Phó Thống đốc nêu hàng loạt giải pháp 'chống ế tiền'

Đơn hàng giảm, nhiều doanh nghiệp không có đầu ra, hàng hóa tồn kho khiến cầu tín dụng trong 9 tháng năm 2023 vẫn ở mức thấp. Tuy nhiên theo Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN), ông Đào Minh Tú, ngành Ngân hàng sẽ nỗ lực cùng các địa phương để gỡ khó cho doanh nghiệp, kỳ vọng tín dụng sẽ tăng nhanh hơn trong 3 tháng cuối năm.

Chế biến sản phẩm mực đông lạnh xuất khẩu tại nhà máy của Công ty cổ phần Chế biến xuất nhập khẩu thủy sản Anh Minh, thành phố Hải Phòng. Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN

Chế biến sản phẩm mực đông lạnh xuất khẩu tại nhà máy của Công ty cổ phần Chế biến xuất nhập khẩu thủy sản Anh Minh, thành phố Hải Phòng. Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN

Lãi suất cho vay mới giảm trung bình từ 1 - 1,3%

Tình trạng ngân hàng thừa tiền nhưng không cho vay được đã kéo dài nhiều tháng nay; nợ xấu tăng nhanh trong khi nhiều doanh nghiệp khát vốn lại rất khó tiếp cận tín dụng. Theo cập nhật mới nhất từ NHNN, tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống đến ngày 21/9 mới tăng 5,91%, thấp hơn nhiều so với cùng kỳ năm trước.

Tại họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 9/2023, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết: Tính đến ngày 30/9, lãi suất huy động bình quân là khoảng 5,9%, tổng vốn huy động của các ngân hàng thương mại là 12.900 nghìn tỷ đồng. Lãi suất cho vay dự đoán là khoảng 6,1 - 6,2%. Tổng dư nợ của nền kinh tế là 12.630 nghìn tỷ đồng.

“Tính đến ngày 30/9, mức giảm trung bình cho vay, nhất là khoản vay mới là 1 - 1,3%. Nhờ sự quyết liệt của NHNN, trong 9 tháng năm 2023, chính sách điều hành tiền tệ đã được thực hiện rất mạnh mẽ, chính sách tiền tệ nới lỏng ngay từ đầu năm 2023 với phương thức linh hoạt, hiệu quả, phù hợp. Do vậy, lãi suất bình quân cho vay đối với các khoản vay ngắn hạn từ 5,5 - 5,7%; lãi vay trung ngắn hạn từ 5,8 - 10%. Lãi suất của những khoản dư nợ trước đây (chưa đến kỳ trả nợ) và trả lãi thì có độ trễ do trước đây các ngân hàng thương mại (NHTM) huy động rất cao, thậm chí từ 10 - 12%, nên còn có độ trễ. Theo tính toán của chúng tôi hiện nay, mức lãi của các khoản dư nợ này dao động từ 9 - 12%”, Phó Thống đốc NHNN cho biết.

Tuy nhiên, các ngân hàng thương mại khi chưa đến kỳ các doanh nghiệp trả lãi, ngân hàng và doanh nghiệp đều có sự thống nhất hỗ trợ trong giai đoạn khó khăn. Khối tín dụng chính sách cho người nghèo, hộ thu nhập thấp cũng tăng rất cao là 8,19% và tổng dư nợ là 316 nghìn tỷ đồng với 16,7 triệu khách hàng.

“NHNN luôn xác định là đẩy mạnh việc tăng nguồn lực hỗ trợ cho doanh nghiệp khó khăn, doanh nghiệp đóng cửa, doanh nghiệp giải thể để giúp các doanh nghiệp sớm khôi phục kinh tế, nhất là sau mấy năm chống COVID-19 và đối mặt với tác động kép từ ảnh hưởng của nền kinh tế thế giới và trong nước”, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho biết.

Để “sưởi ấm” cầu tín dụng những tháng cuối năm, Phó Thống đốc cho biết: NHNN đã đưa ra nhiều giải pháp để giải quyết vấn đề mở rộng tín dụng. “Ngay từ đầu năm, NHNN đã tạo thanh khoản, dư địa cho tổ chức tín dụng (TCTD). Không có câu chuyện thiếu room tín dụng cũng như các NHTM rất thoải mái nguồn lực cho vay. Ngân hàng sử dụng công cụ để tạo nguồn lực, hạ lãi suất để đầu vào của doanh nghiệp được giảm thấp”, lãnh đạo NHNN khẳng định.

