Phó Thủ tướng: Bộ Công Thương đã chủ động phối hợp với các tập đoàn kinh tế trong cung ứng điện

Ngày 7/11, tiếp tục phiên chất vấn, trả lời chất vấn đối với Bộ trưởng Bộ Công Thương; Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã 'chia lửa' nhóm vấn đề liên quan đến công tác quy hoạch điện lực.

Khẩn trương đồng bộ hóa hạ tầng cơ sở để phát triển năng lượng tái tạo

Trả lời chất vấn của các đại biểu Lê Thu Hà (Lào Cai), Nguyễn Phương Tuấn (Ninh Bình), Huỳnh Thanh Cảnh (Bình Thuận)… về vấn đề điều chỉnh Quy hoạch điện VII; việc thiếu hạ tầng truyền tải khi phát triển các dự án năng lượng tái tạo, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nêu rõ, tại thời điểm phê duyệt Quy hoạch điện VII (năm 2017) chúng ta chưa đánh giá đầy đủ triển vọng phát triển năng lượng tái tạo, năng lượng mặt trời. Hơn nữa, ở thời điểm đó, công nghệ cũng như các điều kiện phát triển điện mặt trời chưa phổ biến, không đủ để tạo đột biến trong phát triển năng lượng sạch.

Phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh diễn ra chiều ngày 6 và sáng ngày 7/11

Phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh diễn ra chiều ngày 6 và sáng ngày 7/11

Tuy nhiên, thực hiện Quyết định số 11/2017/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế khuyến khích phát triển các dự án điện mặt trời tại Việt Nam và thực hiện các mục tiêu trong Hội nghị COP21 về giảm phát thải khí nhà kính và đồng thời tạo cơ sở cho phát triển điện mặt trời, phát triển nguồn năng lượng sạch trong tương lai, bảo vệ môi trường, Bộ Công Thương đã báo cáo Chính phủ phê duyệt cơ chế thực hiện Quyết định số 11/2017/QĐ-TTg, trong đó quy định giá ưu đãi khi mua điện mặt trời là 9,35cent/kWh.

“Đây là mức ưu đãi tạo điều kiện cho các nhà đầu tư phát triển điện mặt trời và năng lượng tái tạo tại Việt Nam, đã được Bộ Công Thương phối hợp với các đơn vị tư vấn quốc tế, nghiên cứu điều kiện thực tiễn và công nghệ của Việt Nam” – Bộ trưởng đánh giá.

Thêm nữa, khi ban hành cơ chế này, Việt Nam cũng đang đứng trước nguy cơ rất lớn về thiếu điện vào năm 2019-2020, chính vì vậy điện mặt trời, điện gió được coi là nguồn năng lượng bổ sung để đáp ứng yêu cầu phát triển.

“Trên thực tế, với mức giá 9,35 cent/kWh được duy trì đến hết 30/6/2019, đến nay ta đã có 4.900 MW điện mặt trời hoàn tất, đi vào vận hành, đóng góp lớn cho nguồn điện cả nước trong năm 2019” - Bộ trưởng nói.

Liên quan đến những khó khăn, vướng mắc trong giải tỏa công suất tại các dự án điện mặt trời, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết, cuối năm 2018, Bộ Công Thương đã báo cáo trình Chính phủ và đề xuất bổ sung thêm 15 dự án hệ thống đường dây, đường truyền từ 220KV, 110KV và các dự án trạm biến áp. Tuy nhiên, vì nhiều lý do nên các dự án này đã không kịp triển khai để đón nhận công suất mới. Trong khi đó, do sự tập trung quá lớn của các dự án điện mặt trời do ưu thế của bức xạ nhiệt cao ở các tỉnh miền Trung, như: Ninh Thuận, Bình Thuận,… dẫn đến các dự án điện mặt trời không giải tỏa hết công suất.

“Với 15 dự án trên, mục tiêu đến năm 2020, tỷ lệ giải tỏa công suất của các dự án điện mặt trời có thể lên đến 60-70%, thay vì 30-40% như hiện tại” – Bộ trưởng khẳng định.

Sớm phê duyệt và triển khai Dự án Nhà máy điện khí hóa lỏng LNG Bạc Liêu

Đối với trường hợp Dự án Nhà máy điện khí hóa lỏng LNG Bạc Liêu đang chậm trễ như nội dung chất vấn của nhiều đại biểu, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết, trên cơ sở Tờ trình số 218, ngày 02/12/2018 của tỉnh Bạc Liêu gửi Bộ Công Thương về việc xây dựng Nhà máy Nhiệt điện khí thiên nhiên hóa lỏng LNG, Bộ Công Thương đã trình xin ý kiến Thủ tướng Chính phủ xem xét, đưa dự án này vào Quy hoạch điện VII.

