Phó Thủ tướng Lê Minh Khái: Khẩn trương xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù vượt trội cho TPHCM
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cho biết, để phát triển mạnh mẽ, toàn diện TPHCM theo đúng tinh thần Nghị quyết 31, Chính phủ, Thủ tướng đã chủ động chỉ đạo Bộ KH-ĐT chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan và TPHCM khẩn trương xây dựng một số cơ chế, chính sách đặc thù vượt trội và phân cấp cho TPHCM thẩm quyền, trách nhiệm giải quyết công việc phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ đặc thù của thành phố.
Ngày 16-1, tại TPHCM, Ban Bí thư tổ chức Hội nghị quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết 31-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TPHCM đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Hội nghị diễn ra theo hình thức trực tiếp tại Hội trường TPHCM kết hợp trực tuyến đến các điểm cầu của TPHCM.
Chủ trì hội nghị có các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị: Võ Văn Thưởng, Thường trực Ban Bí thư; Trần Thanh Mẫn, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội; Nguyễn Văn Nên, Bí thư Thành ủy TPHCM và các đồng chí Bí thư Trung ương Đảng: Nguyễn Trọng Nghĩa, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; Lê Minh Khái, Phó Thủ tướng Chính phủ.
Phát huy tính năng động, sáng tạo vì lợi ích chung
Kết quả sau 10 năm thực hiện Nghị quyết 16 của Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái chia sẻ: Bộ Chính trị đánh giá Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TPHCM đã nỗ lực phấn đấu đạt được nhiều thành tựu rất quan trọng trên các lĩnh vực, đóng góp cho sự nghiệp đổi mới, hội nhập và phát triển của đất nước. TPHCM tiếp tục là động lực, đầu tàu, dẫn dắt trong nhiều lĩnh vực của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và cả nước; là cửa ngõ quan trọng kết nối với khu vực và thế giới.
Dù vậy phải thẳng thắn nhìn nhận, TPHCM còn những hạn chế, bất cập và khó khăn, thách thức. Trong đó, nhiều yếu tố tiềm năng, lợi thế của thành phố chưa được khai thác thực sự hiệu quả.
Nguyên nhân chủ yếu là do công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện các nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tinh thần năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, ý thức trách nhiệm, vì lợi ích chung của một số cấp ủy, chính quyền và một bộ phận cán bộ, đảng viên của TPHCM chưa cao. Có lúc, có nơi chưa tích cực, chủ động phối hợp với các cơ quan Trung ương trong tổ chức thực hiện nghị quyết, kết luận của Bộ Chính trị và nghị quyết của Quốc hội về phát triển TPHCM.
Vì vậy, quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết 31, TPHCM cùng các bộ, ban ngành, các địa phương liên quan cần thẳng thắn nhìn nhận, rút kinh nghiệm, có các biện pháp hiệu quả nhằm khắc phục những hạn chế, yếu kém đã được chỉ ra. Trong đó, tập trung, quyết liệt thực hiện các chủ trương, chính sách, nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm trên các lĩnh vực nhằm tạo ra sự chuyển biến mang tính đột phá.
Đồng chí Lê Minh Khái gợi mở các nội dung mà các cấp, các ngành, các địa phương, các cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên trong cả nước, đặc biệt là Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TPHCM tập trung nghiên cứu, quán triệt.
Trong đó, phải thống nhất, nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò quan trọng đặc biệt về chính trị, kinh tế, văn hóa xã hội, quốc phòng an ninh và đối ngoại của TPHCM. Xác định việc xây dựng và phát triển TPHCM văn minh, hiện đại là nhiệm vụ chính trị quan trọng của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, của cả hệ thống chính trị với phương châm "TPHCM vì cả nước, cả nước vì TPHCM".
“Đây cũng chính là một trong 3 quan điểm quan trọng tại Nghị quyết 31. Do đó, các ban, bộ, ngành, cơ quan trung ương và các địa phương khác trong cả nước cần có trách nhiệm chung trong việc xây dựng cơ chế, chính sách cũng như hỗ trợ nguồn lực phù hợp để TPHCM phát triển mạnh mẽ hơn nữa trong thời gian tới”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Song song đó, cần khẩn trương xây dựng và triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các chương trình, kế hoạch hành động nhằm cụ thể hóa Nghị quyết 31 với lộ trình thực hiện, phân công nhiệm vụ và các mục tiêu, chỉ tiêu rõ ràng gắn với việc định kỳ kiểm tra, đánh giá việc thực hiện từng năm.
