'Phố quan tài' ở TP Hải Dương

Ở khu vực quảng trường Thống Nhất (TP Hải Dương), ngay sau trung tâm thương mại cũ, có một con phố lâu đời có nhiều người cùng làm nghề đóng quan tài.

Ông Vũ Văn Bình là một trong những người làm nghề đóng quan tài lâu nhất ở phố Mạc Thị Bưởi

Ông Vũ Văn Bình là một trong những người làm nghề đóng quan tài lâu nhất ở phố Mạc Thị Bưởi

Nghề đặc biệt

Có một nghề mà không ai chúc buôn may bán đắt, một nghề khách đặt nhưng không lấy hàng, phải hoàn tiền thì càng vui vẻ chúc mừng khách. Đó chỉ có thể là nghề may bộ "quần áo" cuối cùng cho người chết - nghề đóng quan tài ở phố Mạc Thị Bưởi (TP Hải Dương).

Từ quảng trường Thống Nhất rẽ vào phố Mạc Thị Bưởi, đoạn đối diện phía mặt sau trung tâm thương mại cũ, sẽ thấy hầu hết đoạn phố này đều làm nghề đóng quan tài.

Nghề đóng quan tài đã có từ rất lâu. Năm 2000, khi một số hộ ở đường Thống Nhất bị thu hồi đất để làm trung tâm thương mại và được đền bù đất tái định cư ra đây thì nghề tiếp tục phát triển ở phố này. Trên phố có một số người đóng quan tài lâu năm. Đến nay, có người đã mất, còn ông Bình, ông Nghiêm vẫn bám trụ với nghề độc đáo, đặc biệt này.

Nhìn mặt trước, con phố này nhỏ nhắn dưới hàng sấu xanh mướt với vài cửa hàng bán quan tài khiêm tốn, cũ kỹ. Hỏi ra mới biết thông ra phía sau là phố Trương Mỹ, mở ra những nhà xưởng rộng rãi đóng quan tài phục vụ những cửa hàng này.

Ghé thăm cửa tiệm nhà ông Đoàn Văn Nghiêm, tôi thấy quan tài, quách, tiểu quan và vô số đồ phục vụ tang lễ xếp từ trong ra ngoài. Ông Nghiêm làm nghề đóng quan tài đã trên 30 năm, nay con trai ông đã kế nghiệp cha.

Nhớ về những năm 1992, 1993, khi nhà nước dừng cấp quan tài, ông Nghiêm nắm bắt nhu cầu thị trường nên bắt đầu đóng quan tài phục vụ nhu cầu của người dân. Thời đó, công nhân từ huyện lên làm thuê ở hợp tác xã mộc trên phố Thống Nhất nhiều lắm.

"Khi ấy, đóng quan tài rất đơn giản, gỗ cũng nhiều loại, giá chỉ vài trăm ngàn, tương ứng với khoảng 1 chỉ vàng/ 1 cỗ quan tài. Ngày xưa có nhiều người già, người ốm đặt quan tài trước hoặc đặt cho người thân nhưng sau khỏi ốm lại không đến lấy, mình phải trả lại tiền mà thấy rất vui, còn chúc mừng người ta. Làm nghề này, Tết đến, người thân đến cũng chỉ chúc sức khỏe chứ không ai dám chúc buôn may bán đắt", ông Nghiêm vừa cười vừa nói.

Khâu dịch vụ, chăm sóc khách hàng của nghề cũng đặc biệt. Thấy khách đến mua hàng cũng không được quá niềm nở mà phải cảm thông, chia sẻ vì họ vừa mất đi một người thân. Trong ký ức mấy chục năm làm nghề đóng và bán quan tài, ông Nghiêm nhớ có người đến nhà mình mua quan tài mà vẫn rơm rớm nước mắt. Ông Nghiêm bảo bán cho người ta mình cũng buồn chứ không vui đâu. Ông chỉ hỏi độ tuổi là đoán kích thước rồi bán hàng. Đủ kích cỡ, đủ chủng loại cho người phải đi chôn cất, hoặc hỏa táng và có cả những kích cỡ đặt hàng đặc biệt.