NHNN đã hạ lãi suất điều hành tới 2% cho 4 lần, thực hiện từ đầu năm đến nay. Thông điệp cũng như chỉ đạo của NHNN với các TCTD là phải hạ lãi suất cho vay. Theo ông Đào Minh Tú, điều này đang diễn ra rất tích cực, nhất là trong một tháng gần đây.

“NHNN đã rà soát lại các văn bản quy phạm pháp luật (điển hình là Thông tư 06) để tạo dư địa pháp lý cho các TCTD cung ứng sản phẩm mới, tạo thêm cạnh tranh, điều kiện cho vay nhiều hơn; đồng thời cũng ràng buộc thêm điều kiện để các NHTM phải giữ khách hàng và tiếp tục hạ lãi. Ngoài ra có các chính sách tái cơ cấu lại các khoản nợ, khoản lãi đến hạn, nếu khách hàng còn khó khăn. Cụ thể với Thông tư 42, đến nay có hơn 120.000 tỷ đồng đã được thực hiện”, Phó Thống đốc NHNN cho biết.

Từ đầu năm đến nay, hệ thống ngân hàng đã có nhiều gói tín dụng chuyên đề của Chính phủ cũng như của ngân hàng được tung ra như gói tín dụng 40.000 tỷ đồng của ngân sách để hỗ trợ 2% lãi suất; gói tín dụng 120.000 tỷ đồng để hỗ trợ mua, xây nhà ở xã hội; gói 15.000 tỷ đồng cho lĩnh vực kinh doanh thủy sản cũng như xuất khẩu gỗ. “Nếu như dùng hết gói 15.000 tỷ đồng, chúng tôi lại chỉ đạo các NHTM sẵn sàng cung ứng để giải quyết những khó khăn trước mắt cho 2 lĩnh vực này", ông Đào Minh Tú hé mở.

Ngoài ra, phía NHNN tiếp tục chỉ đạo các TCTD cải cách thủ tục hành chính, hạ phí để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp; tổ chức nhiều Hội nghị đối thoại với doanh nghiệp, các thành phần kinh tế để tháo gỡ vướng mắc ngay tại cơ sở; phối hợp với chính quyền địa phương, ngành nghề, Hiệp hội về cơ chế chính sách… Ngoài ra cần tiếp tục tăng cường tín dụng, tăng cường có các chính sách xã hội và chính sách tiêu dùng, tín dụng tiêu dùng… Đây được xem là giải pháp quan trọng nhằm thúc đẩy được nhu cầu tiêu dùng, từ đó sẽ tăng được tỷ lệ tín dụng.

Giải pháp cuối cùng được Phó Thống đốc Đào Minh Tú nêu là tiếp tục hỗ trợ thị trường trái phiếu doanh nghiệp. Các ngân hàng tiếp tục phát hành trái phiếu, nếu đủ điều kiện đảm bảo an toàn và tham gia với tư cách là nhà đầu tư vào các trái phiếu của doanh nghiệp. NHNN đang duy trì 4 TCTD với số trái phiếu trên 231.000 tỷ đồng. Thông qua các giải pháp trên, lãnh đạo NHNN kỳ vọng: Tín dụng sẽ tăng nhanh hơn trong 3 tháng cuối năm.

Các ngân hàng xoay xở

Thời gian qua, các NHTM đã chia sẻ với những khó khăn với cộng đồng doanh nghiệp. Trong bối cảnh dư tiền nhưng vốn tín dụng không ra được nền kinh tế nhưng các NHTM vẫn phải huy động vốn, trả lãi vay cho người gửi. Không ít ngân hàng đang rất "đau đầu" với áp lực tăng trưởng tín dụng rất lớn từ nay tới cuối năm.

Về tín dụng, đại diện một số NHTM cho biết, có thể chấp nhận rủi ro hơn nhưng phải thu hồi được vốn và các dự án phải có cơ sở pháp lý chắc chắn… Trong bối cảnh các cơ chế liên quan đến chính sách tín dụng đã mở, nhiều chuyên gia cho rằng: Các ngân hàng có thể trực tiếp trao đổi với doanh nghiệp để nói rõ "khẩu vị"; đồng thời tư vấn cho doanh nghiệp về cách làm để tìm tiếng nói chung.

