Phó Thủ tướng Lê Minh Khái tiếp Đại sứ Hoa Kỳ Marc E. Knapper
Chiều 31/1, tiếp Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Marc E. Knapper, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đã trao đổi một số nội dung liên quan đến việc triển khai thỏa thuận của Lãnh đạo cấp cao sau khi hai nước nâng cấp lên quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện.
Bày tỏ vui mừng gặp Đại sứ Marc E. Knapper nhân dịp đầu năm mới 2024, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cho biết năm 2024 là năm đầu tiên hai nước triển khai thỏa thuận của Lãnh đạo cấp cao, đưa quan hệ hai nước tiếp tục phát triển đi vào chiều sâu, toàn diện, ổn định và bền vững. Với Việt Nam, Hoa Kỳ là đối tác có tầm quan trọng chiến lược. Chính phủ Việt Nam đánh giá cao thông điệp nhất quán của Hoa Kỳ ủng hộ một Việt Nam “mạnh, độc lập, tự cường và thịnh vượng”; nhấn mạnh sẵn sàng cùng Hoa Kỳ triển khai kế hoạch chi tiết trong nội dung thỏa thuận cấp cao, Tuyên bố chung liên quan đến quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện.
Hoan nghênh Hoa Kỳ tăng cường hợp tác có trách nhiệm với khu vực châu Á - Thái Bình Dương, thông qua Chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và các sáng kiến khu vực, Phó Thủ tướng mong Hoa Kỳ tiếp tục ủng hộ vai trò trung tâm của ASEAN cũng như mối quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện giữa ASEAN - Hoa Kỳ, quan hệ đối tác Mekong - Hoa Kỳ, tiếp tục đóng góp tích cực cho hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển tại khu vực và trên thế giới cũng như vì lợi ích của hai nước.
Trao đổi về việc công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cho biết, đây là vấn đề lãnh đạo cấp cao hai nước rất quan tâm, đề nghị Đại sứ tiếp tục có tiếng nói mạnh mẽ, góp phần thúc đẩy Hoa Kỳ sớm công nhận quy chế này, hy vọng quá trình này sẽ được hoàn thành sớm nhất trong năm 2024.
Phó Thủ tướng cũng đã đề cập đến nội dung tạo điều kiện thuận lợi trong tăng cường hợp tác kinh tế, thương mại, đặc biệt trong tình hình mới là hai nước có quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện.
Cảm ơn Phó Thủ tướng dành thời gian đón tiếp, Đại sứ Marc E. Knapper cho biết, năm 2023 là năm trọng đại nhất trong quan hệ song phương hai nước với nhiều chuyến thăm cấp cao mà nổi bật nhất là chuyến thăm của Tổng thống Hoa Kỳ sang Việt Nam. Trong chuyến thăm này, Lãnh đạo cấp cao hai nước đã thống nhất nâng cấp quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện. Ông cũng khẳng định Hoa Kỳ luôn sẵn sàng và rất mong muốn hợp tác với Việt Nam.
Năm 2024, hai bên có trách nhiệm thực thi các thỏa thuận đã đạt được. Hoa Kỳ dự định hiện thực hóa được những văn bản đã ký kết, bao gồm cả Tuyên bố chung và Kế hoạch hành động, biên bản ghi nhớ trong các lĩnh vực bán dẫn. Những văn bản này phải được thực hiện đầy đủ. Hoa Kỳ mong muốn hợp tác chặt chẽ với Việt Nam để hoàn thành lời hứa với người dân hai nước, đó là tăng cường hơn nữa quan hệ song phương, quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện và trên cả toàn diện.
Đại sứ Marc E. Knapper đã thông tin một số nét về các công việc mà phía Hoa Kỳ đã triển khai trong thực hiện cam kết giúp Việt Nam phát triển ngành công nghiệp bán dẫn; nhấn mạnh, để làm được việc này, phải có một hệ sinh thái. Các công ty của Hoa Kỳ mong muốn đầu tư vào Việt Nam nhưng họ cần có môi trường pháp lý, được tiếp cận nguồn năng lượng sạch, đáng tin cậy một cách dễ dàng hơn, có cơ sở hạ tầng về công nghệ thông tin được cung cấp bởi các nhà cung cấp đáng tin cậy. Họ cũng cần lực lượng lao động công nghệ cao. Các vấn đề này cần được giải quyết trong thời gian từ 12 - 18 tháng tới.
Đại sứ gợi ý, một trong những cách Việt Nam có thể thực hiện để thu hút dòng đầu tư vào lĩnh vực chip bán dẫn là Hiệp định công nghệ thông tin mở rộng trong khuôn khổ WTO. Một lĩnh vực khác hai bên đã thống nhất làm sâu sắc hơn trong quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện, đó là lĩnh vực năng lượng sạch, phía Hoa Kỳ đang làm việc với Ngân hàng Nhà nước và Bộ Tài chính để cung cấp nguồn tài trợ xanh, trái phiếu xanh.
Đề cập đến quy định mới về quản lý và sử dụng viện trợ không hoàn lại, Đại sứ bày tỏ mong muốn xem xét, tạo điều kiện thuận lợi cho dự án hợp tác giữa hai bên. Thông tin về vấn đề công nhận nền kinh tế thị trường của Việt Nam, Đại sứ Marc E. Knapper cho biết, Phòng Thương mại Hoa Kỳ đang xem xét chi tiết, khẩn trương, hy vọng có thể kịp vào tháng 6/2024.