và cả bị phạt nếu vi phạm nên có liều cũng chả dám. Ghé siêu thị, hàng ê chề, vắng bóng người mua. Các chợ vẫn mở nhưng hạn chế người vào, có chốt gác, khai báo y tế và khử khuẩn rồi vào. Rất nhiều hàng tươi sống, vợ tôi vẫn mua được cua đồng, cá diếc ruộng, rau xanh mới hái.

Nhưng quảng trường trung tâm thì đúng là vắng tanh, không một bóng người. Nơi này bình thường thì sáng chiều đều đông nghịt người đi bộ thể dục. Nhà tôi ở trong hẻm trông thẳng lên quảng trường. Gọi là hẻm nhưng khá rộng, ôtô 5-7 chỗ quay đầu được. Thế là dân trong hẻm đi bộ ở đấy, thay vì lên quảng trường như mọi khi.

Rồi thì mạng điện tử của chính quyền tỉnh Gia Lai gửi thông báo, cho biết tính từ 7 giờ ngày 2-9 đến 7 giờ ngày 3-9, tỉnh Gia Lai đã lấy mẫu xét nghiệm cho 1.949 người, ghi nhận 15 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2, cụ thể: 1 trường hợp dương tính đang cách ly tại nhà ở huyện Chư Sê, là F2 của tài xế lái xe luồng xanh ở Đắk Nông, phát hiện dương tính khi test nhanh tại Bệnh viện Quân y 211 trước đó; 2 trường hợp dương tính phát hiện tại khu cách ly ở Trường Dân tộc nội trú huyện Krông Pa; 5 trường hợp dương tính ghi nhận tại Khoa Nhiệt đới Bệnh viện Đa khoa tỉnh Gia Lai, là F1 liên quan bệnh nhân chạy thận nhân tạo được phát hiện dương tính vào đêm 19-8 tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Gia Lai; 5 trường hợp tái dương tính sau khi điều trị khỏi, xuất viện và đang thực hiện giám sát y tế tại nhà ở huyện Đức Cơ...

Hầu như ngày nào tôi cũng nhận được thông báo kiểu này nên biết rõ tình hình, dần yên tâm hơn.

Rồi tại Bệnh viện 331 thuộc Sở Y tế tỉnh Gia Lai, có 2 ca sinh, một cháu ra đời lúc nửa đêm và một cháu buổi sáng, đúng ngày Quốc khánh. Trong khu cách ly của quân đội, có một số thai phụ, ban đầu chị em rất ngại và anh em có lúng túng nhưng sau thì xử lý tốt hết.

Ngoài ban chỉ đạo như tỉnh, thành nào cũng có, tỉnh Gia Lai còn thành lập thêm 4 nhóm. Có một nhóm chuyên môn do trưởng phòng nghiệp vụ y của sở y tế phụ trách; một nhóm truy vết do lực lượng công an và Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Gia Lai quản lý; nhóm truyền thông do một phó giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông nắm, có sự tham gia của lực lượng công an, tuyên giáo, đài, báo... thông tin liên tục và xử lý tin giả, tin sai, cùng truy vết...; rồi một nhóm nữa là hậu cần, chịu trách nhiệm điều phối, tiếp nhận các nguồn hỗ trợ. Các công dân Gia Lai khó khăn ở TP HCM, Bình Dương, Đồng Nai được tỉnh chuyển khoản hỗ trợ 1 triệu đồng/người. Còn trong tỉnh, thuộc diện nhận hỗ trợ thì chi trả sớm nhất trong khả năng có thể.

Nhiều cái sẽ phải khác

Thói quen của tôi và nhóm bạn già là ly cà phê sáng tại quán, nay đã phải bỏ cả chục ngày qua, rồi cũng quen dần. Thực ra, bạn tôi nhiều người ra quán cà phê không phải vì cà phê, mà vì không khí cà phê, nên có khi vào quán cà phê mà có gọi cà phê đâu.

Còn dân ghiền thứ thiệt, như tôi, thì chỉ cần cà phê đúng gu. Ngay buổi sáng nhận được thông báo TP sẽ thực hiện giãn cách, tôi gọi cho hãng cà phê hay uống, hỏi có cà phê bột không, họ bảo "có, anh chạy lên đi, em đợi". Thế là chạy lên xách về một ký. Và giờ, cứ sau ăn sáng, tại nhà, tất nhiên, lại lọ mọ tự pha một phin dù lâu lắm rồi, phải tới cả năm, toàn chơi kiểu cà phê Espresso.

Một cơ sở phục vụ nhu cầu hàng hóa thiết yếu cho người dân tại TP PleiKu

Một cơ sở phục vụ nhu cầu hàng hóa thiết yếu cho người dân tại TP PleiKu

Nhưng quả là, nếu cứ mãi giãn cách với phong tỏa thì cũng mệt. May là chúng ta đã tìm ra một phương thức mới: Sống chung để tồn tại với virus. Tôi suy ngẫm nhiều về điều này khi được nghe Thủ tướng Phạm Minh Chính nói rằng sau rất nhiều căng thẳng, vất vả và rất nhiều mất mát, chúng ta mới rút ra để có thể mọi sự trở lại bình thường. Và tất nhiên để sống bình thường, chúng ta phải thiết lập một thói quen sống mới, trong đấy có khẩu trang và... không bắt tay.

Rồi nhiều cái nữa sắp tới sẽ cũng phải khác...

Nhiều biện pháp hiệu quả

Gia Lai là một trong những tỉnh mà số ca nhiễm tăng rất chậm và đa phần đều cô lập được. Nhiều người từ TP HCM và Bình Dương về quê bằng xe máy vẫn nhớ khi đi qua Gia Lai đã được tiếp xăng miễn phí, rồi còn có cả lều dã chiến cho bà con nghỉ khi tới địa giới tỉnh Gia Lai với Đắk Lắk. Ai về nhà ở Gia Lai thì được đưa đi cách ly. Thế nên, số bị nhiễm từ dòng thác người này rất ít.

Rút kinh nghiệm các tỉnh và từ tình hình thực tế, tỉnh Gia Lai có nhiều biện pháp hiệu quả, ví dụ làm rất nghiêm trong chuyện cách ly tập trung người về từ các tỉnh, thành có dịch, mệt một chút nhưng an toàn và quả là đã an toàn. Tỉnh Gia Lai cũng thống nhất chống dịch thì căn cứ vào các dữ liệu khoa học, phải lấy y tế làm trung tâm, các quy định về y tế phải chi phối các hoạt động khác, chứ không thể cào bằng được.

Văn Công Hùng

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/thoi-su/pho-nui-nhung-ngay-gian-cach-20210904194434807.htm