“Với gói hỗ trợ lãi suất 2%, chỉ tính riêng tại Hà Nội, VietinBank đã hỗ trợ hơn 1.000 tỷ đồng. Với gói 30.000 tỷ đồng cho vay xây nhà ở xã hội, nhà ở khu công nhân, VietinBank đang triển khai quyết liệt. Về cho vay các lĩnh vực ưu tiên của Chính phủ, đơn cử tổng dư nợ tại Hà Nội đạt 42.000 tỷ đồng Về bố trí nguồn vốn hỗ trợ doanh nghiệp, VietinBank triển khai nhiều chương trình giảm lãi suất với mức giảm từ 2 - 3% so với chương trình thông thường...”, ông Đỗ Thanh Sơn - Phó Tổng Giám đốc phụ trách Ban điều hành VietinBank cho biết.

Để thúc đẩy tăng trưởng tín dụng những tháng cuối năm, VietinBank đề nghị NHNN có hướng dẫn về nhận biết, xác minh thông tin khách hàng là pháp nhân để triển khai chương trình hình thức định danh khách hàng điện tử (eKYC) của khách hàng doanh nghiệp. Thông tư 23/2014/TT-NHNN đã có quy định khách hàng cá nhân nhưng khách hàng doanh nghiệp chưa có quy định. Do vậy, phía VietinBank kiến nghị NHNN sớm ban hành hướng dẫn để các NHTM có hành lang pháp lý triển khai.

“NHNN xem xét điều chỉnh hệ số rủi ro của các ngành kinh tế, đặc biệt ngành bất động sản khu công nghiệp; sớm ban hành khung quy định về việc tài trợ doanh nghiệp thực hiện các dự án phát triển bền vững phi carbon, tiêu chuẩn về môi trường, xã hội và quản trị (ESG)… Ngân hàng mong doanh nghiệp chia sẻ với ngân hàng về việc thu phí trả nợ trước hạn bởi ngân hàng cũng phải trả lãi huy động vốn cho người dân. Kế hoạch sử dụng vốn, cân đối vốn đã được các ngân hàng tính toán chi tiết nên khi doanh nghiệp trả nợ trước hạn, ngân hàng sẽ bị động về dòng tiền. Tuy nhiên, tùy vào những trường hợp cụ thể, VietinBank vẫn linh hoạt xem xét nguồn tiền trả nợ doanh thu để xem xét miễn giảm lãi, hài hòa lợi ích giữa doanh nghiệp và ngân hàng”, ông Đỗ Thanh Sơn chia sẻ.

Ông Nguyễn Thanh Tùng - Tổng Giám đốc Vietcombank cho biết: Toàn bộ khách hàng có dự nợ hiện hữu đều được giảm lãi suất. Theo tính toán, sẽ có hơn 200.000 khách hàng được giảm lãi suất, với tổng dư nợ bình quân là khoảng 700.000 tỷ đồng. Với quyết định này, Vietcombank sẽ giảm khoảng 1.850 tỷ đồng lợi nhuận trong năm 2023.

“Vietcombank ưu tiên áp dụng các giải pháp chuyển đổi số vào quy trình cho vay, hỗ trợ khách hàng thực hiện vay vốn trên môi trường số nhằm nâng cao hơn nữa khả năng tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng. Ứng dụng công nghệ trong hoạt động cho vay là mục tiêu mà Vietcombank quyết tâm triển khai nhằm rút ngắn thời gian thẩm định, cấp tín dụng cho khách hàng”, ông Nguyễn Thanh Tùng chia sẻ.

Theo đánh giá của Techcombank, vấn đề lãi suất cũng như tín dụng ngân hàng không phải vấn đề cốt yếu đối với doanh nghiệp mà đánh giá rủi ro về môi trường kinh doanh mới là điều quan trọng để doanh nghiệp đưa ra quyết sách đầu tư, mở rộng kinh doanh.

