Phó Thủ tướng: 'Làm quy hoạch cần nguồn lực rất lớn'
'Không ai có thể nói quy hoạch của chúng ta hôm nay là tốt nhất. Nhận thức là một quá trình, nếu điều chỉnh cho tốt hơn cần được khuyến khích, khác với việc điều chỉnh quy hoạch để mang lại lợi ích cá nhân, làm phương hại lợi ích quốc gia, lợi ích của cộng đồng', Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng lưu ý khi kết luận Hội nghị triển khai Luật Quy hoạch sáng 15/7.
Ảnh hưởng rất lớn đầu tư, phát triển
Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh Võ Văn Hoan phản ánh, việc bãi bỏ một số quy hoạch ngành, lĩnh vực trong khi chưa có quy hoạch mới theo quy định của Luật Quy hoạch, chưa được lập, chậm kịp thời bổ sung và điều chỉnh do đó ảnh hưởng rất lớn đến đầu tư, khuyến khích và huy động các nguồn lực cho đầu tư phát triển của thành phố.
“Đề nghị Trung ương cho phép thành phố được tiếp tục thực hiện những nội dung đã có trong quy hoạch. Khi nào có quy hoạch chung và quy hoạch chuyên ngành được phê duyệt sẽ tiến hành bãi bỏ các quy hoạch cũ. Có như vậy chúng ta mới giải quyết được bài toán hiện nay về đầu tư, huy động nguồn lực”, ông Hoan kiến nghị.
Chủ tịch UBND Quảng Ninh Nguyễn Văn Thắng cũng nêu thực tế là việc điều chỉnh các quy hoạch được tích hợp trong quy hoạch tỉnh chưa được quy định cụ thể trong luật cũng như nghị định, thông tư hướng dẫn. Do đó khi quy hoạch tỉnh chưa được phê duyệt, thì tất cả quy hoạch dự kiến được tích hợp sẽ phải giữ nguyên, không được điều chỉnh. Vì vậy các địa phương gặp khó, nhất là việc bổ sung các dự án cấp bách.
Ông dẫn chứng năm 2018, Thủ tướng đã cho phép Quảng Ninh được bổ sung vào quy hoạch và thành lập khu kinh tế Quảng Yên, bổ sung một số khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh. Nhưng khi đang triển khai thì Luật Quy hoạch mới có hiệu lực nên bị vướng chưa thể triển khai tiếp.
“Việc này ảnh hưởng rất lớn đến các nhà đầu tư, đặc biệt ở khu kinh tế Quảng Yên, khi triển khai xây dựng hạ tầng khu công nghiệp, các nhà đầu tư cũng đang tìm cách kéo dài thời gian để chờ ứng xử của chính quyền”, Chủ tịch tỉnh Quảng Ninh chia sẻ.
Bảo đảm dòng chảy liên tục của quá trình phát triển
Ghi nhận những ý kiến của các địa phương, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhìn nhận, đây là những quy hoạch mới, lần đầu tiên xây dựng, đồng thời yêu cầu tích hợp rất cao nên rất khó triển khai. “Khối lượng các quy hoạch phải lập là rất lớn. Cùng lúc 63 tỉnh, thành phố đều phải lập quy hoạch tỉnh, thành phố. Các ngành đều phải lập quy hoạch phát triển ngành. Chính phủ lập Quy hoạch tổng thể quốc gia. Do đó cần nguồn lực rất lớn, đặc biệt là nguồn lực về con người”.
Về việc thực hiện điều chỉnh quy hoạch trong thời kỳ 2021-2030, Phó Thủ tướng cho rằng, đây là vướng mắc rất lớn. Làm sao để điều chỉnh cục bộ khi các luật chuyên ngành đã hết hiệu lực, trong khi Luật Quy hoạch mới yêu cầu phải thực hiện theo đúng trình tự, 5 năm mới được điều chỉnh một lần. Luật chưa bao quát hết các trường hợp phải điều chỉnh quy hoạch cục bộ.
Trong thực tế, theo Phó Thủ tướng, điều chỉnh quy hoạch là nhiệm vụ trong hoạt động quy hoạch, đồng thời cũng là nhiệm vụ trong quá trình thưc hiện quy hoạch. “Không ai có thể nói quy hoạch của chúng ta hôm nay là tốt nhất. Nhận thức là một quá trình, nếu điều chỉnh cho tốt hơn cần được khuyến khích, khác với việc điều chỉnh quy hoạch để mang lại lợi ích cá nhân, làm phương hại lợi ích quốc gia, lợi ích của cộng đồng”, Phó Thủ tướng bày tỏ quan điểm.
Theo Phó Thủ tướng, quá trình đầu tư, sản xuất, kinh doanh và phát triển kinh tế - xã hội là một dòng chảy liên tục, không thể ngắt quãng. Do đó, không để do quy hoạch mà ảnh hưởng đến quá trình phát triển kinh tế xã hội. Thực hiện nghiêm Luật Quy hoạch, nhưng phải làm sao để đảm bảo dòng chảy liên tục của quá trình phát triển, không để vướng mắc như vừa qua.
Từ đó, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ KH&ĐT chủ trì phối hợp với các Bộ ngành sớm trình Chính phủ để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội hướng dẫn một số điều liên quan đến Luật Quy hoạch.