Phó Thủ tướng cũng khẳng định, để phát triển mạnh mẽ, toàn diện TPHCM theo đúng tinh thần Nghị quyết 31, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ KH-ĐT chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan và TPHCM khẩn trương xây dựng một số cơ chế, chính sách đặc thù vượt trội và phân cấp cho TPHCM thẩm quyền, trách nhiệm giải quyết công việc phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ đặc thù của thành phố.
Cùng với đó là phát huy tính năng động, sáng tạo vì lợi ích chung của thành phố, đáp ứng yêu cầu phát triển TPHCM trong giai đoạn mới. Ngoài ra, đẩy nhanh tiến độ chuẩn bị và đầu tư xây dựng mới các công trình, dự án trọng điểm quốc gia về hạ tầng giao thông, thủy lợi, môi trường, đô thị trên địa bàn thành phố. Trong đó, ưu tiên hơn nữa nguồn lực đầu tư cho phát triển, bảo đảm kinh phí thực hiện các dự án lớn, quan trọng, nhất là các dự án đường Vành đai 3, Vành đai 4, đường sắt TPHCM – TP Cần Thơ, nâng cấp Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất…
Khẩn trương tháo gỡ toàn bộ các điểm nghẽn
Trao đổi tại hội nghị, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Phú Cường cho rằng rằng, trên cơ sở những tồn tại, hạn chế, nguyên nhân và bài học trong việc thực hiện Nghị quyết 54 của Quốc hội cần khẩn trương tháo gỡ các điểm nghẽn nhằm định hình khuôn khổ chính sách thống nhất, có hiệu quả tích cực cho sự phát triển TPHCM.
Ngoài ra, TPHCM nghiên cứu xây dựng cơ chế chính sách đặc thù theo 4 nhóm chính sách. Đó là những chính sách đã triển khai có hiệu quả và cần tiếp tục thực hiện tại Nghị quyết 54; những chính sách đặc thù đã được Quốc hội quyết định cho một số tỉnh, thành phố khác phù hợp với TPHCM; các chính sách được quy định tại các luật liên quan đang được Chính phủ xây dựng trình Quốc hội sửa đổi, bổ sung để có thể thí điểm và áp dụng thực hiện trước một bước tại TPHCM; những chính sách mới chuyên biệt để tháo gỡ vướng mắc, tạo đột phá cho sự phát triển của thành phố.
TPHCM cũng nghiên cứu kỹ lưỡng, xây dựng chính sách, cơ chế đặc thù cần có trọng tâm, trọng điểm để giải quyết những vấn đề lớn, tháo gỡ các điểm nghẽn cho sự phát triển của thành phố. “Các đề xuất ban hành chính sách cần hướng tới người dân, doanh nghiệp, bảo đảm sự đồng thuận trong nhân dân. Đồng thời, đánh giá tác động kỹ lưỡng về mọi mặt, tránh việc ban hành xong khó thực hiện hoặc không thể thực hiện được”, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội nhấn mạnh.
Trao đổi về vấn đề hạ tầng giao thông, Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Long An Nguyễn Văn Được nhìn nhận, TPHCM còn nhiều điểm nghẽn, trong đó có điểm nghẽn về giao thông, không chỉ nghẽn trong TPHCM mà còn nghẽn giữa TPHCM với các tỉnh phía Đông và Tây Nam bộ. Đây là một trong những nguyên nhân góp phần cho sự phát triển của TPHCM không xứng tầm với tiềm năng vốn có của TPHCM.
Trước thực trạng trên, tỉnh Long An kiến nghị Trung ương, Bộ Chính trị, Quốc hội quan tâm hỗ trợ TPHCM và các tỉnh phía Nam tháo gỡ nhanh các điểm nghẽn về giao thông. Cần có cơ chế đặc biệt để TPHCM hình thành Trung tâm Tài chính quốc tế.
Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Long An bày tỏ, TPHCM tiếp tục đóng vai trò tích cực hơn nữa, quyết liệt hơn nữa để phát triển khu vực phía Nam. Đồng thời, tập trung phát triển giao thông kết nối với các tỉnh, tạo liên thông, liên mạch, liên vùng.
Tương tự, theo Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bình Dương Mai Hùng Dũng, Đông Nam bộ đóng góp lớn vào kinh tế cả nước, trong đó vai trò đầu tàu của TPHCM là không thể bàn cãi. TPHCM đóng vai trò lan tỏa sự phát triển đến khu vực lân cận, nhưng thời gian qua đầu tàu này yếu đi và dần chậm lại, nhiều điểm nghẽn trong kết nối vùng làm cản trở sự phát triển, đưa cả vùng chậm lại.