“Techcombank mong có hướng dẫn chỉ đạo cụ thể của NHNN về đầu tư cho lĩnh vực kinh tế xanh; kiến nghị Bộ Tài chính rà soát, đẩy nhanh tiến độ hoàn thuế cho doanh nghiệp để bổ sung vốn cho hoạt động sản xuất kinh doanh. Phía các Bộ, ngành đẩy mạnh xúc tiến thương mại, kết nối và mở rộng các bạn hàng trên thị trường để kích cầu”, ông Phan Thanh Sơn, Phó Tổng giám đốc Techcombank kiến nghị.

Phía Agribank cho rằng: Cần có sự phối hợp đồng bộ chính sách từ các Bộ ngành nhằm góp phần tháo gỡ khó khăn về sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thúc đẩy tiêu dùng, kích thích tổng cầu, đẩy nhanh vòng quay vốn trong nền kinh tế, gia tăng nhu cầu tín dụng của khách hàng.

Ngân hàng đề nghị các doanh nghiệp cần tập trung quản trị rủi ro, đánh giá phương án kinh doanh hiệu quả, phối hợp cùng ngân hàng để huy động vốn cho sản xuất kinh doanh cũng như đẩy mạnh chuyển đổi số. Ảnh: MP

Ngân hàng đề nghị các doanh nghiệp cần tập trung quản trị rủi ro, đánh giá phương án kinh doanh hiệu quả, phối hợp cùng ngân hàng để huy động vốn cho sản xuất kinh doanh cũng như đẩy mạnh chuyển đổi số. Ảnh: MP

“Cần tiếp tục triển khai các giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, đơn giản hóa quy trình đầu tư và thủ tục hành chính; có giải pháp minh bạch hóa tài chính của doanh nghiệp, từ đó tạo điều kiện thuận lợi cho ngân hàng, cho công tác thẩm định tín dụng”, ông Đinh Tiến Đông - Giám đốc Agribank chi nhánh Hà Nội đề xuất.

Lãnh đạo các NHTM cũng đề nghị các doanh nghiệp cần tập trung quản trị rủi ro, đánh giá phương án kinh doanh hiệu quả, phối hợp cùng ngân hàng để huy động vốn cho sản xuất kinh doanh cũng như đẩy mạnh chuyển đổi số. Các doanh nghiệp cần chủ động xây dựng các phương án, các dự án sản xuất kinh doanh khả thi, tăng cường quản lý thanh khoản, dòng tiền minh bạch về tài chính, chủ động nghiên cứu và đề xuất với ngân hàng để ngân hàng có cơ sở thẩm định và quyết định cho vay.

Thống đốc NHNN, bà Nguyễn Thị Hồng.

Thống đốc NHNN, bà Nguyễn Thị Hồng.

Tại Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9/2023, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết, với tín hiệu phục hồi của sản xuất, kinh doanh và thường những tháng cuối năm tín dụng tăng cao, tín dụng sẽ tiếp tục tăng lên trong thời gian tới.

Đối với gói 120.000 tỷ đồng - gói tín dụng từ nguồn vốn và hỗ trợ lãi suất của các NHTM để góp phần thực hiện mục tiêu 1 triệu căn hộ trong 10 năm tới, lãnh đạo NHNN cho biết: Đến thời điểm này, đã có 40 dự án được công bố, tổng nhu cầu khoảng 16.000 tỷ đồng và các ngân hàng đã giải ngân khoảng gần 90 tỷ đồng.

Nếu kỳ tháng 10/2023, Quốc hội phê chuẩn Luật kinh doanh bất động sản và Luật Nhà ở, theo đó cho phép doanh nghiệp được mua nhà ở cho công nhân, theo "tư lệnh" ngành Ngân hàng, khả năng nhu cầu vay vốn từ gói này sẽ tăng.

"Các ngân hàng đang rất tạo điều kiện nhưng tiền cho vay của hệ thống các TCTD là tiền gửi của người dân nên đòi hỏi đảm bảo cho vay có khả năng thu hồi nợ theo quy định của Luật TCTD", Thống đốc chia sẻ; đồng thời đề xuất cần có các giải pháp đồng bộ như tăng cường phương thức bảo lãnh vay vốn cho các doanh nghiệp.

Bài, ảnh: Minh Phương/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/kinh-te/pho-thong-doc-neu-hang-loat-giai-phap-chong-e-tien-20231001010622362.htm