Phố phường sạch đẹp từ nhận thức cộng đồng

Những thông điệp về bảo vệ môi trường cần được nhắc nhở, tuyên truyền, lan tỏa mỗi ngày mới dần nâng cao nhận thức của một bộ phận người dân

Chào đón Tết dương lịch 2024, TP HCM được trang trí lộng lẫy, đầy màu sắc, thu hút người dân đến chụp ảnh lưu niệm... Màn bắn pháo hoa tại khu vực đầu đường hầm sông Sài Gòn cũng được người dân háo hức kéo đến chiêm ngưỡng. Đáng buồn là ý thức của một số người trong việc giữ gìn vệ sinh, bảo vệ môi trường sống, ứng xử văn minh nơi công cộng... bao năm qua vẫn không cải thiện.

Những hình ảnh xấu xí

Sáng 31-12-2023, người dân đổ về công viên bờ sông Sài Gòn (TP Thủ Đức). Công viên này vừa khánh thành, có vườn hoa hướng dương là điểm nhấn nên nhanh chóng trở thành địa điểm mà nhiều người ưu tiên lựa chọn để trải nghiệm trong dịp Tết dương lịch 2024.

Tuy nhiên, dù công viên đã bố trí những lối đi xen kẽ có biển cấm và bảo vệ nhắc nhở, không ít người vẫn vô tư lẻn vào vườn hoa, giẫm lên phần đất trồng hoa, thảm cỏ để chụp hình, đi tắt.

Tối 31-12-2023, hàng ngàn người đổ về khu vực trung tâm TP HCM chờ ngắm pháo hoa mừng năm mới. Màn pháo hoa rực rỡ vừa kết thúc, nhiều người trở về nhà, để lại bãi rác khổng lồ trên phố đi bộ Nguyễn Huệ và dọc Bến Bạch Đằng.

Trong 2 ngày 1 và 2-1-2024, tại công viên Bến Bạch Đằng, công nhân môi trường vẫn tất bật thu dọn rác. Trên bãi cỏ và lề đường vẫn sót lại rải rác ly nhựa, tàn thuốc, bịch ni-lông...

Cách đó không xa, phố đi bộ Nguyễn Huệ cũng rơi vào tình trạng tương tự. "Ca làm của tôi từ 5 giờ nhưng riêng hôm đó, chúng tôi phải làm việc từ 3 giờ thì mới kịp dọn để trả lại mặt bằng sạch đẹp vào sáng hôm sau.

Chỉ riêng khu vực đường Nguyễn Huệ, lượng rác phải gấp 10 lần so với ngày thường. Dọn sạch rác là công việc của chúng tôi nhưng nếu người dân có ý thức hơn thì tốt biết mấy.

Hôm đó, tôi vừa quét xong, vậy mà 5 phút sau quay lại đã thấy xuất hiện hộp xốp, ly nhựa, khẩu trang... Người quét cứ quét, người xả cứ xả, mặc dù thùng rác được bố trí cạnh bên" - chị Liên, công nhân môi trường tại phố đi bộ, ngao ngán.

Rác vất bừa bãi trên phố đi bộ Nguyễn Huệ trong đêm 31-12-2023Ảnh: Ái My

Rác vất bừa bãi trên phố đi bộ Nguyễn Huệ trong đêm 31-12-2023Ảnh: Ái My

Đẩy mạnh tuyên truyền lẫn xử phạt

Đối lập với những hình ảnh chưa đẹp là hình ảnh các tình nguyện viên, trong đó có các em nhỏ, thu gom rác tại khu vực trung tâm TP HCM ngay trong ngày nghỉ Tết dương lịch.

Vừa đến bến tàu cao tốc Bạch Đằng, đập vào mắt chúng tôi là hình ảnh các em nhỏ được người lớn hướng dẫn mang bao tay, mở từng túi để bỏ vào đó rác thải. Khi được hỏi, một em nhỏ kể ba mẹ em hay đi dọn rác tình nguyện ở những nơi như thế này. Em xin đi theo để phụ giúp, mong môi trường được sạch đẹp hơn.