Tháng 12/2018, Bộ Công Thương đã thực hiện xin ý kiến của các Bộ, ngành liên quan để thẩm định, tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Đến ngày 07/3/2019, Bộ Công Thương đã có văn bản báo cáo Chính phủ về việc bổ sung dự án này vào quy hoạch để có cơ sở pháp lý thực hiện. Ngày 29/8/2019, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng đã chủ trì cuộc họp xem xét các khía cạnh, nhất là các quy hoạch liên quan đến dự án này và giao cho Bộ Công Thương rà soát, đánh giá tổng hợp, bổ sung các cứ liệu liên quan để đánh giá hiệu quả dự án cũng như những tác động chung đến cân đối nguồn điện.

Tiếp đó, ngày 23/9/2019, Bộ Công Thương đã gửi văn bản đến các Bộ, ngành liên quan để xin ý kiến bổ sung. Ngày 30/10/2019, Bộ Công Thương văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ hoàn thiện báo cáo bổ sung hiện Chính phủ đang xem xét để cho ý kiến chính thức.

“Ngay sau khi Chính phủ có ý kiến chỉ đạo, Bộ Công Thương sẽ phối hợp với các Bộ, ngành, đơn vị liên quan để triển khai thực hiện dự án Nhà máy Nhiệt điện khí thiên nhiên hóa lỏng LNG” - Bộ trưởng nhấn mạnh.

Bộ Công Thương cần đưa ra giải pháp đầu tư hệ thống điện đáp ứng yêu cầu thực tiễn

Làm rõ hơn các vấn đề các đại biểu Quốc hội quan tâm, đặc biệt là nội dung liên quan đến công tác quy hoạch đầu tư nguồn và hệ thống truyền tải điện đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia trong giai đoạn tới, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã đăng đàn khẳng định, Chính phủ sẽ chủ động nhiều giải pháp đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.

Theo Phó Thủ tướng, trong những năm qua, công tác đảm bảo cung đủ điện cho nền kinh tế, dù gặp nhiều khó khăn, song đã được Bộ Công Thương, ngành điện, mà chủ công là Tập đoàn Điện lực Việt Nam cùng các tập đoàn kinh tế nhà nước liên quan và các nhà đầu tư, nỗ lực đầu tư phát triển hệ thống điện và cung ứng cho nhu cầu phát triển kinh tế.

Tuy nhiên, việc phát triển hệ thống điện đang gặp rất nhiều khó khăn và nếu không có những giải pháp hữu hiệu, quyết liệt để tháo gỡ thì sẽ có nguy cơ thiếu điện trong những năm tới.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng: Trên cơ sở Quy hoạch điện mới, Chính phủ yêu cầu Bộ Công Thương xây dựng kế hoạch cụ thể cho từng giai đoạn, làm căn cứ xác định các dự án ưu tiên để huy động vốn đầu tư thực hiện

Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng: Trên cơ sở Quy hoạch điện mới, Chính phủ yêu cầu Bộ Công Thương xây dựng kế hoạch cụ thể cho từng giai đoạn, làm căn cứ xác định các dự án ưu tiên để huy động vốn đầu tư thực hiện

Chỉ ra khó khăn, Phó Thủ tướng cho biết, trước hết là cơ cấu nguồn điện hiện đang thay đổi rất nhanh so với Quy hoạch điện VII. Vì vậy, buộc phải điều chỉnh Quy hoạch để đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Trong khi đó, dự án điện hạt nhân đã tạm dừng, các dự án nhiệt điện than gặp khó trong đầu tư do lo ngại vấn đề ô nhiễm môi trường, nhiều dự án điện chậm tiến độ (hiện có 60 dự án đang đầu tư, trong đó khoảng 30 dự án có công suất trên 30MW chậm tiến độ)… đã ảnh hưởng đến việc cung cấp điện cho nền kinh tế.

Từ thực tiễn này, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định điều chỉnh Quy hoạch điện VII nhằm bổ sung thêm các nguồn điện, đặc biệt là nguồn điện tái tạo (điện mặt trời, điện gió…) và các nguồn điện khác để bù đắp phần thiếu hụt công suất.