Trước đây, khi khách hàng có nhu cầu, ông Nghiêm cũng giúp bốc mộ, đặt thi thể vào quách, quan tài. Từng có thời gian chiến đấu ở chiến trường, cận kề và đối mặt với cái chết nên ông Nghiêm bạo dạn làm nghề này suốt mấy chục năm qua.

Công phu

Người làm quách, quan tài ở phố Mạc Thị Bưởi luôn làm tỉ mỉ, cẩn thận, nhẵn nhụi cho người đã khuất

Người làm quách, quan tài ở phố Mạc Thị Bưởi luôn làm tỉ mỉ, cẩn thận, nhẵn nhụi cho người đã khuất

Gần nhà ông Nghiêm là nhà ông Vũ Văn Bình cũng làm nghề đóng quan tài lâu năm trên phố này. Ông Bình vốn là con nhà làm nghề mộc. Bố ông Bình là người làng nghề mộc Đông Giao ở xã Lương Điền (Cẩm Giàng), lên phố Thống Nhất làm nghề và góp phần phát triển nghề mộc ở đây. Nhưng đến đời ông Bình thì nghề đóng quan tài phát triển nhất. Trong khi nghề đóng bàn ghế, giường tủ khó cạnh tranh thì nghề đóng quan tài ở phố Mạc Thị Bưởi vẫn trụ vững.

Ngày xưa, quan tài đóng đơn giản chỉ có 4 tấm dài, 2 tấm ngắn ghép vào, đủ loại gỗ. Ngày nay, theo nhu cầu và sự cải thiện trong đời sống, nhu cầu với những cỗ quan tài cũng khác.

Đoạn phố Mạc Thị Bưởi ở sau trung tâm thương mại cũ ở TP Hải Dương có nhiều hộ làm nghề đóng quan tài lâu năm

Đoạn phố Mạc Thị Bưởi ở sau trung tâm thương mại cũ ở TP Hải Dương có nhiều hộ làm nghề đóng quan tài lâu năm

"Làm quan tài bây giờ với ngày xưa khác nhiều chứ, cải tiến nhiều lắm. Ngày xưa chỉ vuông thành sắc cạnh, giờ chạm trổ công phu, cao cấp mà đa dạng lắm", ông Bình chia sẻ.

Từ 4 tấm, 2 đầu vuông thành sắc cạnh, quan tài giờ chủ yếu đều có phần mui nhô lên trang trí đẹp. Phần thành dày hơn, tấm mui ở trên có khi phải dày 10 cm để chịu lực nén khi chôn cất, chiều dài, chiều rộng, độ nặng cũng lớn hơn ngày xưa nhiều.

Để đóng được một chiếc quách hoặc quan tài thành phẩm, ông Bình cẩn thận từ khâu chọn gỗ. Gỗ làm quan tài thường dùng gỗ xà cừ. Ai cao cấp hơn thì vàng tâm, gỗ dổi, gỗ ngọc am thì rất thơm. Người ta đặt gỗ nào, ông Bình phải đóng đúng gỗ đó.

Chọn gỗ xong, thuê người xẻ ra thành các tấm rồi về xưởng ông Bình mới gia công cho nhẵn nhụi. Qua bàn tay những người thợ lành nghề, các tấm gỗ ghép với nhau bằng mộng gỗ rất chắc chắn, không cần đinh cố định.

Hình chạm trổ trên quách, quan tài bây giờ cũng đa dạng. Thường nếu người đã mất là nữ thì chạm hoa sen, nam thì chạm hình rồng. Hai đầu quan tài khắc chữ thọ, chữ thọ tròn báo hiệu đấy là phần đầu, chữ thọ vuông báo phần chân. Sau đó, thợ mộc phun sơn, nhiều người thích giữ lại màu gỗ nguyên bản nên chỉ phun bóng dầu là ra thành phẩm "bộ quần áo" cuối cùng cho người đã khuất.

Các loại gỗ tốt thường sáng, rắn chắc với thời gian, lâu phân hủy. Quan tài bây giờ cũng được dán decal trang trí cho trang trọng. Giá quan tài, quách chủ yếu khác nhau cũng vì loại gỗ, dao động từ 7 triệu đến 60 triệu đồng.

Đối với quách, tiểu đặt bên trong cũng đa dạng, loại sứ, sành bình thường thì giá rẻ, đơn giản còn loại đất nung từ làng gốm Bát Tràng thì họa tiết rất cầu kỳ, công phu, sắc sảo và giá cũng cao hơn hẳn.