Việc ban hành Nghị quyết 31 thời điểm này là cần thiết và phù hợp để gỡ điểm nghẽn, nút thắt, qua đó phát huy vai trò của mình. Đại diện tỉnh Bình Dương cho rằng hành lang Đông Nam bộ là trục kinh tế của vùng, thực chất là nối từ Tây Nguyên qua Bình Dương, Đồng Nai đến Cảng Cái Mép Thị Vải, TPHCM đã phát triển và lấp đầy Vành đai 2 nên khoảng cách đến Vành đai 3 là cung đường phù hợp nhất để phát triển đô thị và các cơ sở hạ tầng quốc gia.
Riêng tại Bình Dương, do hạ tầng được đầu tư nhanh nên đô thị công nghiệp đã lấp đầy đến đường Vành đai 3, không gian phát triển nhanh đến Vành đai 4. Hiện theo nghiên cứu đề xuất của tư vấn lập quy hoạch Bình Dương thì Vùng TPHCM cần thêm đường Vành đai 5 để phát triển trong giai đoạn tiếp theo.
Đại diện tỉnh Bình Dương đề xuất Trung ương sớm ban hành cơ chế hỗ trợ TPHCM cũng như hỗ trợ vùng để sớm hoàn thiện các kết nối đa phương thức gồm đường bộ, đường thủy, đường sắt để hỗ trợ vận tải hàng hóa, hành khách. Đặc biệt ưu tiên kết nối bằng đường sắt đô thị với các tuyến từ Bình Dương đến trung tâm TPHCM theo hướng nối dài mạng lưới đường sắt trung tâm TPHCM qua các vùng của TPHCM. Qua đó mở rộng không gian phát triển về nguồn nhân lực, dịch vụ thương mại du lịch, khoa học công nghệ, hướng tới phát triển TPHCM, vùng Đông Nam bộ thành vùng đi đầu trong đổi mới sáng tạo của quốc gia.
Trong thời gian tới, với sự quan tâm của Trung ương, sự đồng lòng của TPHCM và các tỉnh Vùng Đông Nam bộ và Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, TPHCM sẽ trở thành hòn ngọc Viễn Đông, xứng đáng với tiềm năng và kỳ vọng của đất nước.
Bí thư Thành ủy TP Thủ Đức Nguyễn Hữu Hiệp thông tin về các kết quả sau 2 năm thành lập TP Thủ Đức. Dù vậy, để xứng đáng với các định hướng lớn xét trên góc độ nguồn lực, dư địa phát triển thì TP Thủ Đức trong cơ chế hiện nay chưa thật sự đáp ứng với kỳ vọng của Trung ương, của TPHCM và của nhân dân.
Bí thư Thành ủy TP Thủ Đức bày tỏ vinh dự khi được Nghị quyết 31 đề cập, do đó TP Thủ Đức đã tập trung nghiên cứu để có những kiến nghị sát với những đòi hỏi bức thiết tại địa phương.
Cụ thể, TP Thủ Đức đề xuất được xem xét thành lập Ban Đô thị HĐND TP Thủ Đức và tăng số lượng đại biểu chuyên trách lên 8 đại biểu; thành lập phòng Giao thông Công chánh; bổ sung 1 phó Chủ tịch UBND TP Thủ Đức. TP Thủ Đức cũng đề xuất được phép nghiên cứu triển khai Trung tâm dịch vụ hành chính công. Trong thời gian thí điểm 3 năm, TP Thủ Đức mong muốn được giữ lại toàn bộ nguồn tiền thu sử dụng đất trên địa bàn để chi đầu tư phát triển; được lập dự án bồi thường theo quy hoạch để thu hồi đất gắn với phát triển đô thị theo mô hình giao thông công cộng và tạo quỹ đất phục vụ đấu giá tạo nguồn lực chi đầu tư phát triển trên địa bàn.
Đồng thời, được ưu tiên đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng quan trọng để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội từ nguồn vốn của Trung ương và TPHCM. Cùng với đó, đồng chí kiến nghị quan tâm xây dựng các cơ chế chính sách giải quyết mối quan hệ giữa chính quyền đô thị với khu vực tư nhân và xã hội trong quản lý phát triển đô thị.
Theo đồng chí, đây là mối quan hệ “tay ba” trong quản lý phát triển đô thị mà bất luận chính quyền đô thị nào cũng cần đặt ra và giải quyết thỏa đáng trong điều kiện phát triển kinh tế thị trường. Chẳng hạn, có thể cho phép chủ đầu tư các dự án chung cư thuê lại đất dùng cho công viên và trường học để đầu tư, khai thác thực hiện nghĩa vụ và phục vụ nhân dân.