“Từ chủ trương trên, trong chưa đến 2 năm, ngành điện đã huy động được khoảng 4.500 MW điện mặt trời và gần 400 MW điện gió, góp phần bù đắp phần thiếu hụt công suất, đáp ứng điện cho nhu cầu sản xuất và sinh hoạt của người dân” – Phó Thủ tướng cho biết.

Về nhu cầu vốn đầu tư phát triển nguồn và lưới điện trong thời gian tới, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho biết, sơ bộ tính toán, từ nay đến năm 2030 cần khoảng 130 tỷ USD vốn, bình quân khoảng 12 tỷ USD/năm dẫn đến khó khăn trong công tác huy động vốn đầu tư và đây cũng là nguyên nhân chính dẫn đến sự chậm chễ tiến độ của các dự án phát triển nguồn và truyền tải điện.

Bên cạnh đó, việc đầu tư nguồn điện hiện đang mất cân đối giữa các vùng, miền. Cụ thể, khu vực phía Nam tiêu thụ khoảng 50% tổng sản lượng điện cả nước nhưng sản xuất điện đạt rất thấp, do đó, chúng ta phải tiếp tục đầu tư xây dựng hệ thống truyền tải điện Bắc – Nam mạch số 3 để điều tiết nguồn từ Bắc vào Nam.

Về công tác giải tỏa công suất nguồn điện tái tạo, Phó Thủ tướng chỉ rõ, tại nhiều địa phương đang gặp khó khăn do chúng ta đầu tư đường dây truyền tải điện chậm và thiếu đồng bộ so với đầu tư các dự án phát điện.

Thêm nữa, nguồn nhiên liệu cho các nhà máy nhiệt điện than và khí ngày càng lớn trong khi chúng ta đang thiếu than nên buộc phải nhập khẩu với dự kiến đến năm 2025 sẽ phải nhập khẩu khoảng 31 triệu tấn than và khoảng 2,2 triệu tấn khí hóa lỏng và đến 2030, dự kiến phải nhập khoảng 50 triệu tấn than và 12,5 triệu tấn khí hóa lỏng phục vụ phát điện.

Từ thực tế trên, để đáp ứng đủ điện cho nền kinh tế, nhất là giai đoạn 2021 – 2030, Chính phủ sẽ tập trung thực hiện một số giải pháp trọng điểm. Theo đó, giải pháp đầu tiên là tập trung lập Quy hoạch điện VIII đến 2030, tầm nhìn đến 2050 theo đúng Luật Quy hoạch với quan điểm đổi mới phương pháp quy hoạch, trong đó chủ yếu tập trung xác định rõ quy mô công suất nguồn điện của từng giai đoạn. Thứ hai, sẽ xác định cơ cấu nguồn điện, trong đó tập trung tăng nguồn điện tái tạo và điện khí trong có cấu nguồn so với Quy hoạch điện VII. Chính phủ cũng chủ trương tranh thủ tiềm năng, lợi thế của các khu vực để bố trí cơ cấu nguồn điện một cách phù hợp, đồng thời, phân bố nguồn phù hợp với nhu cầu của từng vùng, miền, tránh tình trạng mất cân đối như hiện nay. Cũng theo Phó Thủ tướng, trong Quy hoạch điện VIII sẽ tính toán một cách phù hợp việc đầu tư hệ thống truyền tải điện, đáp ứng yêu cầu giải tỏa công suất và đảm bảo an toàn, hiệu quả.

“Trên cơ sở tính toán tổng thể công suất và cơ cấu nguồn điện cho từng giai đoạn, Chính phủ sẽ bổ sung các nguồn điện mới vào quy hoạch, trong đó tiếp tục khuyến khích đầu tư điện mặt trời, điện gió và bổ sung thêm các dự án điện khí” – Phó Thủ tướng nhấn mạnh và cho biết thêm, trên cơ sở Quy hoạch mới, Chính phủ yêu cầu Bộ Công Thương xây dựng kế hoạch cụ thể cho từng giai đoạn, làm căn cứ xác định các dự án ưu tiên để huy động vốn đầu tư thực hiện. Đồng thời, tập trung tháo gỡ khó khăn cho các dự án trọng điểm của ngành điện đang chậm tiến độ để sớm đưa vào hoạt động, điển hình như các dự án Nhiệt điện Thái Bình 2, Sông Hậu 1, Long Phú 1…

Thu Hằng - Hoàng Châu

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/pho-thu-tuong-bo-cong-thuong-da-chu-dong-phoi-hop-voi-cac-tap-doan-kinh-te-trong-cung-ung-dien-127840.html