Vòng quanh các khu vực trung tâm TP HCM, chúng tôi đã gặp nhiều tình nguyện viên thu gom rác. Anh Đức Thịnh, một tình nguyện viên, cho biết rác thải tối 31-12-2023 rất nhiều. Tuy nhiên, một số nhóm tình nguyện đã thu gom rác sau lễ hội, chứng tỏ nhiều bạn trẻ rất có ý thức bảo vệ môi trường.

"Hy vọng việc nhặt rác của chúng tôi đem đến thông điệp tích cực cho cộng đồng. Đem rác về nhà và bỏ đúng nơi quy định không khó. Thế nhưng, việc tuyên truyền chưa diễn ra liên tục nên nhiều người chưa có ý thức cao. Tôi nghĩ những thông điệp như bảo vệ môi trường nên được lan tỏa mỗi ngày để dần nâng cao ý thức của một bộ phận người dân" - anh Thịnh bày tỏ.

Theo luật sư Trương Văn Tuấn, Văn phòng Luật sư Trạng Sài Gòn, tình trạng giẫm lên cỏ hay xả rác nơi công cộng không lạ, giải pháp đưa ra cũng nhiều nhưng đến nay vẫn chưa xử lý triệt để.

Khoản 2, điều 25 Nghị định 45/2022/NĐ-CP quy định hành vi thải rác trái quy định về bảo vệ môi trường có thể bị phạt tiền từ 100.000 đồng đến 2 triệu đồng, tùy vào mức độ vi phạm. Ngoài ra, người vi phạm còn bị buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu; nếu gây ô nhiễm môi trường phải thực hiện các biện pháp khắc phục.

Đối với hành vi giẫm lên khuôn viên bãi cỏ dù đã có biển cấm, theo khoản 1 điều 53 Nghị định 139/2017/NĐ-CP, người nào có hành vi làm hư hỏng cây xanh, vườn hoa, thảm cỏ có thể bị phạt từ 500.000 đồng đến 1 triệu đồng.

Nghị định này đã được thay thế bởi Nghị định 16/2022/NĐ-CP và hành vi làm hư hỏng vườn hoa, thảm cỏ không còn bị coi là vi phạm hành chính. Dù vậy, do đã có biển báo "Cấm giẫm lên bãi cỏ" nên ban quản lý hay bảo vệ công viên vẫn có quyền nhắc nhở, yêu cầu người vi phạm rời khỏi khu vực đó.

Luật sư Trương Văn Tuấn cho biết mọi hành vi vi phạm đều sẽ bị xử lý với nhiều hình thức khác nhau, tùy vào tính chất và mức độ. Tuy nhiên, để giải quyết tận gốc rễ vấn đề, cần phải nâng cao ý thức người dân trong cách ứng xử ở nơi công cộng, thông qua sự vào cuộc của các cơ quan, ban ngành, đoàn thể. Cần gắn camera ghi lại hình ảnh, làm bằng chứng, căn cứ để xử phạt nghiêm các hành vi xả rác bừa bãi.

"Nên chăng, cần thành lập một lực lượng chuyên trách đi kiểm tra, phát hiện và lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính đối với các hành vi xả rác bừa bãi trên đường phố, gây ô nhiễm môi trường sống như một số quốc gia đã áp dụng.

Đặc biệt, nhà trường và gia đình cần thường xuyên giáo dục về ý thức bảo vệ môi trường sống, trách nhiệm của mỗi người với cộng đồng dân cư và nơi công cộng.

Mỗi người cần tự giác rèn luyện ý thức bảo vệ môi trường, lên tiếng nhắc nhở, phê phán khi chứng kiến những hành vi vi phạm. Chỉ cần mỗi người có ý thức một chút sẽ góp phần xây dựng nếp sống văn minh đô thị chung" - luật sư Trương Văn Tuấn nêu ý kiến.

Ái My - Thùy An - Anh Vũ

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/pho-phuong-sach-dep-tu-nhan-thuc-cong-dong-196240102203756445.htm