"Làm nghề này phải chu đáo, cẩn thận cả về tay nghề lẫn cái tâm. Người ta đặt loại gỗ gì mình phải làm loại gỗ đấy, làm thật tỉ mỉ. Người nhà có thể không phân biệt được nhưng cái tâm mình không cho phép làm trái", ông Bình tâm sự.

Từ việc chỉ đóng và bán quan tài, các hộ trên phố Mạc Thị Bưởi làm cả dịch vụ tang lễ trọn gói, tỉ mỉ, chu đáo cho người đã khuất

Từ việc chỉ đóng và bán quan tài, các hộ trên phố Mạc Thị Bưởi làm cả dịch vụ tang lễ trọn gói, tỉ mỉ, chu đáo cho người đã khuất

Nghề "may áo cho người đã khuất" ở phố Thống Nhất, nay chuyển ra phố Mạc Thị Bưởi đã nuôi sống nhiều thế hệ người dân ở đây. Đến nay, các thế hệ sau lại kế tục như gia đình ông Bình, tất cả các con trai, gái, dâu, rể đều kế thừa nghề của bố.

Từ việc chỉ đóng quan tài, các con ông đã mở thêm dịch vụ tang lễ trọn gói và cũng là một đơn vị làm dịch vụ tang lễ trọn gói đầu tiên ở Hải Dương, phục vụ cả trong và ngoài tỉnh. Người phụ trách nghi lễ, cơm nước, cắm hoa, trông xe... Trong lúc tang gia bối rối, người nhà cần gì mà có thể hỗ trợ được là các con ông Nghiêm đều nhận làm. Từ việc tắm rửa cho người chết đến đưa vào quan tài, đưa đi hỏa táng rồi chôn cất, chụp ảnh, quay lại hình ảnh đám tang... Khi nào xong xuôi công việc của người đã khuất, các con ông Bình mới hết nhiệm vụ.

Anh Vũ Văn Hùng, con trai ông Bình bảo: "Công việc làm quan tài, tổ chức tang lễ trọn gói cũng nhiều nhu cầu, đa dạng. Mình làm nghề với cả tâm huyết, bằng cái tâm với người đã khuất nên phải tùy điều kiện, mong muốn của gia đình. Nếu gia đình không có điều kiện kinh tế, mình chỉ bảo họ làm những thủ tục cần thiết, có khi còn giảm tiền, hỗ trợ thêm cho họ".

Những người làm nghề đóng quan tài trên phố Mạc Thị Bưởi luôn tâm niệm phải làm bằng cả tâm huyết, tôn trọng người đã khuất

Những người làm nghề đóng quan tài trên phố Mạc Thị Bưởi luôn tâm niệm phải làm bằng cả tâm huyết, tôn trọng người đã khuất

Vất vả đặc thù của nghề lo tang lễ là đêm muộn, sáng sớm nên hầu như cả phố không ai dám tắt chuông điện thoại bao giờ, ngay cả lúc ngủ điện thoại cũng kề cạnh. Khi có gia tang nhờ, cả nhà lại cùng nhau lo thu xếp mỗi người một việc chăm lo cho người đã khuất.

Lúc dịch Covid-19 hoành hành năm 2022, chị Phạm Hồng Nguyên, con dâu ông Bình vẫn nhớ một đoạn tin nhắn khi có người em chăm bố ở bệnh viện nhận ra giọng chị ở nhà xác trong bộ quần áo bảo hộ kín mít đang làm việc bên chiếc quan tài. Người em liền chụp ảnh, nhắn cho chị dòng tin bảo nể bà chị quá và "chúc chiến binh luôn khỏe mạnh".

Vậy mới thấy không chỉ là nghề thủ công bình thường mà nghề làm quan tài cần lắm sự tâm huyết, chu đáo với nghề, với người. Đó cũng là tâm niệm chung của những người đang làm nghề đóng quan tài trên phố Mạc Thị Bưởi cho đến ngày nay. Họ luôn nhắc nhở mình rằng làm tốt thì có phúc lâu dài.

PHONG TUYẾT

Nguồn Hải Dương: https://baohaiduong.vn/nghe-may-ao-cho-nguoi-da-khuat-o-tp-hai-duong-389675.html